2/3 số trạm thu phát sóng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đã được khôi phục
Hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông đã khắc phục được 4012 vị trí trạm BTS, còn lại 2273 trạm đang tiếp tục được các doanh nghiệp khắc phục.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, bão số 3 (Yagi) đã gây mất liên lạc tại 15 tỉnh, thành phố, với 6.285 trạm thu phát sóng di động bị ảnh hưởng do mất điện. Đến nay, các doanh nghiệp đã khắc phục được 4012 vị trí trạm thu phát sóng di động (BTS), còn lại 2273 trạm đang tiếp tục được các doanh nghiệp khắc phục
Bên cạnh đó, theo thông tin cập nhật lúc 15h ngày 11/9, mưa lũ sau bão cũng là làm ảnh hưởng đến cơ sơ hạ tầng viễn thông tại các tỉnh miền núi phía Bắc với 995 vị trí trạm đang mất liên lạc.
Chia sẻ tại họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 13/9, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, ngay từ trước bão, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo khẩn cấp, bao gồm Công điện số 05/CĐ-BTTTT và các văn bản 3986/CVT-PTHT, 3997/CVT-PTHT nhằm nhắn tin cảnh báo đến hơn 32 triệu thuê bao về bão số 3. Tổng cộng đã có hơn 65 triệu tin nhắn cảnh báo được gửi tới người dân các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi bão.
Đồng thời, các công điện 3999/CĐ-CVT và công văn 4000/CVT-PTHT yêu cầu chia sẻ hạ tầng, triển khai roaming và ưu tiên khắc phục sự cố viễn thông, phối hợp khôi phục điện lưới tại các khu vực bị ảnh hưởng. Công điện 06/CĐ-BTTTT cũng đã điều động nguồn lực từ các tỉnh lân cận hỗ trợ cho những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Bộ cũng yêu cầu triển khai các giải pháp như: roaming tại các khu vực bị mất liên lạc; triển khai chạy máy phát điện để cấp điện cho trạm BTS tại khu vực mất điện lưới; điều động nhân lực, trang thiết bị vật tư từ các tỉnh khác chi viện cho các tỉnh bị ảnh hưởng của bão; kích hoạt hệ thống thông tin chuyên dùng trong phòng chống thiên tai; trang bị điện thoại vệ tinh cho Ban Chấp hành của tỉnh để chỉ chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tại; tăng cường các xe BTS lưu động đến các khu vực quan trọng để duy trì liên lạc; hỗ trợ người dân sạc điện thoại tại các trụ sở, cửa hàng, nhà trạm BTS kiên cố chịu được rủi ro thiên tai cấp 4 để người dân có thể liên lạc được.
Trước bão, các doanh nghiệp viễn thông đã nhanh chóng thực hiện bài bản quy trình như gia cố các cột anten, hạ tải các cột, phân công trực 24/24, dự phòng nguồn điện, tăng cường dự trữ xăng dầu, bổ sung máy phát điện nhằm đảm bảo việc cung cấp năng lượng dự phòng cho các trạm BTS.
Tuy nhiên, ở thời điểm các trạm phát sóng bị ảnh hưởng nhiều nhất, có nhà mạng đã bị mất trên 50% mạng lưới. Mặc dù vậy, trong quá trình khắc phục, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, dồn toàn bộ lực lượng từ các tỉnh không bị thiệt hại, tạo thành các nhóm khắc phục sự cố, ưu tiên việc khắc phục thông tin di động. Cùng với đó, các doanh nghiệp viễn thông đã điều các xe phát sóng di động, dùng đường truyền vệ tinh cho một số khu vực ưu tiên.
Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, đến nay, cơ bản mạng lưới viễn thông của các tỉnh đã khôi phục hoàn toàn, chỉ còn 8% số trạm bị mất liên lạc. Hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông đang phấn đấu hoàn tất sớm nhất có thể. Việc khắc phục nhanh mạng lưới viễn thông sẽ góp phần vào công tác chỉ đạo điều hành, khôi phục cuộc sống bình thường của người dân.