17 trường hợp bị oan trong quá trình điều tra, truy tố
Vẫn còn 17 trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của VKS.
Ngày 15-9, tiếp tục phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về báo cáo của các cơ quan tư pháp.
"Trong tố tụng, người ta không nói đình chỉ là oan"
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đánh giá năm 2022, VKSND các cấp tiếp tục tăng cường, chú trọng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự.
“Oan hay không, không phải do Ủy ban Tư pháp thích mà nói”
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước xác định trường hợp đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội... là các trường hợp bị oan phải bồi thường. “Oan hay không, không phải do Ủy ban Tư pháp thích mà nói, mà phải theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” - bà Nga lưu ý.
Cụ thể, công tác xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn về cơ bản chặt chẽ, đúng pháp luật. Tỉ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh vượt so với yêu cầu của QH. VKSND các cấp đã kịp thời phát hiện, hủy bỏ nhiều quyết định trái pháp luật của cơ quan điều tra...
Cạnh đó, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có kết quả tích cực và đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu của QH. Chất lượng các kiến nghị yêu cầu tòa án khắc phục vi phạm trong hoạt động xét xử được tiếp thu, thực hiện với tỉ lệ 99,8%.
“Tuy nhiên, vẫn còn 17 trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của VKS; còn để xảy ra trường hợp VKS truy tố nhưng tòa án tuyên không phạm tội” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.
Theo báo cáo, trong 17 trường hợp này, 15 trường hợp VKS đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can nhưng sau đó cơ quan điều tra đình chỉ điều tra đối với bị can do hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. Hai trường hợp VKS đình chỉ trong giai đoạn truy tố do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.
“Đình chỉ vụ án, chúng tôi cho rằng đây là việc rất thông thường, luật pháp cho phép, không phải đình chỉ là ám chỉ đó là oan, sai” - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói.
“Chúng tôi tập trung cho nhiệm vụ chống oan, sai là 10 và chống bỏ lọt là chín. Bởi vì “lọt” mai mốt còn có điều kiện phục hồi, làm lại nhưng oan, sai là chết dở” - Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nói trong phần giải trình sau đó.
Tuy nhiên, ông Trí đề nghị trong nhận thức có sự chia sẻ với cơ quan tố tụng, với những biện pháp tố tụng luật cho phép áp dụng thì không nên coi là “oan” mà có thể rút kinh nghiệm để hạn chế. “Trong tố tụng, người ta không nói đình chỉ là oan, oan chỉ khi không có tội mà bản án lại tuyên có tội” - ông Trí nói.
Chưa bức thiết phải có Luật Thừa phát lại
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án (THA), Ủy ban Tư pháp đánh giá năm 2002 Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong công tác THA dân sự và đạt kết quả đáng ghi nhận.
Kết quả thi hành xong về việc đạt trên 68% (tăng gần 2%), về tiền đạt hơn 31% (tăng gần 6%). Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng được quan tâm thực hiện. Theo đó, đã thi hành xong gần 1.500 việc với hơn 10.300 tỉ đồng (tăng hơn 8.300 tỉ đồng). Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng số lượng bản án có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn ở mức cao...
Liên quan đến hoạt động thừa phát lại (TPL), báo cáo thẩm tra dẫn số liệu cho thấy hiện cả nước có 145 văn phòng TPL (tăng 19 văn phòng so với cùng kỳ). Tuy nhiên, hoạt động TPL vẫn còn hạn chế, nhất là về xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ chức THA của các tổ chức TPL ngày càng giảm. “Đến nay, Chính phủ vẫn chưa chuẩn bị được dự án Luật TPL theo yêu cầu tại Nghị quyết 107 năm 2015 của QH ” - bà Lê Thị Nga nói.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng năm 2022 là “một kết quả vượt bậc trong công tác THA”. Nhấn mạnh về kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, ông Long cho rằng có một “cú hích” về mặt chiến lược là có Chỉ thị 04 của Ban bí thư về tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế...
Nói về việc “án chuyển kỳ sau nhiều”, ông Long thừa nhận đây là một thực tế. “Lý do chủ yếu là không có tiền và không có tài sản, cứ tích lại vậy thôi” - ông nói và cho hay nguyên nhân khác do công tác thống kê.
Về công tác TPL, ông Long đề nghị tiếp tục thực hiện theo nghị quyết của QH, các văn bản pháp luật hiện hành của Chính phủ. “Tôi thấy chưa đủ phạm vi và nội dung cũng như là sự bức thiết phải có ngay Luật TPL bây giờ. Số lượng văn phòng, số lượng các vụ việc cũng rất hạn chế” - ông Long nhấn mạnh.
TP.HCM: 54 thẩm phán nghỉ việc trong năm 2022
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ thừa nhận năm 2022, hầu như tất cả chỉ tiêu của ngành tòa án đều không đạt chỉ tiêu QH đề ra. Ông Tuệ dẫn chứng tỉ lệ giải quyết án hình sự chỉ được 88/90%, dân sự được 78/85%, hành chính thì 49/60%, giám đốc thẩm thì 41/60%.
“Đây không phải là việc giải quyết kém đi mà do số lượng án tăng lên, khi dịch COVID-19 giảm thì số lượng án của tòa tăng lên. Tỉ lệ giải quyết của chúng tôi đều cao hơn năm trước” - ông Tuệ nói thêm.
Ông Tuệ cũng nói về áp lực công việc, áp lực trong ngành: “TP.HCM trong năm vừa rồi có 54 cán bộ thẩm phán xin thôi việc, xin chuyển công tác. Hoặc Bến Tre là tỉnh nhỏ như vậy cũng có tám thẩm phán xin thôi. Điều này cho thấy áp lực đối với công việc của tòa rất lớn và các điều kiện khác rất khó khăn”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/17-truong-hop-bi-oan-trong-qua-trinh-dieu-tra-truy-to-post698808.html