2 nhóm giải pháp tháo gỡ 'điểm đen' ùn tắc cảng Cát Lái
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) nêu câu hỏi, trung bình 1 ngày/đêm ở Cảng Cát Lái có 2.000 lượt xe container hoạt động dẫn đến ùn tắc, mất an ninh trật tự. Vậy Bộ Giao thông - Vận tải có giải pháp gì để gỡ khắc phục tình trạng trên.
Giải trình với đại biểu chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Cảng Cát Lái là 1 trong các cảng lớn của TP.HCM. Đây là cảng do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý, cảng đang phát triển tốt. Sau quá trình phát triển xảy ra tình trạng ùn tắc ở khu phía đông, tuyến đường xe container đi vào cảng. Về giải pháp, Chính phủ có chủ trương di dời một số cảng để giảm tải cho cảng Cái Lái.
Theo Bộ trưởng có 2 nhóm giải pháp gồm trực tiếp và gián tiếp. Nhóm giải pháp trực tiếp là tập trung quản lý quy mô cảng Cát Lái, không cho mở rộng thêm để giảm lưu lượng xe. Cùng với TP.HCM, Bộ Giao thông - Vận tải triển khai cầu vượt để đảm bảo xe đi xuống cảng tránh giao cắt, ùn tắc ở ngã tư.
“Bộ Giao thông - Vận tải cũng khuyến khích giao thông bằng đường thủy, nâng cấp cầu Bình Lợi để tàu container từ Đồng Nai, Bình Dương đi vào cảng”, Bộ trưởng cho biết thêm.
Về nhóm giải pháp gián tiếp, Bộ trưởng cho biết, sẽ khai thác Cảng Cái Mép - Thị Vải tốt hơn, triển khai đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; chủ trương đầu tư đường cao tốc Đồng Nai xuống Vũng Tàu. Báo cáo Chính phủ lập chương trình đầu tư đường vành đai 3 theo hình thức đầu tư công. Ngoài ra Bộ Giao thông - Vận tải cũng làm việc với TP.HCM để có các giải pháp căn cơ hơn.
Nâng cấp đường Hà Nội - Bắc Giang
Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng về vấn đề đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.
“Đầu nhiệm kỳ tôi có hỏi Bộ trưởng về vấn đề đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhưng không phải là cao tốc, vì đoạn Hà Nội - Bắc Ninh không có đường gom, xe máy phải đi chung với xe ô tô trên đường cao tốc, các cầu Như Nguyệt, cầu Xương Giang bị thắt nút cổ chai, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất lớn, Bộ trưởng đã hứa giải quyết. Qua giám sát, đến nay vẫn không có gì thay đổi. Đề nghị Bộ trưởng giải thích rõ vấn đề này để cử tri địa phương biết lý do”, đại biểu hỏi.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là dự án mở rộng, hoàn thành từ năm 2016.
“Thời điểm đó, Bộ Giao thông - Vận tải và nhà đầu tư dự kiến chỉ lưu thông xe ô tô, còn xe 2 bánh thì tận dụng con đường gom hiện hữu để đi lại. Nhưng khi khánh thành, đưa vào sử dụng thì nhu cầu của người dân đi vào đường này rất lớn trong khi đường gom chưa hoàn thành”, Bộ trưởng cho biết.
Ngày 15/7/2009, Bộ Giao thông - Vận tải đã họp và sau khi rà soát xác định, tuyến đường này không đảm bảo tiêu chuẩn đường cao tốc. Sau khi kiểm tra lại đã thay thế toàn bộ biển báo từ “đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang” thành “tuyến Hà Nội – Bắc Giang”. Bộ Giao thông - Vận tải khảo sát, nâng cấp thực hiện 43 km đường gom.
“Quá trình thực hiện đã tận dụng 21 km sẵn có. Còn 22 km phải giải phóng mặt bằng, đầu tư. Đến thời điểm này, nhà đầu tư đã được bàn giao 16 km mặt bằng”, Bộ trưởng cho biết thêm.