2 chợ truyền thống nổi tiếng của Việt Nam bị Mỹ cáo buộc 'bán hàng nhái khét tiếng'
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 2/3, đã có ý kiến về cáo buộc website, chợ lớn ở Việt Nam bán hàng nhái, vi phạm bản quyền của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.
Trong danh sách các chợ bị Mỹ cáo buộc về bán hàng vi phạm bản quyền trong báo cáo năm 2020, Việt Nam có 2 chợ truyền thống và 1 chợ trực tuyến bán các hàng hóa hữu hình là Shopee (chợ trực tuyến); Bến Thành và Đồng Xuân (chợ truyền thống).
Trước đó, ngày 14/1, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố báo cáo "Các chợ mua bán các sản phẩm giả mạo sở hữu trí tuệ và đánh cắp bản quyền năm 2020". Tài liệu này điểm tên 3 website là: shopee.vn, phimmoi, phimmoizz; và 2 chợ ở Việt Nam là Bến Thành (TPHCM) và Đồng Xuân (Hà Nội).
Cụ thể, tài liệu cho biết các đơn vị nắm bản quyền phản ánh tình trạng hàng giả được bán trên các nền tảng thương mại điện tử của Shopee ở Đông Nam Á, trong đó có trang web tên miền ở Việt Nam.
Shopee bị nhà chức trách Mỹ cáo buộc không có thủ tục điều tra với bên bán hàng thứ ba. Đối với các cá nhân, tổ chức từng bị phát hiện vi phạm, Shopee không có công cụ ngăn chặn những đối tượng này đăng ký một tài khoản khác để tiếp tục bán hàng trên nền tảng.
Hai khu chợ lớn ở Việt Nam bị cáo buộc bán hàng giả ở quy mô lớn là chợ Bến Thành (TP.HCM) và chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Theo tài liệu của USTR, trong năm 2020, cơ quan chức năng kiểm tra và thu giữ 1.276 mặt hàng tại chợ Bến Thành, với giá trị khoảng 5.000 USD. Con số nêu trên được USTR miêu tả là không tương xứng với tình trạng bán hàng giả, hàng nhái tại chợ.
Theo Tổng cục QLTT, báo cáo này của Mỹ được xây dựng một cách công phu, nghiêm túc và mang tính xây dựng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Kỳ Minh khẳng định, danh sách các chợ có tai tiếng về hàng giả và đánh cắp bản quyền không đưa ra các bằng chứng cụ thể về vi phạm pháp luật cũng như không phản ánh quan điểm chính thức của Chính phủ Mỹ về môi trường thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chung ở các quốc gia có liên quan.
"Danh sách này được xây dựng chủ yếu dựa trên các thông tin đại chúng công khai", lãnh đạo Tổng cục QLTT chia sẻ.
Riêng với trường hợp của Shopee, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, báo cáo thực chất đề cập tới toàn bộ hệ thống của Shopee hoạt động trên phạm vi nhiều nước, bao gồm: Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Brazil và Việt Nam. Mặc dù cùng thương hiệu Shopee, tại mỗi quốc gia lại có một pháp nhân khác nhau với tên miền có đuôi tương ứng.
Theo kiểm tra của Tổng cục QLTT, Shopee tại Việt Nam (Shopee.vn) có cơ chế xử lý các yêu cầu khiếu nại về quyền sở hữu trí tuệ, có quy trình và biện pháp kiểm soát sản phẩm đăng bán và người bán.