Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng nằm ở tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam, là nơi có hệ thống hang động cổ xưa nhất châu Á, với niên đại lên tới 400 triệu năm. Hệ thống có hơn 104 km hang động và sông ngầm.
Vịnh Hạ Long nằm ở miền Bắc Việt Nam gồm 1.600 hòn đảo và các khối đá vôi. Theo UNESCO, phần lớn các hòn đảo không có người sinh sống do địa hình quá dốc.
Công viên quốc gia Göreme và vùng núi đá Cappadocia (Thổ Nhĩ Kỳ) là khu vực núi lửa hình thành do xói mòn, với các núi đá “ống khói tiên” ấn tượng.
Công viên quốc gia Hồ Plitvice ở Croatia không chỉ là công viên quốc gia lâu đời nhất Đông Nam châu Âu, mà còn là khu bảo tồn lớn nhất quốc gia này, với 16 hồ nước thông nhau nằm giữa núi Mala Kapela và núi Pljesevica. Bao quanh các hồ nước là rừng rậm và thác nước tuyệt đẹp.
Công viên quốc gia Canaima nằm ở phía đông nam Venezuela, dọc biên giới Guyana vàBrazil, có khung cảnh lộng lẫy và dãy núi đỉnh bằng độc đáo. Đây còn là nơi có thác nước Angel cao nhất thế giới (979 m).
Biển cát Namib, thuộc công viên Namid-Naukluft, Namibia, là sa mạc cạnh bờ biển duy nhất trên thế giới. Các cồn cát thường xuyên có sương mù, tạo ra một hệ động thực vật độc đáo đã tiến hóa để thích nghi với môi trường.
Suối nước nóng tự nhiên Hierapolis-Pamukkale ở tỉnh Denizli, phía tây Thổ Nhĩ Kỳ, hình thành từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Dòng suối có dạng như những đám mây trắng lộng lẫy.
Nằm ở Ấn Độ Dương, gần vịnh Aden, quần đảo Socotra nổi tiếng với hệ động thực vật độc nhất vô nhị: 37% lượng thực vật, 90% số loài bò sát và 95% số loài ốc sên là động vật đặc hữu của quần đảo này. Đây còn là nơi có những cây Huyết Rồng với hình dạng ấn tượng.
Thác Victoria nằm ở biên giới Zambia và Zimbabwe có “Bể bơi của quỷ” (Devil’s Pool), một bể bơi vô cực tự nhiên nằm ở độ cao hàng trăm mét so với mặt đất.
Công viên quốc gia Los Glaciares ở Patagonia, Argentina, là nơi có vùng băng hà lớn nhất ngoài Nam Cực. Băng tan đổ vào hồ Argentino tạo ra khung cảnh tuyệt diệu.
Theo Hoàng Linh/Zing