2 bà bán vé số giành địa bàn, 1 bà lãnh án

Cùng là người bán vé số kiếm sống nhưng chỉ vì cạnh tranh chỗ bán trên phà, bị cáo xông vào đánh và ném điện thoại của bị hại xuống sông nên bị tù.

Ngày 1-7, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm vụ hủy hoại tài sản đối với bị cáo Trần Thị Út (39 tuổi) do bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo để đi làm nuôi con.

Cuộc xô xát giữa hai bà bán vé số

Theo bản án sơ thẩm, khoảng 11 giờ ngày 2-7-2020, bà Nguyễn Thị Ngôi (58 tuổi) bán vé số trên phà Vàm Xáng (huyện Phong Điền) thì xảy ra cự cãi với Út. Út lao vào đánh bà Ngôi. Trong lúc giằng co, bà Ngôi bị rơi điện thoại di động hiệu OPPO F11 Pro 128G xuống sàn phà thì Út lượm điện thoại của bà Ngôi ném xuống sông.

Sau đó, được mọi người can ngăn, bà Ngôi được gia đình đưa đến bệnh viện điều trị. Đến ngày 22-7-2020, bà Ngôi đến Công an thị trấn Phong Điền trình báo sự việc.

Bị cáo Trần Thị Út tại tòa phúc thẩm ngày 1-7. Ảnh: NHẪN NAM

Bị cáo Trần Thị Út tại tòa phúc thẩm ngày 1-7. Ảnh: NHẪN NAM

Theo kết luận định giá, chiếc điện thoại của bà Ngôi có giá trị sử dụng còn lại gần 6,7 triệu đồng. Theo kết luận giám định pháp y, bà Ngôi bị thương tích 13%.

Đối với hành vi đánh nhau giữa bà Ngôi và Út, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phong Điền đã ra quyết định không khởi tố vụ án cố ý gây thương tích.

Út cho rằng bà Ngôi ném đôi bông tai của bị cáo xuống sông, trị giá đôi bông tai khoảng 1,9 triệu đồng. Bị cáo không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc đôi bông tai. Quá trình điều tra không có cơ sở xác định bà Ngôi là người ném đôi bông tai của bị cáo nên không xem xét.

Tuy nhiên, đủ cơ sở xác định bà Ngôi ném đôi dép và cái nón lá của bị cáo xuống sông nên công an đã ra quyết định xử lý hành chính đối với bà Ngôi.

Bị cáo xin “treo bao lâu cũng được”

Sau khi tóm tắt nội dung bản án sơ thẩm, tòa hỏi bị cáo Út về nội dung vụ án và vì sao lại ném điện thoại của bị hại xuống sông. Bị cáo nói thấy bị hại giật đồ của mình nên giật lại chứ không nghĩ là hủy hoại tài sản. Tòa hỏi: “thế bây giờ bị cáo đã biết đó là hủy hoại tài sản chưa?” thì bị cáo nói: “đã biết sai rồi”. Tòa hỏi bị cáo đi bán vé số mỗi ngày kiếm được bao nhiêu tiền. Bị cáo nói bán vé số mỗi ngày kiếm được hơn trăm ngàn.

Chủ tọa nghiêm giọng nói bị cáo và bị hại đều là người bán vé số kiếm sống mà không biết giúp đỡ nhau. Bán vé số đâu phải ai xuống (phà) trước là giành bán được trước đâu, còn phụ thuộc mình có con số mà người mua muốn mua hay không…

Bị cáo bán vé số mỗi ngày cũng chỉ kiếm được hơn trăm ngàn mà thấy điện thoại của bị hại rơi ra lại lượm ném xuống sông. Chiếc điện thoại trị giá hơn 6 triệu đồng, mức hình phạt bị cáo bị truy tố từ sáu tháng đến ba năm tù, mà cấp sơ thẩm chỉ phạt bị cáo ba tháng tù là quá nhẹ.

Nghe vậy, bị cáo cho rằng mình làm thế vì bị hại cũng giật đồ của bị cáo ném xuống sông. Bị cáo tức quá nên mới ném điện thoại của bị hại xuống sông cho… bõ tức.

Đại diện VKS cũng nói với bị cáo nếu bị cáo lượm điện thoại lên trả cho bị hại thì đâu có chuyện gì nữa. Theo đại diện VKS, cấp sơ thẩm phạt bị cáo ba tháng tù là phù hợp. Bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo nhưng không có tình tiết gì mới nên đề nghị tòa không chấp nhận.

Tranh luận với VKS, bị cáo vừa nói vừa khóc: “Nếu giam bị cáo rồi không ai nuôi con bị cáo, mẹ thì đã già, chồng thì bỏ đi. Mong tòa xem xét lại cho bị cáo hưởng án treo bao lâu cũng được để bị cáo ở ngoài đi bán vé số nuôi con, nuôi mẹ”. Nói lời sau cùng, bị cáo xin tòa cho hưởng án treo…

Sau khi nghị án, tòa cho rằng các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo đã được tòa sơ thẩm xem xét đầy đủ. Bị cáo kháng cáo nhưng không nêu ra được tình tiết gì mới nên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ y bản án sơ thẩm, phạt bị cáo Út ba tháng tù về tội hủy hoại tài sản.

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/2-ba-ban-ve-so-gianh-dia-ban-1-ba-lanh-an-997251.html