17 tuổi lên chức bố, mẹ phải thay con trai nuôi cháu, 3 năm sau mới phát hiện ra sự thật cay đắng
3 năm sau đó, đứa trẻ đến tuổi đi học, cần làm thủ tục để nhập học trường mẫu giáo thì sự thật về con trai mới lộ ra.
Tiểu Trần đền từ Thương Khâu, Hà Nam (Trung Quốc) phải lên chức bố khi mới 17 tuổi. Sự việc lúc đó được chia sẻ khiến cộng đồng mạng Trung Quốc xôn xao.
Theo lời Tiểu Trần, cậu và cô bạn cùng lớp yêu nhau. Một thời gian sau bạn gái thông báo mang thai và cậu chính là bố đứa trẻ. Chuyện bất ngờ này khiến cả hai sợ hãi vì đều đang là học sinh.
Năm 2015, cô gái hạ sinh, mẹ Tiểu Trần đành thay con trai gánh trách nhiệm nuôi dưỡng đứa bé.
3 năm sau đó, đứa trẻ đến tuổi đi học, cần làm thủ tục để nhập học trường mẫu giáo. Tiểu Trần đi làm xét nghiệm ADN mới phát hiện đứa trẻ hóa ra không phải con ruột của mình.
Sự việc bại lộ, lúc này cô bạn gái năm xưa đến nhà khóc lóc cầu xin sự tha thứ. Cô gái nói thời điểm đó mắc sai lầm lớn nhưng không biết giải quyết ra sao vì còn quá trẻ nên đành nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ Tiểu Trần.
Màn khóc lóc của cô gái khiến mẹ Tiểu Trần mủi lòng, hơn nữa bà đã xem đứa trẻ như cháu của mình nên vẫn nhận tiếp tục nuôi dưỡng.
Không ngờ sau ngày ấy, cô gái bỗng cắt đứt liên lạc và không ai biết được cô ta đã đi đâu. Đến năm nay, đứa trẻ được 6 tuổi và bắt đầu vào học lớp 1 thì gia đình Tiểu Trần gặp khó khăn vì không thể hoàn tất thủ tục làm hộ khẩu cho đứa bé. Gia đình Tiểu Trần đau khổ và hoang mang, không biết phải xử lý ra sao nên đành phải cầu cứu dư luận.
Giáo dục giới tính và tình dục an toàn - điều bố mẹ không được bỏ qua khi dạy con
Vấn đề tình dục sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của con khi chúng trưởng thành. Vì vậy, hãy nói với con các vấn đề liên quan về giáo dục giới tính càng sớm càng tốt.
Việc giáo dục giới tính cho con cần phải rõ ràng, cụ thể, không tránh né. Ví dụ, khi lần đầu tiên con hỏi về việc mẹ sinh con ra như thế nào, bạn không nên tránh né câu hỏi này hoặc trả lời rằng con sinh ra từ nách, từ lỗ rốn… Bạn có thể cho con xem phim khoa học về hành trình của một chú "nòng nọc" đi tìm trứng. Sau đó là sự hình thành của một em bé trong bụng mẹ, tiếp đến là em bé sinh ra đời và lớn lên. Dần dần những cuộc trò chuyện về chủ đề giáo dục giới tính giữa bạn và con sẽ trở nên dễ dàng và cởi mở hơn.
Đừng phó mặc việc giáo dục giới tính cho nhà trường. Bởi hiện nay, việc giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ trong nhà trường còn rất hạn chế. Do đó, nếu không được học về giáo dục giới tính, con sẽ tự tìm hiểu và làm theo những nguồn không tin không chính xác.
Tùy thuộc vào độ tuổi của con bạn có thể cung cấp cho con các tài liệu giáo dục giới tính phù hợp. Đặc biệt, ở lứa tuổi vị thành niên, việc hướng dẫn con về tình dục an toàn là rất cần thiết bởi nó có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tuổi vị thành niên là từ 10-17 tuổi. Vị thành niên tức là chưa trưởng thành nên cần phải giáo dục chúng trong độ tuổi này giới tính là gì, quan hệ tình dục là gì, và thế nào được gọi là tình dục an toàn.
Hầu như hiện nay, ở tuổi vị thành niên, trẻ bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu, quan tâm đến cơ thể mình và cơ thể bạn khác phái, đồng thời bắt đầu có các tiếp xúc tình dục khá sớm – có thể 12-13 tuổi, có khi từ 15-16 tuổi. Độ tuổi quan hệ tình dục ở trẻ còn lệ thuộc rất nhiều vào yếu tố giáo dục từ gia đình, nhà trường, cộng đồng, mạng xã hội, những mối liên hệ của chúng với các bạn bè cùng lớp, cùng sinh hoạt cộng đồng…
Quan hệ tình dục không an toàn gây ra hậu quả ở cả nam và nữ. Ở nam giới, hậu quả là nguy cơ mắc các bệnh qua đường tình dục; riêng nữ giới thiệt thòi hơn rất nhiều khi lãnh cả 2 hậu quả là có thai không mong đợi và mắc bệnh qua đường tình dục.
Vì vậy, tình dục an toàn cần phải được phổ cập cho tất cả mọi người, làm thế nào để có thể ngừa thai và cần lựa chọn phương án ngừa thai hiệu quả, phối hợp; cũng như phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Cả nam lẫn nữ đều có thể nhiễm bệnh lây qua đường tình dục như nhau. Vì vậy, chúng ta phải ý thức được việc cần sử dụng bao cao su để bảo vệ cả mình và "đối tác".
Vì vậy, để việc giáo dục giới tính trẻ vị thành niên có hiệu quả cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, xã hội, các bộ ngành liên quan.