2.105 ngày tìm lại chính mình của Man United
Ở đẳng cấp cao nhất mà một HLV có thể đạt được trong nền bóng đá hiện đại, Erik ten Hag đã định hướng được bản ngã mà MU cần đạt được: chiến đấu đến cùng.
Chưa đầy 48 giờ sau cuộc tử chiến với Barcelona, đoàn quân của Erik ten Hag đã tiếp tục vượt qua thêm một cửa ải nữa để mang về danh hiệu đầu tiên của mùa giải. Lần này, không ai có thể phủ nhận bản lĩnh của "Quỷ đỏ" nữa.
Đúng 2.105 ngày kể từ lần gần nhất giành được một chức vô địch và 642 ngày kể từ lần gần nhất vào đến một trận chung kết, Manchester United đã mang về danh hiệu đầu tiên dưới thời HLV người Hà Lan.
Công cuộc Hà Lan hóa MU của Ten Hag đã không diễn ra như cái cách mà Louis van Gaal từng làm. Một phần trong kế hoạch này đã lộ diện hoàn toàn khi chúng ta chứng kiến cái cách "Quỷ đỏ" đánh bại "Chích chòe" trong hơn 90 phút trên sân Wembley. Một chiến thắng đến từ tâm lý chiến thắng, thứ đã không còn hiện diện ở Old Trafford hơn 2.000 ngày về trước.
Sự thận trọng bất ngờ
Bước vào một trận đấu quá quan trọng để có thể thử nghiệm những quyết định điên rồ, Ten Hag đã sử dụng một hệ thống tịnh tiến bóng nhanh nhất có thể lên trên mà không cần thông qua những bước đệm ở khu vực giữa sân.
MU chủ động cầm bóng ít nhưng luôn có đầu ra ổn ở các tình huống tập kích nhanh. Đây là một trong những trận đấu có số đường chuyền thành công ít nhất của Man Utd xuyên suốt cả mùa giải (187 đường chuyền thành công cả trận với tỷ lệ thành công chỉ 64%). Tất cả những gì mà chúng ta thấy trên sân là ý đồ thực hiện nhiều nhất những cú dứt điểm thông qua ít nhất số lượng đường chuyền “build-up" (xây dựng thế trận). Và điều này kéo tụt điểm số bàn thắng kỳ vọng (xG) trong hiệp một xuống chỉ còn 0,34.
Những con số dù không biết nói dối cũng chỉ phản ánh được một phần diễn biến thực sự trên sân đấu. Ten Hag thực tế đã cao tay hơn đối thủ khi quyết định chọn cách nhập cuộc phá bĩnh lối chơi, thông qua đó phát huy thứ chiến lược chuyển trạng thái đặc biệt hiệu quả của mình. Đây chính là thứ triết lý bóng đá tổng lực mà người Hà Lan đã mang nó ra khắp châu Âu nhưng đa phần là dưới hình hài của cách triển khai thế trận kiểm soát bóng tuyệt đối, dùng nhiều nhân sự nhất có thể để áp đảo và làm quá tải hạ tầng phòng ngự của đối phương.
HLV của Newcastle, Eddie Howe, thực sự đã bế tắc trong suốt 90 phút của trận đấu. Newcastle được cầm bóng nhưng ý đồ tập trung phòng ngự tầm cao ở khu vực giữa sân, đẩy bóng về phía cánh phải nơi mà bộ đôi Kieran Trippier và Miguel Almirón án ngữ lại không hiệu quả. Tỷ lệ chuyền bóng chính xác và số lượng cơ hội tạo ra của bộ đôi này là rất tốt (tổng cộng có 5 cơ hội được tạo ra từ hai cầu thủ này, bằng một nửa số cơ hội mà toàn đội Newcastle tạo ra). Nhưng Newcastle đã không tận dụng được những cơ hội đó để chuyển hóa nó thành bàn thắng.
Không có phương án dự phòng cho đầu ra tấn công, Newcastle bị buộc phải giữ thế trận chủ động từ thời điểm đó cho tới hết trận đấu. Và MU thoải mái được chơi bóng như cách họ muốn.
Ten Hag đã thay người từ rất sớm (ngay đầu hiệp hai) và nó đã phát huy tác dụng. Aaron Wan-Bissaka vào sân thay cho Diogo Dalot, trở thành cầu thủ tắc bóng thành công nhiều nhất (7 lần trong 45 phút), vượt qua kỷ lục cũ của N'Golo Kante tại giải đấu này (7 lần trong 120 phút). Wan-Bissaka là người được đưa vào để ngăn chặn Dan Burn và Allan Saint-Maximin. Và anh cũng đã hoàn thành nhiệm vụ khi Saint-Maximin cũng đã bị thay ra trong nửa sau của trận đấu.
Tâm lý chiến thắng
Tâm lý chiến thắng là một thứ khó định nghĩa. Nhưng chúng ta hãy thử làm điều đó thông qua hình ảnh của những cầu thủ đứng ở ba tuyến của họ.
David de Gea đã có trận giữ sạch lưới thứ 181, vượt qua hai huyền thoại Peter Schmeichel và Alex Stepney. Tuy nhiên, đây là một trong những trận đấu nhàn hạ nhất của De Gea khi ra sân cho "Quỷ đỏ".
Thủ môn này chỉ có hai pha cản phá trong cả trận khi so sánh với 8 lần cứu thua của đối thủ bên kia chiến tuyến. Tổng số cú sút cầu thủ này phải đối mặt là 16 nhưng chỉ có đúng hai lần đi trúng đích.
Sự nguy hiểm khi tìm đến được khung thành của De Gea đã giảm xuống 8 lần. Và nó nhờ vào sự chắc chắn của những tấm khiên do Raphael Varane, Lisandro Martínez và Casemiro dựng lên.
Casemiro bị các CĐV của MU trêu rằng anh là một cầu thủ thất thường: Có trận thì anh chơi hay nhưng có trận lại chơi quá hay. Đây lại là một trong những trận đấu hay nhất mà tiền vệ người Brazil từng chơi trong màu áo United.
Anh là cầu thủ giữ bóng nhiều thứ hai, chuyền nhiều thứ hai, phòng ngự thành công nhiều thứ hai trong số các cầu thủ MU thi đấu trên sân. Casemiro tham gia vào mọi khâu luân chuyển bóng, phòng ngự không bóng, di chuyển không bóng, giữ vị trí kiến tạo và cuối cùng, anh cũng là người ghi bàn mở tỷ số. Đây cũng là bàn thắng thứ 4 trong 12 trận gần nhất của Casemiro, nhiều hơn một bàn so với 89 trận gần nhất mà cầu thủ này ra sân.
Giới bóng đá có câu ngạn ngữ “người Anh tạo ra bóng đá nhưng người Brazil hoàn hảo nó". Câu nói đó thực sự phải dành tặng cho Casemiro. Với 13 chiến thắng sau 14 lần chơi ở chung kết, Casemiro cũng giữ kỷ lục là cầu thủ có tỷ lệ thắng trong các trận chung kết cao nhất toàn đội hình "Quỷ đỏ".
Anh đã mang kinh nghiệm chiến thắng này truyền cho các đồng đội, đặc biệt cho đội trưởng Harry Maguire, người chưa từng có một danh hiệu tập thể dù lớn dù nhỏ nào kể từ khi bắt đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp trong màu áo Sheffield 12 năm về trước. Nếu không có mảnh ghép hoàn hảo này, chắc chắn MU sẽ không thể hoàn thành việc xây dựng lên một đế chế mới dưới thời Ten Hag.
Cuối cùng, trong vai trò của chủ công bên phía đội bóng áo đỏ, Marcus Rashford đã chơi một trận để đời và cũng là cầu thủ hay nhất trận. Trong 90 phút trên sân, Rashford tạo ra 3 cơ hội trở thành bàn thắng, đi bóng qua người 4 lần và là người ghi bàn ấn định tỷ số. Chuỗi ghi bàn của cầu thủ này tiếp tục kéo dài khi đây đã là lần thứ 25 Rashford phá lưới đối thủ trên mọi đấu trường, đánh dấu mùa giải ghi bàn nhiều nhất của cầu thủ này kể từ khi thi đấu chuyên nghiệp.
Điểm yếu được cho là lớn nhất ngăn trở Rashford trở thành một cầu thủ vĩ đại là khả năng ra quyết định đã được cầu thủ này khắc phục triệt để. Và anh đã trở thành người ra quyết định tốt nhất "Quỷ đỏ", gánh vác hàng công của họ đi đến những chiến thắng.
2.105 ngày đi tìm bản ngã
Những con số, những sa bàn và thậm chí là những trận thắng đều trở nên vô nghĩa nếu một đội bóng không thể định nghĩa cho mình bản ngã. Một CLB chỉ đạt những thành tích nhất thời nếu không có một triết lý xây dựng đúng đắn. Và chính Man Utd đã gặp phải vấn đề này thời kỳ hậu Alex Ferguson.
Ten Hag xây dựng lại MU thông qua ba hạt nhân: triết lý lối chơi chuyển trạng thái nhanh nhưng thay đổi cách tiếp cận tùy theo đối thủ, một hạ tầng nhân sự chuyên nghiệp, kỷ luật, tôn trọng nhau và triết lý chơi bóng cống hiến.
Thành công ngay lập tức của HLV người Hà Lan là để lại được những dấu ấn này trong mùa giải đầu tiên. Và ông cần tiếp tục xây dựng nó như là chiếc la bàn đưa MU về bản ngã chiến thắng của họ. Ten Hag đã nhấn mạnh về bản ngã chiến thắng mà ông hướng đến, bắt đầu từ tâm lý chiến thắng “vay mượn" được ở nơi các siêu sao: “Tôi nói trước trận đấu, trước các cầu thủ rằng Raphael Varane, Casemiro, David de Gea là những nhà vô địch".
"Họ sẽ tổ chức và hướng dẫn các cầu thủ còn lại cách chiến thắng trong một trận đấu quan trọng. Điều quan trọng nhất nằm trong thời khắc quyết định là tâm lý chiến thắng. Nó phải được sinh ra trước các nhà vô địch", HLV người Hà Lan nói.
Alex Ferguson đã chờ sẵn các cầu thủ đội bóng cũ để cùng ăn mừng trong phòng thay đồ, một điều ông chưa từng làm được trong hơn 2.000 ngày có lẻ trước đây. Ở đẳng cấp cao nhất mà một HLV có thể đạt được trong nền bóng đá hiện đại, rõ ràng Ten Hag đã định hướng được bản ngã mà họ cần đạt được: chỉ đơn giản là tinh thần chiến thắng đến cùng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/2105-ngay-tim-lai-chinh-minh-cua-man-united-post1407181.html