19 tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước được vay vốn lãi suất 0%, thời hạn 3 năm: Đề xuất bất khả thi!
Trước tình trạng thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã đề xuất cơ chế cho các đơn vị này vay ngân hàng với lãi suất 0%, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm.
Đề xuất cơ chế “siêu ưu đãi”
Mới đây, tại văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban Quản lý vốn) cho biết, dự kiến doanh thu của các tập đoàn, Tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, 7/19 tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng. Cụ thể, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lỗ 2.383 tỷ đồng; Tập đoàn xăng dầu Việt Nam lỗ 572 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ 440 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ hơn 111 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực Miền Nam lỗ 97 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 25 tỷ đồng; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ 100 tỷ đồng.
Dự kiến cả năm, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch; 8/19 tập đoàn, tổng công ty bị thua lỗ với tổng số lỗ khoảng 26.324 tỷ đồng
Với sự ảnh hưởng nghiêm trọng đó, Ủy ban Quản lý vốn đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất tới các bộ ngành liên quan về hỗ trợ thuế, tài chính, thương mại, đầu tư và chế độ chính sách cho người lao động.
Đáng chú ý, Ủy ban đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động. Trong đó, riêng Vietnam Airline đề nghị được hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng, bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.
Bất khả thi?
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, các ngân hàng thương mại đã xây dựng và triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất từ 0,5% đến 4,5% với tổng giá trị các gói tín dụng khoảng 285.000 nghìn tỷ đồng (đã thay đổi tăng so với con số 250.000 tỷ đồng mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nhắc đến).
Đồng thời, các ngân hàng tiếp tục xem xét giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, với mức lãi suất giảm từ 1% đến 3%; tiếp tục xem xét không tính lãi phạt, giảm phí các dịch vụ ngân hàng.
Tuy nhiên, với đề xuất của “Siêu ủy ban” thì 19 tập đoàn, tổng công ty không chỉ được tiếp cận gói tín dụng trên như một khách hàng thương mại bình thường với ưu đãi như các doanh nghiệp khác mà sẽ được vay tối thiểu 3 năm với lãi suất 0%.
Với đề xuất này, theo nhiều chuyên gia kinh tế, là khó khả thi. Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng, không khả thi ở 3 khía cạnh.
Thứ nhất, việc cho vay với lãi suất 0% chỉ áp dụng cho các khoản vay để đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, tại Dự thảo Nghị định về gói hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19 vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ quốc hội, Chính phủ cũng chỉ đề xuất cơ chế cho các doanh nghiệp vay thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người.
Những khoản vay này sẽ được dành để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và doanh nghiệp có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động. Dự kiến tổng gói này khoảng 16.200 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 3 triệu lao động.
Thứ hai, gói hỗ trợ 285.000 tỷ của các ngân hàng thương mại không phải khoản tiền ngân sách nhà nước bỏ ra để hỗ trợ nền kinh tế, mà đó là nguồn vốn thương mại của các ngân hàng, tức là các ngân hàng phải huy động vốn từ người dân và doanh nghiệp để cho vay (hiện nay, lãi suất huy động dài hạn đang dao động từ 6,5% - 8,5%/năm).
Thứ ba, bản thân các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, họ không thể bỏ vốn ra ưu đãi theo cách “cho không” doanh nghiệp khác được, trong khi ngân hàng đang phải chịu rất nhiều chi phí liên quan đến đồng vốn đó.
Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được tiếp cận vốn lãi suất 0% không có nghĩa là “đường cụt”. Nếu chịu tác động tiêu cực của Covid-19 thì các “ông lớn” này hoàn toàn có thể tiếp cận vay gói tín dụng 285.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi mà các tổ chức tín dụng đang công bố. “Đấy là điều kiện ưu đãi rất tốt rồi” – vị chuyên gia nêu quan điểm.