17 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em
Tính đến ngày 17/11, cả nước đã phân bổ 129,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó khu vực miền Nam được phân bổ hơn 59,3 triệu liều, khu vực miền Bắc gần 49 triệu liều, khu vực miền Trung hơn 14,1 triệu liều và khu vực Tây Nguyên hơn 4,7 triệu liều. Đã có 17 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.
Các tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi gồm: Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Bình Dương, Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang. Tổng số liều đã được tiêm là 1.519.686, trong đó có 1.516.714 liều mũi 1 và 2.972 liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho trẻ từ 12 -17 tuổi hiện chiếm 16,6%.
Hiện nay, trên thế giới có 2 loại vaccine phòng COVID-19 đang tiêm cho trẻ. Cơ quan Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và Cơ quan Kiểm soát về thuốc và thực phẩm của Hoa Kỳ đã chính thức cho phép tiêm vaccine Pfizer-BioNTech có công nghệ mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Vaccine này đang được tiêm ở gần 40 quốc gia. Các quốc gia cũng thực hiện tiêm theo lứa tuổi từ cao xuống thấp, tiêm cho những nhóm có thể có những nguy cơ, có bệnh lý nền, sau đó mở rộng đối tượng. Vaccine thứ hai là vaccine Verocell của Sinopharm theo công nghệ bất hoạt. Vaccine này cũng đã được 4 quốc gia tiêm cho trẻ.
Tại Việt Nam, vaccine phòng COVID-19 đang được triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là vaccine Pfizer-BioNTech. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, vaccine này có công nghệ mRNA, khi được đưa vào trong cơ thể, nó chỉ xâm nhập vào bào tương, kết hợp với các riboxom để sản xuất các kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus vào tế bào đó, đặc biệt không có sự xâm nhập trực tiếp của vaccine này vào ADN của con người, vì vậy không gây đột biến, hoặc ảnh hưởng về sinh sản đối với trẻ tiêm vaccine này.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thời gian vừa qua, tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương thực hiện nhanh, đảm bảo yêu cầu, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương thực hiện tiêm chậm, để vaccine đã được phân bổ tồn tại kho bảo quản vaccine khu vực, kho của trung tâm kiểm soát bệnh tật. Một số tỉnh cũng chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu tiêm chủng, gây ảnh hưởng đến việc cập nhật tiến độ chung của toàn quốc.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng chỉ rõ, một số tỉnh tuy chưa đạt yêu cầu về tỉ lệ bao phủ tiêm chủng cho người trên 18 tuổi nhưng đã tiêm cho trẻ em. Mặc dù Bộ Y tế có hướng dẫn đầy đủ về tiêm vaccine cho trẻ em, liều sử dụng, loại vaccine, khoảng cách các mũi tiêm nhưng vẫn có địa phương còn lúng túng khi triển khai…
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để nhanh chóng đạt được tỉ lệ bao phủ mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên các đối tượng từ 50 tuổi trở lên và người có bệnh nền) và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương phải báo cáo về Bộ dự trù nhu cầu vaccine trong thời gian từ nay đến cuối năm 2021 và năm 2022, tuy nhiên mới chỉ có hơn một nửa các tỉnh, thành gửi về Bộ.
Trước thực tế trên, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế phải đề xuất nhu cầu vaccine từ nay đến cuối năm để bao phủ đủ mũi 1 cho toàn bộ đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn và nhu cầu vaccine năm 2022, báo cáo Bộ Y tế trước ngày 20/11/2021 để Bộ Y tế tổng hợp đưa vào kế hoạch phân bổ vaccine trong thời gian còn lại của tháng 11 và tháng 12/2021 cũng như năm 2022.
“Sau ngày 20/11, địa phương nào không có đề xuất, được hiểu là không có nhu cầu, Bộ Y tế sẽ không cấp vaccine cho địa phương đó. Sở Y tế chịu trách nhiệm trước Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và nhân dân về việc không đủ vaccine để tiêm chủng do không có đề xuất”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương, khi nhận các nguồn viện trợ vaccine khác ngoài nguồn phân bổ của Bộ Y tế, thì có báo cáo về Bộ Y tế để Bộ tổng hợp, có sự điều chỉnh để phân bổ vaccine phù hợp.