19 quốc gia giàu nhất thế giới cần chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2034

Theo báo cáo mới từ nhà khoa học khí hậu hàng đầu tại Đại học Manchester công bố hôm nay, các quốc gia giàu có phải chấm dứt sản xuất dầu và khí đốt vào năm 2034 để thế giới có thể đi đúng lộ trình vì mục tiêu giữ mức tăng nhiệt ở ngưỡng 1,5°C.

Theo đó, báo cáo “Các lộ trình chấm dứt sản xuất nhiên liệu hóa thạch” áp dụng các nguyên tắc tương tự đối với dầu và khí đốt. Báo cáo xác định mức sản lượng trong tương lai phù hợp với các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris và điều này có ý nghĩa gì đối với 88 quốc gia chịu trách nhiệm về 99,97% nguồn cung cấp dầu và khí đốt.

Châu Âu và Hoa Kỳ là các quốc gia cần đi đầu trong việc ngừng sản xuất dầu mỏ và khí đốt.

Châu Âu và Hoa Kỳ là các quốc gia cần đi đầu trong việc ngừng sản xuất dầu mỏ và khí đốt.

Báo cáo đặt ra các lộ trình loại bỏ dầu khí khả thi cho năm nhóm quốc gia khác nhau dựa trên năng lực của họ nhằm thực hiện một quá trình chuyển đổi, loại bỏ nhanh chóng và đơn giản nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo đề xuất thời điểm loại bỏ sản xuất dầu và khí đốt của các quốc gia nhằm phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, cũng như cam kết về một quá trình chuyển dịch công bằng. Tính toán dựa trên mức độ giàu có, sự phát triển và sự phụ thuộc kinh tế vào nhiên liệu hóa thạch khác nhau của các quốc gia, báo cáo này cho biết các quốc gia nghèo nhất cần thời gian đến năm 2050 để chấm dứt sản xuất nhưng các nước này cũng sẽ cần nguồn hỗ trợ tài chính đáng kể để chuyển đổi nền kinh tế của họ.

Báo cáo của Giáo sư Kevin Anderson, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu Tyndall và Tiến sĩ Dan Calverley, khuyến nghị rằng tất cả các quốc gia đều cần cắt giảm đáng kể sản lượng dầu khí trong thập kỷ này. Những quốc gia giàu có nhất, sản xuất hơn một phần ba lượng dầu và khí đốt của thế giới, phải cắt giảm sản lượng 74% vào năm 2030; những quốc gia nghèo nhất, chỉ cung cấp một phần chín nhu cầu toàn cầu, cần cắt giảm 14%.

Kevin Anderson, Giáo sư về năng lượng và biến đổi khí hậu tại Đại học Manchester, cho biết: "Ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang diễn ra đòi hỏi một sự chuyển dịch nhanh chóng, loại bỏ nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng điều này phải được thực hiện một cách công bằng. Có sự khác biệt rất lớn về khả năng chấm dứt sản xuất dầu và khí đốt của các quốc gia, trong khi vẫn phải duy trì nền kinh tế năng động đồng thời mang lại một quá trình chuyển dịch công bằng cho công dân của mình. Chúng tôi đã phát triển một lịch trình loại bỏ dần việc sản xuất dầu và khí đốt - với sự hỗ trợ đầy đủ cho các nước đang phát triển - đáp ứng các cam kết về khí hậu nhiều thách thức của chúng ta và thực hiện điều đó một cách công bằng.

Nghiên cứu đã được hoàn thành trước khi Nga tấn công Ukraine. Tất nhiên, người đầu tiên chúng tôi nghĩ tới là người dân Ukraine, và thực sự là tất cả những người bị cuốn vào cuộc chiến. Nhưng giá dầu và khí đốt tăng cao chỉ làm củng cố thêm cho nghiên cứu mà chúng tôi đưa ra trong báo cáo của mình mà thôi. Nếu chúng ta đã dành hai mươi năm qua để thiết lập việc sử dụng năng lượng hiệu quả và hợp lý cùng với việc xây dựng số lượng lớn các dự án năng lượng tái tạo, thì giờ đây chúng ta đã không phải tìm kiếm nguồn cung cấp dầu khí thay thế và đối mặt với tác động của giá cả biến động. Bây giờ chính là lúc chúng ta nên lập kế hoạch cho một thế kỷ XXI sử dụng năng lượng tái tạo thay vì sống phụ thuộc vào dầu mỏ như thế kỷ XX".

Báo cáo được ủy quyền bởi Viện Phát triển bền vững quốc tế, lưu ý rằng, một số quốc gia nghèo hơn phụ thuộc vào nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch sẽ có nguy cơ gặp bất ổn về chính trị nếu loại bỏ thu nhập này quá nhanh. Các quốc gia như Nam Sudan, Congo-Brazzaville và Gabon, mặc dù là các nước sản xuất nhỏ, nhưng doanh thu từ các lĩnh vực khác ngoài sản xuất dầu và khí đốt là rất ít.

Ngược lại, báo cáo nhận định: "Các quốc gia giàu có là nhà sản xuất lớn, thường vẫn giàu có ngay cả khi nguồn thu từ dầu khí không còn". Doanh thu từ dầu khí đóng góp 8% vào GDP của Hoa Kỳ nhưng nếu không có nó, GDP bình quân đầu người của quốc gia này sẽ vẫn ở mức khoảng 60.000 USD - mức cao thứ hai trên toàn cầu.

Có thể nhận định rằng, việc chuyển dịch năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch khác cần các quốc gia giàu có nhất trên thế giới hành động "làm gương". Đây là trách nhiệm cần được thể hiện bằng hành động thực tế chứ không phải sự kêu gọi xuông để cứu lấy trái đất khỏi các thảm họa về môi trường và cả sự hủy diệt trong tương lai gần.

19 quốc gia có GDP bình quân đầu người không tính từ nguồn dầu mỏ (GDP/đầu người) trên 50.000 USD, phải chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2034, với mức cắt giảm 74% vào năm 2030. Nhóm này sản xuất 35% lượng dầu và khí đốt toàn cầu và bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Na Uy, Canada, Úc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Tùng Dương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/19-quoc-gia-giau-nhat-the-gioi-can-cham-dut-san-xuat-dau-khi-vao-nam-2034-645646.html