17 ngân hàng có thể bị hạ tín nhiệm, định giá sẽ giảm?
Từ thông báo của Moody's tới khi đưa ra xếp hạng chính thức sẽ là 3 tháng. Trong thời gian này, nếu Việt Nam cải cách tích cực thì sẽ không bị hạ xếp hạng.
Trao đổi với Zing.vn, hầu hết ngân hàng đều cho biết việc xem xét xếp hạng tín nhiệm này diễn ra ở những chỉ số ngân hàng đang bằng với chỉ số tín nhiệm quốc gia.
3 tháng để có những cải cách tích cực
Hiện nay, theo Bộ Tài chính, việc đưa Việt Nam vào diện xem xét hạ bậc tín nhiệm của Moody's là không phù hợp, bởi chỉ dựa trên những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính Việt Nam, nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Cơ quan này khẳng định Việt Nam chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.
Theo các ngân hàng, từ thông báo xem xét của Moody’s tới khi đưa ra xếp hạng chính thức sẽ là 3 tháng, trong thời gian này nếu Việt Nam có những cải cách tích cực thì sẽ không bị hạ xếp hạng.
Trường hợp Moody’s hạ tín nhiệm với Việt Nam trong 3 tháng tới, ngân hàng nào có chỉ số bằng với chỉ số quốc gia mới phải điều chỉnh giảm.
Tuy vậy, các ngân hàng đều cho biết sẽ có những xem xét, đánh giá tác động cụ thể với từng chỉ số tài chính liên quan.
Chưa có tác động
Đại diện ngân hàng đang bị Moody's xem xét chỉ số tiền gửi ngoại tệ cho biết đây mới là xem xét chứ chưa có xếp hạng chính thức. Bên cạnh đó, do không phải động thái xem xét trực tiếp từ nội tại nên hoạt động của ngân hàng không bị ảnh hưởng.
“Ngân hàng chưa thể đưa ra ý kiến vì đây mới chỉ xem xét, để đưa ra công bố xếp hạng chính thức dự kiến phải là cuối năm. Hiện tại, chắc chắn chưa có tác động nào tới 17 ngân hàng” vị này khẳng định.
Cũng theo vị này, đánh giá hạ tín nhiệm của một quốc gia không phải chuyện nhỏ và từ thông báo xem xét đến quyết định hạ là cả một quãng đường. Trong thời gian đó, Việt Nam có quyền thực hiện các hành động, trường hợp có những thay đổi tích cực thì Moody’s sẽ không hạ tín nhiệm.
Đại diện một ngân hàng tư nhân lớn tại Hà Nội cho hay đây là xem xét chung của toàn thị trường theo chỉ số tín nhiệm quốc gia chứ không do thể trạng của các ngân hàng. Theo đó, việc bị đưa vào diện xem xét này cũng không hề ảnh hưởng tới hoạt động, nghiệp vụ, hay chi phí vốn của ngân hàng… Vì vậy, các hoạt động đầu ra của ngân hàng không bị ảnh hưởng.
“Trường hợp Moody’s đánh giá riêng một hoặc một nhóm ngân hàng mới là vấn đề nội tại của nhà băng đó. Còn nếu xem xét đánh giá chung của cả quốc gia như đợt này thì hoạt động của các thành phần kinh tế không thay đổi”, vị này chia sẻ.
Một lãnh đạo ngân hàng khác cho biết việc các tổ chức xếp hạng như Moody’s công bố xem xét xếp hạng tín nhiệm với một quốc gia hay các TCTD của quốc gia đó là bình thường, và các TCTD không có trách nhiệm phản hồi lại.
“Moody’s là tổ chức trung lập, việc của họ là phải nghiên cứu và công bố xếp hạng, còn các TCTD như ngân hàng không phải lấy kết quả đó rồi tuyên bố lại”, vị này nói.
Theo đó, trong trường hợp này quốc gia được xem xét xếp hạng mới có thể lên tiếng, và thực tế Bộ Tài chính đã lên tiếng về việc này. Còn các ngân hàng không thể phản đối các tổ chức xếp hạng trung gian. Trên thế giới cũng không có trường hợp nào phản đối lại tổ chức xếp hạng vì họ đánh giá theo trách nhiệm và được thế giới công nhận.
Điều gì xảy ra khi bị hạ xếp hạng tín nhiệm?
Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng đều thừa nhận thực tế nếu một quốc gia bị hạ tín nhiệm sẽ ảnh hưởng đến huy động vốn của nước ngoài, cũng như tất cả TCTD khác trong nước và không ai muốn chuyện đó xảy ra.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết tất cả ngân hàng hiện nay đều có điểm tín nhiệm thấp hơn hoặc bằng điểm tín nhiệm quốc gia. Rộng hơn, không một thành phần kinh tế nào trong một quốc gia có điểm cao hơn điểm tín nhiệm quốc gia đó. Do đó, việc các ngân hàng vào diện xem xét hạ tín nhiệm cùng với quốc gia là chuyện dễ hiểu.
Tuy nhiên, theo ông, kể cả trường hợp Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm cũng sẽ không ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các ngân hàng.
“Đối với các khách hàng và nhà đầu tư trong nước thì họ không quá quan tâm và cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, nó sẽ ảnh hưởng tới nhà đầu tư nước ngoài, khi họ muốn đầu tư vào các ngân hàng bao giờ họ cũng xem điểm tín nhiệm đầu tiên”, ông Hiếu cho hay.
Ông Hiếu phân tích, các nhà đầu tư nước ngoài luôn nhìn vào điểm tín nhiệm để định giá đầu tư.
Đặc biệt, khi phát hành chứng khoán, trái phiếu trên thị trường quốc tế, các ngân hàng sẽ phải chịu lãi suất cao hơn, cùng mức định giá thấp hơn khi tín nhiệm bị hạ xuống.
Ông Hiếu cũng cho biết quốc gia được Moody’s xếp hạng tín nhiệm có quyền lên tiếng đồng thuận hay phản đối với các quyết định của tổ chức này nhưng quyết định cuối cùng vẫn là tổ chức xếp hạng. Trước khi đưa ra những chấm điểm, các tổ chức này đã có nhiều nghiên cứu chuyên sâu. Vì vậy, việc quốc gia, tổ chức nên làm là cải thiện những chỉ số tài chính hiệu quả để đáp ứng các chỉ số cao hơn trong bảng xếp hạng tín nhiệm.