2 bãi cọc Bạch Đằng ở Hải Phòng vẫn là câu hỏi hóc búa với các nhà nghiên cứu
Chủ nhân bãi cọc và cách thức đóng cọc ở Hải Phòng vẫn là câu hỏi đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.
Video: Cận cảnh bãi cọc Cao Quỳ, xã Lại Xuân (Thủy Nguyên, Hải Phòng)
Sáng 29/9, ông Phạm Văn Đức - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, với những kết quả nghiên cứu khảo cổ học và nghiên cứu liên ngành, bước đầu các nhà khoa học xác định, hai bãi cọc gỗ tại cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng) và khu vực Đầm Thượng (xã Lại Xuân, Thủy Nguyên) là khu di tích thuộc chiến trường Bạch Đằng của quân dân nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên - Mông năm 1288.
Tuy nhiên, TS Bùi Văn Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho hay chủ nhân bãi cọc, cách thức đóng cọc... vẫn là câu hỏi đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.
TS Hiếu phân tích, hai bãi cọc vừa được phát lộ không phải là cọc kiến trúc, cọc đáy, cọc kè đê hay phục vụ cho mục đích dân sinh khác. Cọc chủ yếu nằm ở tầng sét bùn và thực vật hóa than thuộc đới ngập ven sông. Đây là khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn, nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp.
Từ đó, các nhà khoa học nhận định, tại di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể là một trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 của quân dân triều Trần. Trận địa này có thể được dùng để chặn giặc, không cho chúng vào sông Giá để ra sông Bạch Đằng.
Về bãi cọc Đầm Thượng, các nhà khoa học đặt giả thuyết, đây là một trong các điểm đánh chặn và tiêu diệt đoàn chiến thuyền quân Nguyên trên đường rút lui năm 1288.
Từ kết quả khai quật và nghiên cứu bước đầu, đoàn khai quật kiến nghị tiếp tục thực hiện khai quật mở rộng các khu vực có cọc và nghiên cứu, phân tích các mẫu gỗ và mẫu đất nhằm làm rõ hơn đặc điểm và chức năng của di tích bãi cọc này; có phương án bảo tồn, bảo quản di tích, tiến tới lập hồ sơ công nhận di tích bãi cọc này.
Đồng thời, cơ quan chức năng mở rộng phạm vi nghiên cứu khảo cổ học và một số di tích thuộc khu vực tổng Trúc Động xưa (huyện Thủy Nguyên ngày nay) và cả các khu vực lân cận để xây dựng một hồ sơ đầy đủ cho các di tích có liên quan hoặc cùng loại ở khu vực này.
Bên cạnh đó, việc thực hiện nghiên cứu liên ngành, địa chất, địa mạo và môi trường cổ; lịch sử và sử liệu địa phương, truyền thuyết dân gian; hợp tác quốc tế nhằm thực hiện các chương trình nghiên cứu chuyên sâu và nghiên cứu so sánh... cũng được đoàn nghiên cứu đề xuất.
"Các hướng nghiên cứu trên nhằm làm rõ hơn các giả thiết đặt ra về chức năng, chủ nhân, niên đại của di tích và mối liên hệ với các di tích khác thuộc hệ thống Bạch Đằng Giang", TS Hiếu chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết, việc phát hiện các bãi cọc Bạch Đằng tại huyện Thủy Nguyên là sự kiện đặc biệt của thành phố này trong thời gian gần đây.
Từ sự phát hiện của người dân, sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các nhà khoa học đã phát hiện ra các dấu tích vật chất của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng tại bãi cọc Cao Quỳ, bãi cọc Đầm Thượng.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, TP Hải Phòng triển khai Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vào Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, sẽ được khánh thành vào đầu tháng 10/2020.
Chiều 28/9, gần 300 đại biểu là các nhà khoa học, khảo cổ học, quản lý văn hóa đi tham quan thực tế tại Bãi cọc Cao Quỳ và Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang tại huyện Thủy Nguyên.
Tại chuyến đi thực tế, các đại biểu được giới thiệu về quá trình phát hiện, khai quật và triển khai xây dựng Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê.
Kết quả khai quật phát hiện được 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc và 4 hố đất đen. Các cọc này xuất lộ ở độ sâu khá tương đồng; được đóng, chôn trong khu vực chứa nhiều bùn cát mịn, mang tính chất địa tầng của trầm tích lòng sông và ven bờ.
Khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn/nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp. Các cọc có kích thước không đều nhau, loại nhỏ từ 10-18cm, loại lớn từ 28-32cm, đặc biệt có cọc đường kính từ 37-40cm; chủ yếu làm bằng gỗ sến nhựa và lim.