2 năng lực càng nổi bật chứng tỏ trẻ sở hữu IQ cao

Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình thông minh, lanh lợi, sớm thành tài.

Một đứa trẻ sở hữu chỉ số IQ (chỉ số thông minh) thường bộc lộ những dấu hiệu ngay từ khi còn nhỏ. Nếu cha mẹ chú ý quan sát sẽ dễ dàng phát hiện, từ đó bồi dưỡng kiến thức cùng kỹ năng phù hợp để con phát triển toàn diện. Cha mẹ chỉ cần bỏ ra một chút thời gian mỗi ngày cũng có thể giúp trẻ nâng cao tư duy.

Dưới đây là 2 dấu hiệu nhỏ để nhận biết những đứa trẻ có chỉ số IQ cao. Sự tinh tế trong quá trình quan sát cùng sự khéo léo trong việc nuôi dạy sẽ giúp ích cho trẻ.

1. Năng lực suy luận rõ ràng

Khi trẻ còn nhỏ, trong mắt nhiều người, việc trẻ nghịch ngợm thật phiền phức, gây ra khó chịu. Trên thực tế, trong quá trình "nghịch ngợm", trẻ đã khám phá, học hỏi và tự suy luận được nhiều điều thú vị. Khả năng suy luận của trẻ bộc lộ từ lúc nhỏ và phát triển mạnh ở một số đứa trẻ.

Chẳng hạn nhiều đứa trẻ có thể ngồi hàng giờ để chơi một món đồ nào đó. Đừng thắc mắc hay cho rằng đó là điều vô nghĩa. Thật ra, đó là quá trình tự học của trẻ. Trẻ đang tự mình khám phá màu sắc, kích cỡ, hình dạng,… theo một cách riêng.

Hay có bao giờ cha mẹ bất ngờ khi đưa cho trẻ điện thoại thông minh, trẻ có thể thành thạo sử dụng những ứng dụng cha mẹ dùng hàng ngày mà không cần sự hướng dẫn. Đó là vì trẻ đang bắt chước thao tác của cha mẹ và dựa vào khả năng suy luận để thôi thúc quá trình thực hiện hành vi.

Năng lực suy luận là báo hiệu cho thấy trẻ có chỉ số thông minh. (Ảnh minh họa)

Tóm lại, khả năng suy luận chính là khả năng tưởng tượng, áp dụng, phân tích tổng hợp và đánh giá thông tin thu thập được, hoặc tạo ra thông qua việc quan sát, trải nghiệm, phản ánh, lý luận, giao tiếp. Cho dù tương lai con làm bất cứ nghề nào cũng đòi hỏi mức độ tư duy và suy luận nhất định. Là cha mẹ, chúng ta cần hướng dẫn và giúp con nâng cao khả năng suy luận từ nhỏ thông qua các việc sau:

- Đặt câu hỏi: Cha mẹ hãy cho phép con hỏi và trả lời câu hỏi một cách đầy đủ nhất có thể. Đây là cách tuyệt vời giúp con ghi nhớ và suy nghĩ tích cực về những điều đang tìm hiểu. Để trẻ đặt câu hỏi hay cha mẹ đưa ra câu hỏi đều giúp trẻ nâng cao tư duy phản biện, suy luận. Không những thế, việc trao đổi qua các câu hỏi còn giúp cha mẹ theo dõi được quá trình học hỏi và phát triển của con.

- Dạy trẻ biết tóm tắt: Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ tóm tắt một câu chuyện hoặc những chương sách sau khi đọc. Kỹ năng này giúp trẻ xác định đâu là điểm nhấn và điều gì là quan trọng nhất trong câu chuyện. Việc ghi nhớ những gì trẻ đã đọc và tóm tắt lại sẽ giúp nâng cao khả năng suy luận tổng hợp.

- Chơi giải đố: Hàng ngày, cha mẹ hãy đọc một số câu đố cho trẻ và cùng trẻ thảo luận đưa ra đáp án. Điều này thúc giục trẻ tư duy, phân tích thông tin rất nhanh nhạy, hiệu quả.

2. Khả năng diễn đạt ngôn ngữ

Khả năng diễn đạt ngôn ngữ thực sự đóng một vai trò lớn trong trí thông minh ở trẻ. Nếu trẻ có vốn từ vựng phong phú thì cha mẹ nên khuyến trẻ đọc thêm sách và cùng trò chuyện với con nhiều hơn mỗi ngày. Việc sử dụng ngôn ngữ sớm và thành thạo là đặc điểm điển hình ở những đứa trẻ có tài năng, có khả năng lãnh đạo, diễn thuyết trước đám đông.

Ngôn ngữ ở trẻ chính là khả năng tự đọc, tự học, tự khám phá thế giới xung quanh để từ đó khám phá bản thân. Nếu ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ thấy con có khả năng đọc thuộc những bài thơ ngắn, học thuộc bài hát theo yêu cầu thì xin chúc mừng, đây là đứa trẻ có khả năng ngôn ngữ. Cha mẹ có thể tham khảo một số cách để giúp con phát triển ngôn ngữ dưới đây.

- Cho trẻ khám phá và quan sát tốt hơn: Hãy đưa con đi tham quan, khám phá và hòa mình với thiên nhiên. Điều này giúp trẻ tư duy tốt hơn, quan sát tốt hơn. Tìm hiểu môi trường xung quanh sẽ giúp trẻ trau dồi vốn từ vựng và khả năng ngôn ngữ của mình.

- Cùng trẻ đọc sách, vui chơi: Khi trẻ được đọc sách hoặc chỉ cần nghe cha mẹ kể lại những câu chuyện trong sách, trẻ có thể vận động tư duy logic của mình để phân tích, kết nối những chi tiết trong câu chuyện. Không những vậy, phương pháp này còn giúp trẻ rèn luyện được tính kiên nhẫn đáng quý cho cuộc sống sau này.

- Dành thời gian viết và vẽ cùng trẻ: Những nét vẽ nguệch ngoạc trên giấy có thể giúp phụ huynh hiểu rõ được thế giới, sự vật, sự việc từ góc nhìn con trẻ. Đây như một phương pháp giúp trẻ bộc lộ ngôn từ, suy nghĩ, cảm xúc của mình đối với thế giới xung quanh. Hơn thế, phương pháp còn kích thích sự sáng tạo, khả năng ngôn ngữ và khả năng tư duy miêu tả sự việc của trẻ.

Ứng Hà Chi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/2-nang-luc-cang-noi-bat-chung-to-tre-so-huu-iq-cao-20221123101128132.htm