2 năm triển khai Nghị quyết 42: Vẫn còn vướng nhiều rào cản

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, đại diện cơ quan hữu quan và TCTD cũng nhìn nhận vẫn còn nhiều rào cản.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058, Quyền Chánh Thanh tra NHNN Nguyễn Văn Du cho biết, những khó khăn cơ bản xuất hiện trong quá trình thực hiện Nghị quyết và Quyết định nêu trên có liên quan đến công tác triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương. Một số địa phương còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, đặc biệt công tác thu giữ tài sản đảm bảo còn nhiều khó khăn do cấp cơ sở chưa đồng nhất trong triển khai Nghị quyết 42.

Chẳng hạn như về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo và xử lý tài sản đảm bảo, số lượng các vụ việc xử lý thông qua thủ tục rút gọn tại Tòa án còn rất hạn chế.

Ở góc độ của ngân hàng, tổ chức trực tiếp liên quan đến xử lý nợ xấu, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB chia sẻ: Nhờ Nghị quyết 42, VIB đã thu giữ thành công gần 100 bất động sản với giá trị hàng trăm tỉ đồng, giúp giảm tương ứng số lượng nợ xấu liên quan. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, nhận thấy vẫn còn một số vướng mắc.

Trước hết là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, mặc dù hầu hết các địa phương đều phối hợp với ngân hàng trong việc thu giữ tài sản, nhưng một số chính quyền địa phương chưa hiểu rõ trách nhiệm nên không hợp với các TCTD, thậm chí ngăn cản, cho dù ngân hàng đã thực hiện đầy đủ các thủ tục thu giữ theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VIB phát biểu tại Hội nghị.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VIB phát biểu tại Hội nghị.

Đại diện VIB dẫn chứng một số trường hợp gặp vướng mắc trong quá trình xử lý TSBĐ như: Các chủ tài sản ngụy tạo lí do tranh chấp, khởi kiện ngân hàng ra tòa vì những chuyện rất vụn vặt.

Cá biệt có những trường hợp đòi đền bù vài chục triệu đồng cho việc tháo dỡ một tài sản khách hàng tạm dựng lên sau khi tài sản đã bị thu giữ mà tòa án vẫn thụ lý giải quyết, dẫn đến việc ngân hàng không thể bán tài sản mà phải đợi tòa giải quyết xong vụ án.

Nhiều trường hợp khác, chủ tài sản hoặc người liên quan gửi đơn yêu cầu ngăn chặn các văn phòng đăng kí đất đai một cách vô căn cứ, các cơ quan này vẫn không sang tên, chuyển nhượng tài sản khiến ngân hàng không thể hoàn tất thủ tục sang tên cho người trúng đấu giá, do vậy không thu hồi được nợ xấu.

Một khó khăn nữa được đại diện VIB chia sẻ đó là hiện nay, hầu hết các tòa đều không nhận thụ lý các đơn khởi kiện theo thủ tục rút gọn của ngân hàng. Hoặc nếu nhận thì thẩm phán cũng yêu cầu ngân hàng rút đơn khởi kiện theo hình thức này, và khởi kiện lại vụ án đòi tiền và chiếm giữ tài sản theo thủ tục thông thường. Nếu có giải quyết thì thời gian rất kéo dài dẫn đến việc thủ tục rút gọn hầu như không còn ý nghĩa.

Cũng vướng mắc trong việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp và nghĩa vụ giao tài sản và xử lý tài sản, đại diện Agribank dẫn chứng: Với gần 1 triệu khách hàng nợ xấu thường xuyên, 7 nghìn vụ tranh chấp dân sự nhưng Agribank mới chuyển khoảng 10 hồ sơ thực hiện thủ tục rút gọn. Nhưng thực tế chưa có vụ việc nào được xử lý lý theo hình thức này. Trong số 10 hồ sơ này, có 1 hồ sơ hòa giải thành công. Còn lại áp dụng theo thủ tục thông thường. Điều này cho thấy tỷ lệ các tranh chấp được giải quyết bằng áp dụng thủ tục rút gọn còn hạn chế.

Đại diện Agribank cũng chia sẻ thêm về vướng mắc trong việc thanh toán thuế cho các cuộc đấu giá tài sản bảo đảm. Cụ thể, mặc dù Nghị quyết 42 đã cho phép ưu tiên thanh toán đối với nợ gốc ngân hàng, thế nhưng rất nhiều tài sản khi đấu giá thành thì các cơ quan thuế áp dụng khác nhau để kéo dài thời gian bàn giao.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank phát biểu tại Hội nghị.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank phát biểu tại Hội nghị.

Ông Hàn Ngọc Vũ, đại diện VIB đề xuất: Nên có một Nghị định của Chính phủ và một Thông tư của Bộ Công an quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan công an trong việc phối hợp, hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu. Cũng như các chế tài cụ thể nếu các cơ quan này không thực hiện.

Đồng thời, có các văn bản cụ thể để hướng dẫn tòa án, viện kiểm sát nhân dân các cấp về thụ lí, xử lý các vụ án theo thủ tục tục rút gọn về nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo hoặc quyền thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu đối với các tài sản thu giữ không thành của TCTD; có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tập huấn cho hệ thống văn phòng đăng kí đất đai các cấp của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xử lý các đơn thư, ngăn chặn đối với các tài sản thu giữ thành công theo Nghị quyết 42 của các TCTD.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị NHNN chủ động rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn cho cả trước mắt và lâu dài.

Nâng cao vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong hệ thống ngân hàng; Tăng cường công tác phối hợp với các bộ ngành liên quan như Viện Kiểm sát, Bộ Công an, Tòa án… và các địa phương; Xây dựng hệ thống thông tin kết nối, nắm chắc tình hình pháp lý của tài sản. Nâng cao năng lực của TCTD, đảm bảo tỷ lệ an toàn theo các đề án đã phê duyệt, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, có giải pháp tăng vốn điều lệ cho hệ thống ngân hàng…

Bài và ảnh: Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/2-nam-trien-khai-nghi-quyet-42-van-con-vuong-nhieu-rao-can-93426.html