19 tỉnh, thành phố phía Nam góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Ngày 14-3, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của các bộ ngành Trung ương và 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần đặt quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền để các quy hoạch khác thực hiện theo, tránh sự chồng chéo bất cập, khó thực hiện. Đồng thời, đề xuất bỏ Khoản 3 và Khoản 4 tại Điều 65 Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để tránh sự chồng chéo.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho rằng, thời gian qua, doanh nghiệp, người dân, chính quyền địa phương đánh giá cao quan điểm xem đất đai là nguồn lực phát triển. Trong đó, việc tạo quỹ đất, thực hiện số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, giao dịch đất đai, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý đất đai… là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, nhiều nội dung trong Dự thảo đã được TPHCM thực hiện trước bằng cơ chế thí điểm như: phân cấp, phân quyền để địa phương chủ động trong giao, cho thuê đất, thực hiện bồi thường…
Do đặc thù của địa phương là sử dụng đất lấn biển, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Luật Đất đai (sửa đổi) cần xây dựng một điều riêng về đất lấn biển. Trong đó cần có sự xác định rõ đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển và khu vực biển, đồng thời quy định rõ phương pháp định giá đất đối với dự án lấn biển…
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có đông đồng bào dân tộc theo đạo Phật giáo Nam tông Khmer. Nhiều chùa được Nhà nước công nhận sử dụng đất nông nghiệp, đất sử dụng có nguồn gốc khai phá trước đây hoặc dân hiến tặng nhiều năm về trước. Theo Luật Đất đai hiện nay thì không cho phép tôn giáo được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong khi một số chùa có nhu cầu chuyển quyền sử dụng đất để có kinh phí sửa chữa hoặc xây mới các công trình tôn giáo. Do đó, Trà Vinh đề nghị Bộ TN-MT xem xét bổ sung quy định tôn giáo đang sử dụng đất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng góp ý cho nhiều vấn đề khác, như: phương án xây dựng bảng giá đất, điều chỉnh giá đất khi có biến động trên thị trường; phân cấp quản lý trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương; tiêu chí để thực hiện chủ trương người dân tái định cư có mức sống tốt hơn nơi ở cũ; thẩm quyền của địa phương về chuyển mục đích sử dụng…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao các ý kiến từ thực tiễn của địa phương, tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm, nhất là những nút thắt, hạn chế. Công tác lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được các tỉnh phía Nam thực hiện bài bản, phong phú, huy động được sự đóng góp trí tuệ của người dân.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khẳng định vai trò quan trọng của đất đai trong mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân. Qua đó, phát huy trí tuệ của nhân dân để đưa thực tiễn cuộc sống vào luật. Có thể thấy, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực đất đai.
* Ngày 14-3, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đáng chú ý, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo luật cần quy định, giải quyết triệt để vấn đề về chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Về vấn đề nhà ở công vụ, TS Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội đề nghị giao cho một bộ thống nhất quản lý nhà công vụ, thực hiện nghiêm việc khi hết nhiệm vụ hoặc chuyển công tác khác thì phải trả lại nhà công vụ, tránh để hiểu sai là “đặc quyền, đặc lợi”.
* Ngày 14-3, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia về góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ông Bùi Duy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (thuộc Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng cần bổ sung tại mục 1 khoản a của các Điều 63, 64, 65 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nội dung “căn cứ vào quy hoạch vùng đã được phê duyệt để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”. Lý do là có quy định về các căn cứ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, tỉnh, cấp huyện nhưng không có căn cứ quy hoạch vùng.
Tiến sĩ Phạm Trần Hải, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhìn nhận hiện nay, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có đề cập đến không gian sử dụng đất, hay là đất xây dựng công trình ngầm… nhưng chưa được rõ. Nếu trong dự thảo Luật Đất đai mà nêu không rõ thì sẽ có vướng mắc nhất định trong quá trình thực thi.