2 doanh nghiệp xin đầu tư, trùng tu di tích nhà xưa ông Hai Thái
Hai doanh nghiệp mong muốn đầu tư để bảo tồn di tích nhà xưa ông Hai Thái ở Khánh Hòa sau khi báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh.
Ngày 14-7, lãnh đạo UBND huyện Diên Khánh cho biết đã tiếp nhận thông tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa có hai doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư, trùng tu di tích nhà xưa ông Hai Thái ở xã Suối Tiên.
“Hai doanh nghiệp xin chủ trương UBND tỉnh và chuyển xuống cho UBND huyện xem xét, thực hiện đúng quy trình, quy định theo thẩm quyền. UBND huyện đang trong quá trình làm việc với các bên để thống nhất các nội dung cụ thể, lên phương án trùng tu theo chỉ đạo của UBND tỉnh”- lãnh đạo huyện UBND Diên Khánh thông tin.
Tại cuộc họp báo về kinh tế, xã hội do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức tuần trước, ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh văn phòng UBND tỉnh, nói lãnh đạo tỉnh cảm ơn báo chí đã phản ánh kịp thời tình trạng xuống cấp của di tích nhà xưa ông Hai Thái.
Theo ông Hà, sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, UBND tỉnh Khánh Hòa có hai văn bản giao UBND huyện Diên Khánh chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ các phản ánh của báo chí. Đồng thời, nghiên cứu có giải pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nhà xưa ông Hai Thái để phát triển thành điểm du lịch sinh thái.
Cũng theo ông Hà, mới đây, có hai nhà đầu tư gửi hồ sơ đề nghị được tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án tại khu vực này. “Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh chuyển cho huyện Diên Khánh nghiên cứu, làm việc cụ thể với các nhà đầu tư”- ông Hà nói.
Trước đó, PLO có bài phản ảnh về tình trạng bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng của di tích nhà xưa ông Hai Thái.
Khi nhà này được xây dựng từ năm 1925, trên diện tích hơn 18.000 m2, theo kiến trúc Gothic của Pháp. Trong đó, ngôi nhà chính năm gian với hơn 300 m2. Hai bên trái và phải ngôi nhà chính có hai căn nhà được xây dùng để làm nhà kho. Phía sau có khu nhà bếp, đặc biệt có lò nướng bánh mì theo kiểu Pháp cổ.
Khu nhà do ông Nguyễn Đình Thái, người gốc xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến vùng này khẩn hoang lập ấp, khai phá đất đai, dẫn nước từ suối Tiên về tưới ruộng đồng. Sau ngày giải phóng, khu nhà được giao cho địa phương quản lý.
Từ năm 1977 đến 1990, khu nhà cổ này được sử dụng để làm trường học. Đến cuối năm 2008, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định giao toàn bộ khu nhà cổ cho khách sạn Yasaka Sài Gòn Nha Trang tiếp quản, trùng tu, tôn tạo thành điểm tham quan du lịch.
Tuy nhiên, hiện nay công trình gần 100 năm tồn tại này đang bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hạng mục công trình trăm tuổi không được gìn giữ, chăm sóc, tôn tạo trở nên hoang phế, lạnh lẽo, cỏ dại mọc um tùm, trở thành nơi chăn thả bò của người dân địa phương.
Nhiều người tỏ ra tiếc nuối cho một công trình đã tồn tại cả trăm năm, từng là điểm đến yêu thích của du khách nước ngoài nay bị bỏ hoang tàn, bỏ phí tài nguyên văn hóa.