2 câu cửa miệng của cha mẹ là căn nguyên khiến trẻ ngày càng tự ti

Lời nói của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến trẻ ở một mức độ nhất định, vì vậy cha mẹ cần hết sức chú ý trong khi giao tiếp với con cái.

Ảnh minh họa

Tâm hồn trẻ em rất mong manh, cha mẹ nên giáo dục và định hướng đúng đắn cho trẻ từ khi còn nhỏ, để trẻ lớn lên có tính cách hoạt bát, vui vẻ. Cha mẹ mong con cái lớn lên thành công, hạnh phúc nhưng phương pháp giáo dục của một số cha mẹ quá hiếu thắng, đặt ra yêu cầu quá cao đối với con cái, con làm gì cũng không có được sự công nhận của cha mẹ mà chỉ có những lời phán xét, chỉ trích.

Tiểu Khúc nhà bên là một cậu nhóc rất dễ thương. Thế nhưng hàng xóm nhận ra Tiểu Khúc càng ngày càng u uất, khép mình hơn, gặp người khác cũng chỉ biết cúi đầu mà không chào hỏi gì. Người hàng xóm ở gần nhà Tiểu Khúc nhất cho biết gần như ngày nào cô cũng nghe tiếng mẹ của Tiểu Khúc mắng con bằng những lời rất nặng nề, như: "Sao con lại dốt thế?", "Sao con chẳng làm được việc gì cho ra hồn?", "Con tự so mình với các bạn con xem, sao con kém họ nhiều thế?"... Có vẻ như việc suốt ngày phải nghe mẹ nói về mình như vậy đã khiến Tiểu Khúc thay đổi, cậu nhóc trở nên tự ti, nhút nhát.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cha mẹ phải biết rằng trẻ con cần tình yêu và sự bao dung. Việc thường xuyên bị mắng nhiếc, la rầy sẽ làm tổn thương tâm hồn nhỏ bé của trẻ. Nếu muốn trẻ tích cực, vui vẻ, cha mẹ không nên thường xuyên "treo" trên miệng câu này, nếu không không sớm thì muộn trẻ cũng gặp vấn đề về tâm lý.

"Nhìn con nhà người ta xem, sao con lại vô dụng/dốt/kém cỏi như vậy?"

Cha mẹ nào cũng hy vọng con mình có thể làm tốt mọi việc và có tương lai triển vọng, nhưng họ không thể so sánh con mình với con của những đứa trẻ khác về mọi thứ. Cha mẹ không nên đánh vào lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ khi suốt ngày nói với trẻ rằng: "Con nhìn các bạn khác rồi nhìn lại mình xem, sao con vô dụng/ kém cỏi như vậy?".

Điều này sẽ khiến trẻ vô cùng áp lực. Trẻ sẽ cảm thấy mình không bằng người khác, và dù chúng làm gì cũng là không đủ. Không nhận được sự công nhận của cha mẹ, trẻ sẽ trở nên ngày càng tự ti và khép kín.

"Đến cái này mà con còn không làm được thì con có thể làm được cái gì?"

Bản chất của trẻ là thích khám phá. Và trong quá trình khám phá ấy, có nhiều thứ trẻ chỉ duy trì lòng hiếu kỳ với từng bước của quá trình chứ không hướng đến mục tiêu hoàn thành cuối cùng. Trong khi đó, cha mẹ lại nhìn nhận vấn đề từ góc độ người lớn, chỉ chăm chăm để tâm đến kết quả và câu trả lời. Chẳng hạn, trẻ chỉ muốn di chuyển tạm một đồ vật để xem có thứ gì giấu đằng sau đó không nhưng cha mẹ lại nghĩ trẻ thậm chí không thể di chuyển hoàn toàn đồ vật ấy sang chỗ khác và bắt đầu trách trẻ có thế cũng không làm được thì còn trông chờ gì làm được thứ khác.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cứ như vậy, trẻ bắt đầu nghi ngờ bản thân và nảy sinh cảm giác tự ti. Phải nghe những lời này thường xuyên, dần dần trẻ sẽ cảm thấy những lời cha mẹ nói là đúng và việc mình không có năng lực là thật. Lâu dần, trẻ sẽ nghĩ rằng giữa mình và bạn bè đồng trang lứa có khoảng cách rất lớn. Vậy là xảy ra tình trạng như Tiểu Khúc, không để ý đến người khác, thường xuyên cúi đầu hoặc đắm chìm trong thế giới riêng của mình.

Lời nói của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến trẻ ở một mức độ nhất định, vì vậy giao tiếp với trẻ là cách giải quyết vấn đề đúng đắn. Không chỉ về ngữ điệu, cách nói mà nội dung giao tiếp cũng cần được lựa chọn sao cho hợp lý.

Nguồn: Tổng hợp

Thiên An

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/2-cau-cua-mieng-cua-cha-me-la-can-nguyen-khien-tre-ngay-cang-tu-ti-20230317145814788.htm