19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước kinh doanh ra sao sau 6 năm?
Có thể nói sau 6 năm đi vào hoạt động, Ủy ban đã đạt được những thành tích, kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Năm 2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) được thành lập theo Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ nhằm thực hiện chủ trương tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong quản lý doanh nghiệp nhà nước của các bộ, địa phương. Sau 5 năm đi vào hoạt động, việc tiếp tục thực hiện mô hình Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ như Thông báo số 40-TB/TW của Bộ Chính trị là hết sức cần thiết.
Những kết quả khả quan
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh- Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sau 6 năm thành lập và hoạt động, dưới sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực phấn đấu của Ủy ban và các doanh nghiệp trực thuộc đã đem lại những kết quả khả quan. Đánh giá chung, thống nhất của các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình tổng kết việc thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Thông báo số 40-TB/TW ngày 14/9/2017 cho thấy, Ủy ban đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Những kết quả nổi bật có thể tóm lược trong các nhóm vấn đề lớn: Ủy ban đã hoàn thành xử lý hầu hết công việc chuyển giao từ các bộ còn xử lý dở dang, phức tạp, vướng mắc, tồn đọng qua nhiều thời kỳ.
Ủy ban đã thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ, thúc đẩy các Tập đoàn, Tổng công ty duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Tích cực đổi mới phương thức, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, điều hành. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các Tập đoàn, Tổng công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và sắp xếp lại, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, các Tập đoàn, Tổng công ty tiếp tục thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước, góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo nguồn lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế, đồng thời, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Cụ thể, về tình hình tài chính hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, doanh thu ước đạt hơn 1.000.000 tỷ đồng, bằng 76,28% kế hoạch năm và bằng 113% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế ước đạt khoảng 57.000 tỷ đồng, bằng 127% kế hoạch năm và bằng 127% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị nộp ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 86.000 tỷ đồng, bằng 75,24% kế hoạch năm.
Về tình hình đầu tư phát triển, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đến hết tháng 6.2024 ước đạt gần 67.000 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2023. Tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý làm cơ sở để các Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, có vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội.
Khắc phục hạn chế, tập trung thúc đẩy đầu tư phát triển
Theo lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về cơ bản, Ủy ban đã trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt các Chiến lược, Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm, Đề án cơ cấu lại của các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; phê duyệt hoặc chấp thuận các Chiến lược, Kế hoạch 5 năm, Đề án cơ cấu lại của hầu hết các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Ủy ban.
Đề cập tới công tác đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban đề nghị các đơn vị của Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, tích cực báo cáo về tình hình thực tiễn, thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển; đồng thời, cùng Ủy ban đóng góp ý kiến xây dựng Luật.
Thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế trong công tác đầu tư của các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng dẫn lại quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra vào ngày 15/6: “Các doanh nghiệp nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, 3 đột phá chiến lược. Quán triệt, nhận thức rõ ưu thế nổi trội về nguồn lực, về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao đang nắm giữ”. Từ đó, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng lưu ý các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, trong những tháng cuối năm 2024, cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường tích lũy, tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, tiếp tục khẳng định vài trò là công cụ hữu hiệu ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
19 tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong số hơn 820 doanh nghiệp nhà nước nhưng là lực lượng quan trọng đang nắm giữ khối tài sản rất lớn khoảng hơn 4 triệu tỷ đồng, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.