2 người nguy kịch nhập viện do uống rượu củ ấu
Sau khi uống nhầm 3 chén rượu ngâm củ ấu tàu, 2 người trong một gia đình có biểu hiện nôn nhiều, tê lưỡi, khó chịu phải nhập viện cấp cứu.
Bác sĩ Hồ Duy Khánh, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (BV Đa khoa tỉnh Điện Biên) cho biết, khoa mới tiếp nhận 2 người trong cùng gia đình nhập viện với tình trạng da đỏ, kích thích vật vã, tim đập nhanh.
Người bệnh kể lại, tối 16/5, gia đình ăn cơm. Khi đó, 2 anh em có uống nhầm 3 chén rượu ngâm củ ấu tàu. Sau 1 tiếng nôn nhiều, tê lưỡi, khó chịu, cả hai được đưa vào viện.
Sau khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh ngộ độc Aconitin do uống rượu ngâm củ ấu tàu với biểu hiện rối loạn nhịp tim nặng. Bệnh nhân được điều trị thải độc, sử dụng thuốc chống loạn nhịp.
Theo bác sĩ Hồ Duy Khánh, củ ấu tàu (còn gọi là phụ tử, ô đầu, củ gấu rừng) là vị thuốc có độc tính, thường được ngâm thành rượu thuốc để xoa bóp. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp người dân ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tàu.
"Chất độc aconitin trong rễ và củ ấu tàu rất độc. Do đó, người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng nấu cháo hay uống rượu ngâm củ ấu tàu. Nếu chẳng may nuốt phải các triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện sớm, người bệnh có cảm giác tê bì quanh miệng, môi, lưỡi, đầu chi, nôn. Trường hợp nặng hơn là các rối loạn tim mạch, thần kinh nguy hiểm đến tính mạng như rối loạn nhịp tim, co giật, tụt huyết áp dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời" - Bác sĩ Khánh cho biết.
Qua trường hợp trên, bác sĩ cũng khuyến cáo không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn, không được uống rượu ngâm củ ấu tàu. Các loại rượu ngâm củ ấu tàu dùng để xoa bóp phải được dán nhãn rõ ràng, cất giữ cẩn thận, tránh xa tầm tay trẻ em. Khi uống nhầm hoặc có biểu hiện ngộ độc, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để xử trí kịp thời.