2/3 phụ nữ ở Việt Nam trải qua ít nhất một hình thức bạo lực
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực phụ nữ do Tổng cục thống kê công bố năm 2020, cứ ba phụ nữ thì có hai phụ nữ (tương đương 62,9% ) trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, bạo lực tâm lý, bạo lực kinh tế bởi chồng hoặc bạn tình của mình trong cuộc đời.
Ngày 24/11, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh phối hợp với UBND Quận 1, Sở Du lịch, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, Cơ quan Phòng chống ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức sự kiện truyền thông “Bữa sáng Ruy băng trắng” với chủ đề “Nam giới tiên phong trong phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.
Tại sự kiện trên, hơn 100 nam giới là lãnh đạo, cán bộ thuộc các bộ, ngành, trung ương, sở, ban, ngành, UBND, Hội đồng nhân nhân, lực lượng vũ trang, bác sĩ và thanh niên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã cùng chung tay cam kết xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở nơi riêng tư lẫn không gian công cộng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Theo ban tổ chức, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng các yếu tố nguy cơ của bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy, bạo lực gia đình làm giảm năng xuất lao động, ước tính mất khoảng 100,507 tỷ đồng hàng năm tương đương 1,8% GDP năm 2018.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới bị bạo lực gia tăng từ 30% đến 300%. Trên thế giới, cứ ba phụ nữ thì có một người là nạn nhân của bạo lực giới.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực phụ nữ do Tổng cục thống kê công bố năm 2020, cứ ba phụ nữ thì có hai phụ nữ (tương đương 62,9% ) trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, bạo lực tâm lý, bạo lực kinh tế bởi chồng hoặc bạn tình của mình trong cuộc đời.
Bạo lực với phụ nữ xuất phát từ những định kiến giới, thái độ hành vi vốn đã tồn tại lâu đời trong văn hóa và lối sống của chúng ta. Điều đáng buồn hơn là hầu hết các chị em bị bạo lực (90,4%) không tiếp cận các dịch vụ trợ giúp, chỉ một số ít các chị em (khoảng 4,8 %) là đi báo cơ quan chức năng.
Tại sự kiện, các đại biểu đã thảo luận và chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong việc hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong thời gian cách ly/giãn cách xã hội. Đồng thời, cũng đưa ra một số bài học kinh nghiệm và đề xuất cải thiện các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng như COVID-19, nhấn mạnh đến sự phối hợp, điều phối giữa các dịch vụ liên quan gồm y tế, hành pháp, tư pháp, và công tác xã hội.