2 năm xung đột ở Ukraine: Cuộc giao tranh chưa hồi kết và một thế giới phân mảnh

Hôm nay (24/02) đánh dấu tròn 2 năm ngày nổ ra cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Mỹ và châu Âu vẫn không ngừng tìm cách gia tăng trừng phạt với Nga, trong khi triển vọng về một thỏa thuận hòa bình vẫn mờ mịt.

Diễn biến của cuộc xung đột cho đến nay là một bi kịch trong chính trị quốc tế và là một bi kịch đối với toàn thế giới. Hàng nghìn dân thường đã thiệt mạng, nhiều thành phố đổ nát và hàng triệu người buộc phải di tản. Cuộc xung đột đã phá vỡ cấu trúc an ninh châu Âu, vẽ lại mối quan hệ giữa các quốc gia và làm rạn nứt một nền kinh tế toàn cầu được kết nối chặt chẽ.

Sáng 24/2 theo giờ Việt Nam, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã lần lượt tổ chức các phiên họp đặc biệt để thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres một lần nữa bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự nguy hiểm của tình trạng xung đột leo thang và lan rộng.

Xe tăng khai hỏa về phía quân đội Nga ở khu vực Kharkiv vào tháng 7/2023. Ảnh: Reuters

Xe tăng khai hỏa về phía quân đội Nga ở khu vực Kharkiv vào tháng 7/2023. Ảnh: Reuters

Ông đồng thời kêu gọi các bên giải quyết căng thẳng bằng biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc: "Hai năm trôi qua, cuộc xung đột ở Ukraine vẫn là một vết thương hở ở trung tâm châu Âu. Đã đến lúc phải có hòa bình, một nền hòa bình công bằng dựa trên hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Đại hội đồng”.

Trong khi đó, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Dennis Francis cảnh báo, cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine đang gây tác động trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực, giá năng lượng, đồng thời trở thành yếu tố quan trọng tái định hình bản đồ địa chính trị và địa kinh tế thế giới.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào ngày 24/02/2022 sau khi mọi nỗ lực đàm phán giữa Nga và Ukraine, cũng như giữa Nga và phương Tây thất bại nhằm xây dựng cấu trúc an ninh toàn diện, công bằng, ổn định lâu dài ở châu Âu. Hai năm trôi qua, lực lượng Nga và Ukraine vẫn trong thế giằng co trên chiến trường với rất ít diễn biến mang tính đột phá, trong khi các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình gần như “dậm chân tại chỗ”. Cả hai bên đều tuyên bố sẵn sàng đàm phán, song vẫn cứng rắn trong những vấn đề chính và không ngừng đổ vũ khí và nhân lực vào chiến trường. Cái giá phải trả về nhân mạng ngày càng tăng và một thế giới ngày càng phân cực hơn.

Tổ chức Thương mại thế giới hồi tuần này này cảnh báo, hai năm sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang phân chia thành hai khối riêng biệt và các quy tắc đa phương đã củng cố thương mại trong gần 30 năm đang bị đe dọa.

Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới Ralph Ossa cho biết: “Nếu chia thế giới thành hai khối địa chính trị giả định dựa trên mô hình bỏ phiếu hoặc hành vi bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, thì bạn sẽ thấy, kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, thương mại giữa các khối đang tăng chậm hơn từ 4 đến 6% so với thương mại trong các khối giả định này. Dù chưa thấy bất kỳ sự mất cân bằng trên diện rộng nào diễn ra, nhưng những dấu hiệu đầu tiên của sự phân mảnh đã xuất hiện. Tác động kinh tế của sự phân mảnh này sẽ khá nghiêm trọng. Trong trường hợp xấu nhất là thế giới thực sự chia thành hai khối địa chính trị, chúng tôi ước tính rằng, trung bình, thu nhập thực tế sẽ giảm 5%, với tác động lớn hơn nhiều đối với một số nước đang phát triển”.

Ở một mức độ nào đó, đây là một cuộc xung đột không có người chiến thắng. Ngay cả tại Mỹ và phương Tây, những ý kiến bảo thủ nhất cũng phải thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga không đạt được kết quả. Theo thống kê, riêng nước Đức đã thiệt hại lên tới 200 tỷ euro do xung đột Nga - Ukraine. Dưới áp lực, xã hội phương Tây đang phải đối mặt với tâm lý ngày càng gia tăng về "sự mệt mỏi của Ukraine", dư luận đang dao động và triển vọng hỗ trợ quân sự cho Ukraine là không chắc chắn.

Nghiên cứu gần đây của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu cho thấy, chỉ 10% người trả lời ở 12 quốc gia châu Âu tin rằng Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột đang tiếp diễn, 37% mong chờ một thỏa thuận được ký kết để chấm dứt tình thế bế tắc dai dẳng hiện nay.

Từ tháng 6/2023, liên tiếp 4 hội nghị quốc tế đã diễn ra tại Đan Mạch, Saudi Arabia, Malta và Thụy Sĩ để bàn về giải pháp cho cuộc xung đột, Brazil, Trung Quốc và Liên minh châu Phi (AU) cũng liên tục đưa ra các đề xuất hòa bình. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có đề xuất nào có thể đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Việc nhiều hội nghị không có sự tham gia của Nga được cho là một trong những nhân tố khiến cánh cửa nối lại đàm phán chưa thể mở.

Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/2-nam-xung-dot-o-ukraine-cuoc-giao-tranh-chua-hoi-ket-va-mot-the-gioi-phan-manh-post1078684.vov