2 giờ sáng 8-7, bán kết Anh - Đan Mạch: Tam sư: Bây giờ chứ còn bao giờ?
Trong 4 đội vào bán kết, đội tuyển Anh được đánh giá là ứng cử viên số 1 cho chức vô địch nhưng lại là cái tên duy nhất chưa từng vô địch, thậm chí vào chung kết EURO. Tự hào là quê hương bóng đá, có giải đấu lâu đời nhất (FA Cup) và giải VĐQG hấp dẫn nhất hành tinh, đã 14 lần lên đỉnh châu Âu với 6 CLB giành cúp C1/Champions League - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào; tuy nhiên, đội tuyển xứ sương mù chỉ mới 1 lần lên đỉnh vinh quang ở World Cup 1966 trên sân nhà.
Ở cựu lục địa, đây mới là lần thứ 2, sau đúng 1/4 thế kỷ, đội tuyển Anh có mặt ở bán kết. Còn hơn cả kỳ EURO trên sân nhà 25 năm trước, đội tuyển Anh được hưởng đầy đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Không chỉ được chơi 5/6 trận tại thánh địa Wembley (sẽ là 6 nếu vào chung kết) mà hành trình trong giải của họ như “trải toàn hoa hồng”. Sau vòng bảng nhẹ nhàng là nhánh đấu với một đội tuyển Đức hết thời, rồi một Ukraine yếu nhất ở tứ kết và bây giờ là “ngựa ô” Đan Mạch.
Nhưng điều quan trọng là HLV Southgate và các học trò cho thấy đã trưởng thành rất lớn từ những đau thương trong lịch sử. Để lần thứ 2 vào bán kết ở 2 giải đấu lớn liên tiếp trong 3 năm, họ đã rũ bỏ những nỗi ám ảnh quá khứ gần xa, thanh toán sòng phẳng 2 món nợ lịch sử ở bán kết trước Croatia (World Cup 2018) và Đức (EURO 2016). Không chỉ vững vàng về tâm lý mà phương cách săn mồi của đội tuyển Anh giờ đây cũng khôn ngoan, tinh ranh, lọc lõi hơn hẳn: không phải lúc nào cũng gầm thét ào lên thị uy sức mạnh, mà kiên nhẫn rình rập, chờ đợi thời cơ. Kỷ lục đội tuyển đầu tiên trong lịch sử EURO 5 trận giữ sạch lưới là minh chứng.
Với sư tử đầu đàn “Hurri-cane” đã được đánh thức, không bây giờ, với kỳ EURO đặc biệt này, có lẽ Tam sư sẽ chẳng còn cơ hội nào tốt hơn để trở thành “chúa tể sơn lâm” ở lục địa già.