19 tỉnh phía Nam giãn cách, Bộ Y tế đủ trang thiết bị y tế?

Bộ trưởng Bộ Y tế giải đáp thắc mắc trước câu hỏi liệu ngành y tế có đủ trang thiết bị phục vụ cho 19 tỉnh, thành phố phía Nam giãn cách theo Chỉ thị 16 hay không.

GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, để phục vụ cho 19 tỉnh,thành phố phía Nam giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong thời gian tới, những ngày vừa qua, Bộ Y tế đã chuẩn bị tích cực về trang thiết bị, vật tư y tế. Qua đó khẳng định, Bộ Y tế có đủ trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch tại các địa phương này.

Thành lập kho dã chiến

Theo ông Long, trong ngày hôm nay 17/7, Bộ Y tế đã thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP.HCM.

Bộ Y tế giao Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM có nhiệm vụ cấp phát trang thiết bị, vật tư tiêu hao cho các địa phương.

Song song với đó, Bộ cũng sẽ điều phối 2.000 máy thở chức năng cao và máy thở thông thường cho kho dự trữ tại TP.HCM để đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị cho phòng chống dịch.

“Đồng thời, chúng tôi cũng đang tích cực huy động các nguồn lực, vận động nhà tài trợ để có thể đảm bảo trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch khu vực này. Ngoài ra, các địa phương thời gian qua cũng đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và có sự chuẩn bị trang thiết bị.

Chúng tôi tin rằng, chúng ta sẽ đảm bảo đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch tại đây cũng như các đia phương khác trên toàn quốc”, ông Long nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, ngành y tế có đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác giãn cách theo Chỉ thị 16 của 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, ngành y tế có đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác giãn cách theo Chỉ thị 16 của 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Sẵn sàng cho mọi kịch bản

Theo ông Nguyễn Thanh Long, ngành y tế đã đưa ra tất cả các chỉ đạo, kịch bản cho việc thực hiện biện pháp phòng chống dịch khi thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam, trong đó nhấn mạnh vấn đề về xét nghiệm để phát hiện sớm các ca bệnh, cũng như đảm bảo công tác điều trị.

Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải tăng công suất, thay đổi chiến lược xét nghiệm sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để tầm soát phát hiện những trường hợp lây nhiễm COVID-19 ở cộng đồng, từ đó tách ra ngay khỏi cộng đồng ca bệnh này để giảm lây nhiễm ngoài xã hội.

Về điều trị, ông Long cho biết sẽ chia làm 3 tầng. Trường hợp các bệnh nhân không có triệu chứng sẽ được điều trị tại cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ban đầu, những nơi đòi hỏi về mặt y tế ở mức độ trung bình.

Đối với các bệnh nhân có triệu chứng và có thể tiến triển thành bệnh nhân nặng sẽ điều trị các cơ sở y tế, từ bệnh viện tuyến huyện trở lên.

Còn với trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các địa phương thành lập đơn nguyên hay trung tâm hồi sức tích cực để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng.

“Song song với việc đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tại các khu vực hình thành trung tâm điều trị bệnh nhân nặng nguy kịch để thực hiện tất cả các biện pháp chuyên môn kỹ thuật điều trị, cấp cứu bệnh nhân”, ông Long nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành y tế cũng cho rằng, một trong những nguyên tắc cơ bản của Chỉ thị 16 là người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, khu phố cách ly với khu phố, xã cách ly với xã, cũng như huyện cách ly với huyện.

Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ ở trong nhà, khi thật sự cần thiết mới ra ngoài, hạn chế mọi sự tiếp xúc với người ngoài xã hội, không tụ tập đông người và không quá 2 người tại các khu ngoài công sở, bệnh viện, trường học.

Mặt khác, tất cả các cơ sở phải chuyển sang trạng thái làm việc online hoặc có biện pháp giãn cách để làm sao đảm bảo tất cả các biện pháp phòng chống dịch.

“Chỉ thị 16 nhấn mạnh, đối với các cơ sở như cơ sở y tế hoạt động 100% công suất. Vì vậy, chúng tôi cũng đã đề nghị và yêu cầu các địa phương phải triển khai ngay phương án này”, ông Long khẳng định.

Phạm Quý

Nguồn VTC: https://vtc.vn/19-tinh-phia-nam-gian-cach-bo-y-te-du-trang-thiet-bi-y-te-ar624989.html