1C - 'Đường Trường Sơn' huyền thoại của vùng Tây Nam Bộ

Những năm 1966, đường Hồ Chí Minh trên biển bị địch phát hiện, đánh phá gắt gao nên việc vận chuyển hàng của Trung ương chi viện cho chiến trường Tây Nam Bộ gặp nhiều khó khăn. Trong tình thế ấy, tuyến Đường 1C trở thành tuyến vận tải chính để chuyển vũ khí, lương thực, đón bộ đội ngoài miền Bắc về chiến trường miền Tây Nam Bộ. Trong gần 10 năm kể từ ngày hình thành, hơn 800 thanh niên xung phong trên tuyến đường này đã làm nên một huyền thoại, huyền thoại về tuyến đường Trường Sơn tại vùng Tây Nam Bộ.

Tuyến đường 1C bao gồm hệ thống đường thủy và bộ, kéo dài từ kênh Vĩnh Tế (Kiên Giang) về đến vùng đất U Minh Thượng, U Minh Hạ của Cà Mau. Với địa hình chủ yếu là rừng tràm, rừng chồi và đồng bằng nên việc vận chuyển vũ khí, tải thương, đưa, đón cán bộ, bộ đội chi viện cho chiến trường miền Tây Nam Bộ… của các nữ Thanh niên xung phong hết sức khó khăn.

Vào chiến trường lúc mới 15-16 tuổi, những cô gái Thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C mang những nỗi sợ rất “con gái”. Họ sợ đỉa, sợ cắt mái tóc dài, sợ ghẻ lác khi triền miên ngâm mình dưới nước, không dám soi gương vì sợ xấu, nhưng lại luôn mạnh mẽ khi đối diện với cái chết.

Trong những năm tháng bám đất, bám đường, hơn 800 thanh niên xung phong, trong đó đa phần là phụ nữ, đã vận chuyển khoảng 13.000 tấn vũ khí, đưa rước hơn 30.000 người ngược xuôi. Và cũng trên tuyến đường này, khoảng 400 nữ Thanh niên xung phong đã nằm xuống, hơn 300 người khác bị thương tật vĩnh viễn sau chiến tranh. Chính sự đánh đổi, hy sinh tuổi xuân, xương máu của những cô gái Thanh niên xung phong ấy đã làm nên huyền thoại về con đường 1C - con đường “Trường Sơn” của vùng Tây Nam Bộ.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Thùy Vân - Phạm Tiến - Tăng Sắc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/1c-duong-truong-son-huyen-thoai-cua-vung-tay-nam-bo-230198.htm