2 giờ liên tục thay máu toàn phần cứu trẻ 6 ngày tuổi

Bệnh nhi T. được chẩn đoán vàng da tăng bilirubin tự do bởi bất đồng nhóm máu mẹ con, nên có chỉ định theo dõi vàng da nhân, điều trị bằng chiếu đèn tích cực và thay máu toàn phần.

Bệnh nhân T. được thực hiện thay máu toàn phần tự động để điều trị bệnh vàng da. Ảnh: Việt Hà

Bệnh nhân T. được thực hiện thay máu toàn phần tự động để điều trị bệnh vàng da. Ảnh: Việt Hà

Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, BSCKII. Trương Lệ Thi, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh (HSCCSS), Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công kỹ thuật thay máu tự động cho bệnh nhi T. 6 ngày tuổi (ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) mắc bệnh lý vàng da sau sinh.

Qua khai thác bệnh sử được biết, trẻ sinh đủ tháng ở tuần thai thứ 37, thể trạng khỏe mạnh, bình thường, nặng 2,7kg. Sau sinh 6 ngày về nhà, trẻ xuất hiện các mẩn đỏ rải rác khắp người nên gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để khám.

Sau thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi T. bị vàng da và được chỉ định nhập viện, điều trị. Tại khoa HSCCSS các bác sĩ tiếp tục thăm khám, làm các xét nghiệm, và chẩn đoán trẻ bị vàng da tăng bilirubin tự do bởi bất đồng nhóm máu mẹ con, nên đã chỉ định theo dõi vàng da nhân, được điều trị bằng chiếu đèn tích cực và thay máu toàn phần. Thời gian thay máu tự động liên tục kéo dài 02 giờ.

Sau thay máu, bệnh nhi T. được xét nghiệm lại, kết quả chỉ số Bilirubin toàn phần đã giảm xuống đáng kể, bệnh nhi T. tiếp tục được chiếu đèn điều trị vàng da tích cực. Sau 07 ngày điều trị đã được xuất viện.

Chia sẻ về trường hợp bệnh nhi bị vàng da phải thay máu toàn phần này, BSCKII. Trương Lệ Thi cho biết: Bệnh vàng da sơ sinh tán huyết có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân thường gặp là do bất đồng nhóm máu mẹ con. Nếu trẻ vàng da quá mức, chất vàng da sẽ ngấm vào não gây biến chứng thần kinh, để lại những di chứng nặng nề.

Bệnh nhi T. là một trường hợp vàng da nặng, nếu không được thay máu, chiếu đèn kịp thời rất có thể dẫn đến biến chứng thần kinh nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong.

Sau khi được thay máu, sức khỏe của bệnh nhi T. được cải thiện, phục hồi. Ảnh: Việt Hà

Sau khi được thay máu, sức khỏe của bệnh nhi T. được cải thiện, phục hồi. Ảnh: Việt Hà

Thay máu không phải là một kỹ thuật mới, kỹ thuật này đã được áp dụng tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, việc thay máu được áp dụng hoàn toàn bằng máy móc và bơm tiêm điện lại lần đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong những ngày đầu sau sinh, cần theo dõi sát trẻ để phát hiện tình trạng vàng da ở trẻ. Đặc biệt trong thời tiết se lạnh như hiện nay, việc quấn ủ trẻ con quá kỹ, không quan sát được toàn thân trẻ là lý do chính khiến tỉ lệ trẻ mắc vàng da sơ sinh nặng tăng cao hơn.

Gia đình cần theo dõi sát trẻ để phát hiện các dấu hiệu bất thường ở trẻ, trong đó cần phát hiện sớm tình trạng vàng da. Việc phơi nắng không làm giảm vàng da thậm chí sẽ làm chậm trễ việc đưa trẻ đến cơ sở y tế, can thiệp trễ sẽ để lại biến chứng thần kinh không hồi phục ở trẻ vàng da nặng.

Điều trị vàng da tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng, tiền sử, bệnh sử của trẻ sơ sinh. Trẻ cần được đánh giá và thăm khám kỹ lưỡng của các bác sĩ chuyên khoa sơ sinh.

Việt Hà - Khánh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/2-gio-lien-tuc-thay-mau-toan-phan-cuu-tre-6-ngay-tuoi-169221116183156328.htm