18 người chết và mất tích do mưa lũ, hơn 77 nghìn khách hàng đã được cấp điện trở lại

Tính đến sáng nay, 2-12, các địa phương ghi nhận 18 người chết và mất tích do mưa lũ, gồm Bình Định 3 người, Phú Yên 10 người, Khánh Hòa 2 người, Kon Tum 1 người và Đắk Lắk 2 người.

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định lại cuộc sống. Ảnh: Ngọc Hà

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định lại cuộc sống. Ảnh: Ngọc Hà

Hiện, tại tỉnh Phú Yên, nước đang rút nhanh. Đến 6 giờ sáng 2-12 chỉ còn 150 nhà bị ngập nước từ 0,5 đến 1m và hơn 2.800 nhà ngập từ 0,3 đến 0,5m.

Thành phố Quy Nhơn, huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, tỉnh Bình ĐỊnh còn 1.800 nhà bị ngập 0,2 đến 0,4m. Hiện nước tiếp tục rút nhanh, các hộ dân đã trở về nhà vệ sinh môi trường, ổn định đời sống.

25.000 học sinh của tỉnh Bình Định vẫn chưa được đến trường do các trường học còn nằm trong vùng ngập nước.

Ngành giao thông vận tải của tỉnh Bình Định, Quảng Nam và Kon Tum đang tập trung nhân lực và phương tiện tiếp tục khơi thông các tuyến đường bị ách tắc do sạt lở đất.

Trong khi đó, ngành điện lực đã cấp điện trở lại cho hơn 77 nghìn khách hàng ở 6 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đến sáng 2-12, các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Khánh Hòa cơ bản có điện hoàn toàn.

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đăk Lăk triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 30/11/2021 và Công điện số 24/CĐ-QG ngày 30-11 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai về việc chủ động triển khai biện pháp ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và công trình cơ sở hạ tầng.

Đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình có người chết, mất tích; huy động lực lượng giúp dân vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, ổn định đời sông ngay sau khi lũ rút.

Tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại và kịp thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ khi vượt quá khả năng khắc phục của địa phương.

Người dân Bình Định dọn dẹp nhà cửa sau khi nước lũ rút. Ảnh: Báo Bình Định

Người dân Bình Định dọn dẹp nhà cửa sau khi nước lũ rút. Ảnh: Báo Bình Định

Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, Phú Yên; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến dòng chảy đến hồ và ngập lụt phía hạ du để chỉ đạo vận hành hồ chứa theo quy định.

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cũng đề nghị các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, rét đậm, rét hại để triển khai ứng phó.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau tiếp tục triển khai theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và ứng phó với thời tiết nguy hiểm trên biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/18-nguoi-chet-va-mat-tich-do-mua-lu-hon-77-nghin-khach-hang-da-duoc-cap-dien-tro-lai-post445968.html