17 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Triển lãm Quốc tế lần thứ 9 về cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo
Sáng 11/10, tại Hà Nội, Công ty Informa Markets Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm và Hội thảo Quốc tế lần thứ 9 về cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo (MTA Hanoi 2023). Triển lãm có quy mô 140 gian hàng đến từ hơn 17 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Triển lãm MTA Hanoi 2023 được tổ chức nhằm tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, cơ khí chế tạo tại các tỉnh phía Bắc tiếp cận với những thiết bị, công nghệ tiên tiến, thúc đẩy quan hệ giao thương với nhiều nhà cung cấp, đầu tư tiềm năng trong ngành.
Triển lãm MTA Hanoi năm nay có quy mô 140 gian hàng nhà trưng bày các sản phẩm về cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo đến từ hơn 17 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ...mở ra nhiều cơ hội giao thương giữa các doanh nghiệp.
Ông Richard Chen, Công ty Hiwin cho biết, công ty có mặt ở Việt Nam đã 20 năm, tại triển lãm công ty mang tới những giải pháp về công nghệ mới nhất trong sản xuất như máy móc, mô tơ, robot...các doanh nghiệp sản xuất sẽ tiết kiệm được chi phí, nhân công ở nhiều công đoạn. Việt Nam hiện đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đi theo đó là nhu cầu đầu tư về máy móc thiết bị, nên thị trường Việt Nam là một thị trường tiềm năng, nhiều dư địa để các doanh nghiệp đến đầu tư, chào hàng và hợp tác.
Ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam cho biết: “Các tỉnh phía Bắc là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của nhiều nhà máy sản xuất lớn trên thế giới. Nhờ vào mạng lưới vận tải phát triển, chiến lược ngoại giao tích cực và lợi thế chi phí, nhiều hãng công nghệ và nhà sản xuất linh kiện điện tử quốc tế đã quyết định đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc. MTA Hanoi 2023 sẽ là cơ hội để doanh nghiệp cung ứng quốc tế và nhà sản xuất trong khu vực gặp gỡ, quảng bá, tạo tiền đề cho nhiều đơn đặt hàng mới”.
Năm 2022 với tỉ lệ tăng trưởng 18%, ngành công nghiệp khuôn mẫu, cơ khí chính xác đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm 8,5% khuôn ép, còn lại là khuôn dập. Do đó, nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 13/10 với nhiều hoạt động giao thương và các hội thảo với chủ đề: Sản xuất thông minh theo xu hướng tự động hóa - tối ưu hóa - công nghệ thông tin trên nền tảng số ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo; tương lai sáng của vật liệu bán dẫn trong cách mạng công nghiệp điện tử; xu hướng ứng dụng AI, IoT giúp tối ưu hiệu quả làm việc, tiết kiệm chi phí trong ngành chế tạo.