2 cụ ông 101 tuổi được phẫu thuật ít xâm lấn
Sáng 15/3/2021, BS.CKII Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa phẫu thuật thành công 2 cụ ông cùng 101 tuổi nhờ thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu ít xâm lấn.
Cụ ông N. V. Đ.,101 tuổi, tỉnh Bạc Liêu đến BVĐK Trung ương Cần Thơ vào lúc 16 giờ ngày 23/2/2021 vì loét ngón 1 chân trái, mạch kheo bên phải không bắt được, đau nhức, tê chân phải, tím bàn chân phải.
Thăm khám và thực hiện chụp CT Scaner mạch máu có cản quang cho thấy bệnh nhân bị xơ vữa kèm huyết khối động mạch đùi chân phải gây tắc hoàn toàn lòng động mạch.
Ngoài ra, cụ Đ. còn có nhiều bệnh nội khoa kết hợp: tăng huyết áp nhiều năm, thiếu máu cơ tim - viêm đa khớp.
Các bác sĩ hội chẩn thực hiện can thiệp nội mạch đùi nông bên phải với chẩn đoán: Tắc mạch và huyết khối động mạch đùi khoeo phải.
Ê-kíp Khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu gồm: ThS.BS Liêu Vĩnh Đạt – Phó Trưởng khoa; BS.CKII Trầm Công Chất – Trưởng Khoa, BS.CKI. Danh Lâm tiến hành nong toàn bộ động mạch khoeo - đùi nông, sau đó đưa bóng nong động mạch đùi nông. Chụp động mạch không thông, đặt 2 stent gần toàn bộ động mạch đùi nông.
Chụp lại thấy huyết khối động mạch kheo, hút huyết khối và dùng tiêu sợi huyết. Chụp kiểm tra thấy thông tốt, tiếp tục dùng bóng nong toàn bộ từ động mạch kheo lên đến động mạch đùi chung bên phải.
Chụp kiểm tra thấy dòng chảy thông tốt. Sau can thiệp bệnh nhân ổn định, tái thông được động mạch đùi nông kheo, tưới máu xuống bàn chân tốt. Sáng nay 16/3/2021, ông Đ. tỉnh, bàn chân phải giảm tê, đau giảm nhiều, tím giảm.
Theo BS Đạt: Tổn thương tắc hoàn toàn mạn tính chiếm một phần lớn trong các tổn thương mạch máu ngoại biên với nhiều phương thức điều trị.
Vai trò của can thiệp nội mạch trong điều trị hẹp, tắc động mạch chi dưới đã được khẳng định trên lâm sàng với các ưu điểm như đây là một phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, tỉ lệ thành công cao và hiệu quả lâm sàng to lớn.
Tuy nhiên những tổn thương tắc hoàn toàn mạn tính luôn là một thách thức lớn với những nhà can thiệp vì độ phức tạp cao hơn đồng nghĩa với tỉ lệ rủi ro cao hơn.
Cụ ông N. V. T, 101 tuổi, tỉnh Hậu Giang được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lúc 1 giờ 30 phút ngày 11/3/2021 với chẩn đoán: viêm phúc mạc mật do viêm túi mật hoại tử trên tình trạng lão suy.
Tình trạng lúc nhập viện bệnh nhân tỉnh, sốt lạnh run, nôn ói, đau hạ sườn phải, vàng da, vàng mắt.
Thầy thuốc tiến hành chụp CT Scan bụng có cản quang cho thấy có giãn lớn đường mật trong và ngoài gan, đường kính ống mật chủ 16 mm.
Nghi có sỏi đoạn cuối ống mật chủ. Các xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm trùng nặng, tình trạng tắc mật. Mặc dù được điều trị kháng sinh tích cực nhưng tình trạng nhiễm trùng vẫn không cải thiện.
Cụ T. được chỉ định thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) cấp cứu với chẩn đoán: nhiễm trùng đường mật nặng do sỏi ống mật chủ - nhiễm trùng huyết. BS.CKII Bồ Kim Phương – Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa – Huyết học lâm sàng; BS.CKII Thái Đắc Vinh – Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức thực hiện.
Kiểm tra thấy ống mật chủ giãn to (đường kính #1.6cm) có 1 viên sỏi, tiến hành cắt cơ vòng đủ rộng, sau cắt cơ vòng mật và sỏi bùn chảy ra rất nhiều, sau đó dùng bóng kéo ra 1 viên sỏi to đường kính khoảng 1.3cm, bơm thuốc kiểm tra thấy hết sỏi.
Hiện nay bệnh nhân tỉnh, diễn tiến tốt, không sốt, bụng mềm, đau nhẹ hạ sườn phải, vận động sinh hoạt gần như bình thường. Dự kiến xuất viện trong vài ngày tới. Đây là bệnh nhân cao tuổi nhất được thực hiện thành công kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng tại bệnh viện từ trước đến nay.
Theo BS.CKII Bồ Kim Phương, phương pháp lấy sỏi mật ngược dòng qua nội soi đường tiêu hóa trên - xâm lấn tối thiểu dần dần thay thế phương pháp phẫu thuật và thể hiện tính ưu việt như ít ảnh hưởng tới sức khỏe và thẩm mỹ, thời gian nằm viện ngắn, ít biến chứng, chi phí thấp.
Bệnh nhân có thời gian phục hồi sức khỏe nhanh và tránh được cuộc phẫu thuật lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ... Trong những trường hợp bệnh nhân tắc mật, nhiễm trùng đường mật nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn tới tình trạng sốc nhiễm trùng nặng đe dọa đến tính mạng.
Bệnh nhân này cao tuổi (101 tuổi) nên nếu mổ mở cổ điển có thể bệnh nhân sẽ không qua khỏi..
Trên đây là những trường hợp cho thấy hiệu quả triển khai các kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch. Ngoài yêu cầu về trang thiết bị hiện đại thì đây cũng là một minh chứng về trình độ chuyên môn cao của đội ngũ bác sĩ.
Khi y tế chuyên sâu được nâng lên tầm cao mới thì trên hết bệnh nhân sẽ được hưởng lợi với những ca bệnh được cứu sống ngoạn mục. Qua đó ngày càng khẳng định năng lực chuyên môn y tế chuyên sâu của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong khu vực ĐBSCL.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/2-cu-ong-101-tuoi-duoc-phau-thuat-it-xam-lan-n188270.html