18 người bị thương, 13 tàu chìm do bão số 13
Chiều tối nay, 15-11, bão số 13 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến nay, bão đã gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, tài sản và hoa của người dân tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị; làm 18 người bị thương, trong đó Quảng Trị 7 người, Quảng Nam 3 người và Quảng Bình 8 người. Hiện, các địa phương tiếp tục thống kê thiệt hại, triển khai phương án khắc phục, ổn định cuộc sống người dân.
Chiều tối nay, 15-11, bão số 13 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến nay, bão đã gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, tài sản và hoa của người dân tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị; làm 18 người bị thương, trong đó Quảng Trị 7 người, Quảng Nam 3 người và Quảng Bình 8 người. Hiện, các địa phương tiếp tục thống kê thiệt hại, triển khai phương án khắc phục, ổn định cuộc sống người dân.
Sáng 15-11, lúc 6 giờ, tâm bão số 13 nằm ngay trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Bão đã giảm 4 cấp so thời điểm mạnh nhất, còn cấp 8-9, giật cấp 11.
Đầu giờ chiều 15-11, bão số 13 đã đi vào khu vực Quảng Bình, nam Hà Tĩnh. Hồi 13 giờ ngày 15-11, vị trí tâm bão trên khu vực bắc Quảng Bình, nam Hà Tĩnh.
Chiều tối 15-11, bão số 13 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn ở miền trung.
Bão số 13 đã gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, tài sản và hoa màu của người dân tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị; làm 18 người bị thương, trong đó, Quảng Trị 7 người, Quảng Nam 3 người, 8 người ở Quảng Bình; làm 13 tàu, thuyền bị chìm tại khu neo đậu, trong đó Thừa Thiên Huế có 9 tàu, thuyền. Có 5 nhà bị sập, trong đó Thừa Thiên Huế 3 nhà, Đà Nẵng 2 nhà; 1.505 nhà bị tốc mái, trong đó Thừa Thiên Huế 1.248 nhà, Quảng Trị 252 nhà, Đà Nẵng 4 nhà, Quảng Nam 1 nhà.
Bão số 13 gây ra 2 sự cố lưới điện đường dây 110KV ở Đà Nẵng, 17 trụ điện bị gãy đổ ở Quảng Trị. Có 283 xã, phường chủ động cắt điện, bảo đảm an toàn. Quốc lộ 48E qua huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An bị ngập 0,6m.
Các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão đang nhanh chóng triển khai phương án khắc phục, ổn định cuộc sống người dân.
17 giờ 00 phút
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, chiều tối nay, 15-11, bão số 13 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,9 độ vĩ bắc; 106,2 độ kinh đông, trên khu vực bắc Quảng Bình, nam Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 40 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
15 giờ 38 phút
Trưa 15-11, bão số 13 đổ bộ vào Quảng Bình với sức gió cấp 9, giật cấp 10. Nhờ chủ động ứng phó kịp thời nên bão số 13 không gây thiệt gì đáng kể.
Thông tin bước đầu từ huyện Lệ Thủy cho biết, một số hộ dân ở xã Ngư Thủy bị bay mái hiên, nhà bếp; một đoạn bờ biển tại đây bị sạt lở.
Tại TP Đồng Hới, kè biển Nhật Lệ bị sạt lở từ trận bão, lũ trước nay tiếp tục lở sâu thêm, một số biển quảng cáo nhỏ bị gãy đổ. Hàng chục nghìn khách hàng bị mất điện do sự cố hoặc Công ty Điện lực Quảng Bình chủ động cắt điện đề phòng sự cố nguy hiểm.
Theo đại diện Công ty Điện lực Quảng Bình, trong tối nay, ngoài TP Đồng Hới, các huyện trong tỉnh sẽ được cấp điện trở lại.
14 giờ 26 phút
Tại Hà Tĩnh, mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ liền khiến khoảng 300m thuộc tuyến đường Quốc lộ 1A, đoạn qua tổ dân phố Hưng Thịnh (thị xã Kỳ Anh) ngập sâu khoảng 60cm. Lực lượng cảnh sát giao thông phải đặt biển cảnh báo và điều tiết các phương tiện di chuyển qua hướng đường tránh 1B.
Nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, Công an thị xã Kỳ Anh đã phối hợp phường Hưng Trí lập chốt chặn phía trong để ngăn các phương tiện qua lại.
(Nguồn: baohatinh.vn)
14 giờ 00 phút
Đầu giờ chiều 15-11, bão số 13 đã đi vào khu vực Quảng Bình, nam Hà Tĩnh. Hồi 13 giờ ngày 15-11, vị trí tâm bão trên khu vực bắc Quảng Bình, nam Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
13 giờ 15 phút
Vào lúc 13 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ vĩ bắc; 106,6 độ kinh đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20 km/giờ.
Nhà dân bị tốc mái, ngổn ngang sau bão số 13. (Ảnh: baothuathienhue.vn)
12 giờ 52 phút
Tin nhanh từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, vị trí tâm bão lúc 12 giờ vào khoảng 17,6 độ vĩ bắc; 106,8 độ kinh đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 12. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20 km/giờ.
11 giờ 30 phút
Sáng 15-11, tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế), ngoài xã Thủy Phù ngập lụt toàn bộ thôn 10 từ 40-60cm, bão làm một trụ điện bị gãy, nhiều cây đổ ngã ở Phú Bài, toàn thị xã Hương Thủy có 118 nhà, mái hiên và công trình phụ bị tốc mái từ 30 đến hơn 70%.
Nhà bà Lê Thị Sinh (thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận) bị tốc mái lúc rạng sáng. (Ảnh: baothuathienhue.vn)
Tại huyện A Lưới, sau 11 giờ trưa, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông báo cho phép người dân A Lưới đi lại bình thường. Theo thống kê bước đầu từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện A Lưới, trong đêm 14 và sáng 15-11, tại huyện A Lưới có mưa và gió không quá lớn, chưa ghi nhận về thiệt hại. Đến nay, sự cố mất điện cũng đã được khắc phục.
Theo đại diện UBND huyện A Lưới, sau 11 giờ trưa, các đơn vị và lực lượng chức năng tại các địa phương bắt đầu hỗ trợ người dân, nhất là người già, trẻ em và phụ nữ ở tại các điểm tập trung trở lại nhà, dọn dẹp vệ sinh và tiếp tục công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão, ổn định cuộc sống người dân.
Tàu 50 CV của ngư dân Nguyễn Văn Sanh ở Thuận An bị đánh chìm. (Ảnh: baothuathienhue.vn)
Tại huyện Phú Vang, thông tin ban đầu từ thị trấn Thuận An, do ảnh hưởng cơn bão số 13, có 11 tàu, thuyền của ngư dân neo đậu trong bờ bị chìm. Nhiều tàu, thuyền đâm va, mắc cạn; nhà dân bị tốc mái. Nhiều trường học ở xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Dương, Phú Hồ bị bay mái, hư hỏng; cây cối gãy đổ. Trong đó, xã Phú Thanh ngập nặng, chính quyền địa phương và các lực lượng phải di chuyển bằng ca nô để nắm tình hình, kịp thời có biện pháp khắc phục ban đầu.
Tại xã Phú Thuận, thống kê ban đầu cho biết gió mạnh đã làm nhiều nhà, trường học tốc mái, tàu cá bị đứt néo trôi dạt vào bờ, mắc cạn nhưng không thiệt hại nặng.
Hiện các địa phương đang thống kê thiệt hại và triển khai phương án khắc phục để người dân ổn định cuộc sống.
(Nguồn: baothuathienhue.vn)
10 giờ 54 phút
Theo bản tin nhanh của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, vị trí tâm bão lúc 10 giờ ở khoảng 17,3 độ vĩ bắc; 107,0 độ kinh đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 12. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20 km/giờ.
Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, ở đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; trên đất liền ven biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm.
10 giờ 48 phút
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP Đà Nẵng cho biết, do không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 13 cùng với việc chủ động triển khai công tác phòng, chống nên Đà Nẵng chỉ có một số hạ tầng giao thông, đê kè biển bị hư hỏng... Ven biển Sơn Trà, đường Hoàng Sa đoạn 700m gần đường Lê Đức Thọ, sóng đánh tràn rác, cát lên vỉa hè và mặt đường.
Các đơn vị đã nhanh chóng huy động lực lượng và phương tiện hỗ trợ có mặt thực hiện dọn đất, rác thải trên mặt đường.
10 giờ 5 phút
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến khoảng 6 giờ ngày 15-11, TP Huế đã không còn có gió mạnh, tuy nhiên tại khu vực huyện Phong Điền vẫn đang có gió lớn do ảnh hưởng của bão số 13.
Hàng loạt cây to bị gió quật làm bật gốc tại TP Huế. (Ảnh: TTXVN)
Thống kê ban đầu, bão số 13 đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa gây thiệt hại về người, một số nhà không kiên cố bị gió bão làm tốc mái, một số cây xanh bị gió quật làm bật gốc, gãy đổ.
9 giờ 44 phút
Năm người bị thương do bão số 13: 9 giờ 15 phút sáng 15-11, theo báo cáo của các địa phương gửi về Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, thiệt hại ban đầu do bão số 13 đã làm năm người bị thương do chằng chống nhà cửa, trong đó Quảng Trị hai người, Quảng Nam ba người.
Tính đến 7 giờ sáng 15-11, các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã triển khai công tác di dời tổng cộng 93.795 hộ với 324.780 người đến nơi an toàn. Trong đó, Hà Tĩnh di dời 3.616 hộ với 12.486 người; Quảng Bình: 14.259 hộ với 47.372 người; Quảng Trị: 13.470 hộ với 39.725 người; Thừa Thiên Huế: 22.348 hộ với 73.940 người; Đà Nẵng: 16.135 hộ với 78.544 người; Quảng Nam: 23.687 hộ với 71.840 người; Quảng Ngãi: 280 hộ với 873 người.
9 giờ 21 phút
Tại Đà Nẵng, từ đêm đến sáng sớm 15-11, do ảnh hưởng của bão số 13, dọc đường biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Nguyễn Tất Thành, rác thải, lá cây, cành cây, đất cát… bị sóng đánh và mưa làm gãy dạt lên bờ biển và trên tuyến đường.
Hàng dừa được trồng dọc bãi biển cũng bị sóng đánh bật gốc. Vỉa hè đường bờ biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà) xuất hiện một số đoạn bị sụt lún.
Đường Như Nguyệt dọc sông Hàn bị xói lở nền. Hệ thống trụ điện ghế đá cũ bị giật đổ, đất đá vương vãi trên đường.
6 giờ 14 phút
Theo bản tin nhanh của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, vị trí tâm bão lúc 6 giờ ở khoảng 16,9 độ vĩ bắc; 107,7 độ kinh đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 km/giờ.
5 giờ 47 phút
Hồi 4 giờ ngày 15-11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,8 độ vĩ bắc; 107,9 độ kinh đông, ngay trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 1 giờ ngày 15-11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,6 độ vĩ bắc; 108,5 độ kinh đông, cách Đà Nẵng khoảng 70 km, cách Thừa Thiên Huế khoảng 100 km, cách Quảng Trị khoảng 150 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 14-11, các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã triển khai công tác di dời 66.123 hộ với 216.886 người đến nơi an toàn. Trong đó, các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã hoàn thành công tác sơ tán dân, các địa phương khác vẫn đang tiếp tục triển khai công tác sơ tán dân.
Báo cáo cho biết, các lực lượng đã thông báo, hướng dẫn tổng số 59.752 phương tiện tàu thuyền với 289.062 người, trong đó, hoạt động trên biển 4.175 phương tiện với 27.963 người, neo đậu tại các bến 56.529 phương tiện với 266.333 người.
Hiện không còn phương tiện nào hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, cần lưu ý các tàu nhỏ đánh bắt trong ngày, trong đó Nghệ An có 43 phương tiện vơí157 người, Thanh Hóa 196 phương tiện với 1.082 người.
Bộ Giao thông vận tải đã cấm xuất bến đối với các phương tiện thủy nội địa đi vào vùng ảnh hưởng của bão; hướng dẫn các tàu hàng hải khi cấp phép rời cảng.