2 dự cảm của tân Giám đốc WB từ 2006 đến nay đã đúng ở Việt Nam.
Bà Carolyn Turk khi còn là chuyên viên cao cấp về xóa đói giảm nghèo đã có 2 dự cảm về Việt Nam từ 2006 đến nay đã trở thành hiện thực.
Bà Turk, quốc tịch Anh, đã tham gia công tác tại Ngân hàng Thế giới từ năm 1998.
Kể từ đó bà đã đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, trong đó có Chuyên gia Cao cấp về Giảm nghèo tại Việt Nam, Chuyên gia Phát triển Xã hội Cao cấp và Chuyên gia Phát triển Xã hội Trưởng tại Đông Âu và khu vực Trung Á, và Giám đốc Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Rwanda.
Vị trí gần nhất mà bà đảm nhiệm là Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới của nhóm các nước Ethiopia, Nam Sudan, Sudan và Eritrea.
Trước khi làm việc tại Ngân hàng Thế giới, bà Turk công tác tại Bộ Phát triển Quốc tế của Vương quốc Anh.
Bà có bằng cử nhân và thạc sĩ về Kinh tế của Đại học Cambridge và là tác giả của nhiều báo cáo về giảm nghèo và bất bình đẳng, trong đó có một cuốn sách dựa trên nghiên cứu về vấn đề bất bình đẳng giới tại 20 quốc gia.
Bà Turk sẽ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo nhằm đẩy mạnh các hoạt động đầu tư của Ngân hàng Thế giới và các chương trình chia sẻ tri thức với Việt Nam, bao gồm trao đổi ở cấp địa phương, nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Khi còn là chuyên viên cao cấp về xóa đói giảm nghèo, bà cùng cộng sự soạn thảo một bản phúc trình có tên “Báo cáo Đánh giá tình hình Giới ở Việt Nam”, xuất bản tháng 12/2006.
Trong đó có những phân tích đến nay vẫn còn mang tính thời sự: “Với sự chuyển đổi có kế hoạch lực lượng lao động từ nông nghiệp sang lao động hưởng lương và từ khu vực công sang khu vực tư nhân, một số vấn đề sẽ tác động ngày càng nhiều tới phụ nữ trong tương lai và sẽ trở nên quan trọng hơn nữa.
Ví dụ vấn đề lương thấp hơn và khoảng cách lương cao hơn trong khu vực tư nhân. Khả năng cạnh tranh bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong khu vực tư nhân bị hạn chế bởi thực tiễn phân biệt đối xử công khai trong tuyển dụng, bởi trình độ học vấn và kỹ năng thấp của phụ nữ và bởi phụ nữ ít có khả năng chuyển tài sản thành vốn hơn so với nam giới khi họ không được đứng tên trong các giấy CNQSDĐ cấp trước đây.
Trong khu vực công - nơi sẽ tiếp tục là một khu vực chính thu nhận lao động trong một thời gian, sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, một mặt có nghĩa là một khoản nguồn lực công được giành cho phụ nữ dưới dạng lương hưu, song đồng thời lại vừa là yếu tố làm giảm triển vọng nghề nghiệp và thăng tiến của những phụ nữ trẻ.
Trong khi đó, phụ nữ Việt Nam vừa phải giành một lượng thời gian tương đương để kiếm sống lại vừa phải mang trên mình gánh nặng của việc nhà và gánh nặng này có thể còn trở nên nặng nề hơn nữa khi số người phụ thuộc tăng lên”.
Đặc biệt, bà có 2 dự cảm hết sức chính xác về bình đẳng giới trong đứng tên tài sản và độ tuổi làm việc: “Với việc thông qua Luật Bình đẳng giới, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành những bước đi quan trọng để giải quyết vấn đề này”.
Quả thực, hiện phụ nữ đã được đứng tên trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai và bất động sản. Đồng thời, nhà nước cũng đã điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của phụ lên 58 so với 55 tuổi trước đây.