2 cách xử lý giày ướt, bốc mùi sau những ngày mưa
Những đôi giày ướt thường rất lâu khô trong thời tiết mưa ẩm kéo dài, gây mốc hoặc bốc mùi hôi; cách làm khô giày nhanh chóng sẽ giúp bạn tránh được phiền toái này.
Một trong những phiền toái của thời tiết mưa ẩm kéo dài là những đôi giày dễ bị hỏng, mốc hoặc bốc mùi do bị ướt. Sau đây là 2 cách làm khô giày nhanh chóng và hiệu quả.
Cách làm khô giày nhanh bằng quạt điện
Trước tiên, bạn hãy kiểm tra chất liệu của giày. Phương pháp này phù hợp với giày giả da hoặc giày thể thao, tránh áp dụng với giày da lộn vì có thể làm ảnh hưởng xấu tới lớp da trên bề mặt.
Để làm khô giày nhanh bằng quạt điện, bạn cần dùng khăn ẩm làm sạch bụi bẩn. Sau khi đi ngoài trời mưa, giày có thể dính rất nhiều đất bùn nên cần làm sạch trước khi làm khô.
Tìm một chiếc móc treo quần áo bằng nhôm hoặc thép, cắt lấy phần móc treo ở trên để làm móc treo giày như hình dưới. Nếu nhà có sợi dây thép, bạn có thể uốn nó thành hình chữ S để tiện treo giày khi sấy.
Gài hai chiếc móc tự chế vào lồng quạt điện, sau đó treo đôi giày vào mặt trước của quạt; lưu ý tháo lót giày và nới toàn bộ dây để rút ngắn thời gian sấy.
Bật quạt ở mức gió trung bình và để trong vòng 1-2 tiếng cho đến khi giày khô hoàn toàn.
Cách làm khô giày bằng giấy báo
Phương pháp này phù hợp với các loại giày bằng da hoặc da lộn vì chất liệu da cần có sự chăm sóc kỹ càng, nhẹ nhàng. Khi chọn báo, bạn nên tránh những trang có nhiều mực và hình ảnh đậm vì màu mực có thể thôi vào giày, đặc biệt là với những đôi giày sáng màu.
Trước hết, bạn vệ sinh giày thật sạch bằng khăn ẩm để đảm không còn lớp đất cát dính vào giày khi sấy. Sau đó, bạn vo tròn giấy báo thành quả bóng và nhét vào mũi giày, cứ tiếp tục nhồi giấy báo cho đến khi kín toàn bộ không gian bên trong giày. Đối với phía bên ngoài, bạn dùng giấy báo lớn bọc lại.
Tiếp theo, bạn đặt úp giày vào góc phòng; au khoảng 1 tiếng nếu thấy nước thấm hết ra báo mà giày vẫn chưa khô, hãy tiếp tục thay lớp báo mới. Sau khoảng 2-3 lần thay báo thì đôi giày của bạn sẽ khô và vẫn giữ được phom dáng như ban đầu.
Cách tránh làm ướt giày khi trời mưa
Giày ướt không chỉ gây khó chịu cho người dùng mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm cho bàn chân, thậm chí gây chứng paronychia (viêm quanh móng). Giày ướt cũng rất có hại cho người bị bệnh khớp hoặc người dễ ốm, dễ cảm lạnh. Để hạn chế làm ướt giày trong những ngày mưa, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau:
- Sử dụng túi bọc giày chuyên dụng bằng nylon khi di chuyển. Những chiếc túi này có giá rẻ và có thể tái sử dụng; hiệu quả chống nước rất tốt.
- Dùng máy sấy tóc làm nóng chảy một chút sáp ong hoặc nến trắng, bôi lên bề mặt giày vải. Tiếp tục dùng máy sấy làm tan chảy lớp sáp phủ trên bề mặt giày. Vết sáp lúc này sẽ rất khó nhận biết nhưng có tác dụng chống thấm nước rất tốt cho giày.
- Miếng băng vệ sinh rất hữu ích trong việc chống thấm cho giày những ngày mưa. Bạn có thể đặt nó vào trong lót giày nếu phải đi bộ trên đường ướt, mưa nhiều.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/2-cach-xu-ly-giay-uot-boc-mui-sau-nhung-ngay-mua-ar895477.html