19,6% trẻ em Việt Nam bị thiếu hụt các chỉ số nghèo đa chiều
Thông tin trên được TS Nguyễn Việt Cường - đại diện nhóm chuyên gia UNICEF công bố tại hội thảo Chia sẻ kết quả nghiên cứu phương pháp luận về nghèo đa chiều trẻ em (TE) và lồng ghép vào nghèo đa chiều quốc gia, ngày 20/7.
Dựa trên số liệu của khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2014 nhóm chuyên gia UNICEF đã dùng phương pháp Alkire Foster được hơn 40 nước trên thế giới đang áp dụng để phân tích.
Kết quả cho thấy, 7,7% TE trong độ tuổi từ 0 – 15 ở Việt Nam thiếu hụt hơn 1/3 các chỉ số quan trọng của nghèo đa chiều. Và, 19,6% trẻ em trong độ tuổi đó thiếu hụt hơn 1/5 các chỉ số.
“Con số này khá gần với tỉ lệ trẻ em sống trong các gia đình nghèo về thu nhập (19,2%) cũng như số TE sống trong các hộ gia đình nghèo đa chiều (19%). Có nhiều trẻ nghèo đa chiều sống trong các hộ gia đình không nghèo thu nhập và ngược lại” – ông Việt Cường nhấn mạnh.
Ông Việt Cường cho biết, khi so sánh các mức giảm nghèo cho thấy gần một nửa số trẻ em nghèo đa chiều sống trong các hộ gia đình không nghèo thu nhập và trên một phần tư TE nghèo đa chiều không thể xác định được là nghèo theo bất kỳ một phương pháp đo lường nào. Hơn nữa, các phương pháp đo lường nghèo hộ gia đình thường có thể bỏ qua những thiếu hụt quan trọng nhất đối với TE, đó là sức khỏe, học tập và dinh dưỡng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra sự xuất hiện của những tổn thương mới và phức tạp của trẻ liên quan đến sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn, sự chồng lẫn giữa bảo vệ TE (đăng ký cư trú) và tiếp cận các dịch vụ (y tế, học tập, nhà ở).
Có tới 28,9% TE dân tộc bị thiếu hụt hơn 1/3 các chiều quan trọng, trong khi TE người Kinh chỉ có 2,9%.
Nghèo đói TE tập trung cao ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên – nơi dân tộc thiểu số sinh sống với tỉ lệ 19,9%. Ngược lại, tỉ lệ nghèo đa chiều TE ở vùng đồng bằng sông Hồng chỉ là 1,1%.
Theo ông Cường, TE có nhiều yếu tố bị tổn thương càng dễ có khả năng rơi vào nghèo đa chiều. Trong số 4 yếu tố khiến TE dễ bị tổn thương (nghèo thu nhập, người dân tộc thiểu số, chủ hộ không có bằng cấp, sống trong hộ gia đình có quy mô lớn) thì tỉ lệ nghèo đa chiều TE của nhóm này trên 50% so với chỉ 1,3% TE không có bất kỳ những thiếu hụt này.