2 phụ nữ mắc u nhầy hiếm gặp, chuyên gia cảnh báo
U nhầy vùng mũi xoang là các khối nang lành tính, chứa đầy dịch nhầy, hình thành do tắc nghẽn đường dẫn lưu xoang, thường gặp ở vùng sàng trán.
Đau đầu, đi khám được chẩn đoán u mũi xoang hiếm gặp
Ngày 14/12, tại Hội nghị khoa học "Nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị tai mũi họng", BS Nguyễn Minh Hảo Hớn - Trưởng khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM đã thông tin về hai người phụ nữ đều có triệu chứng đau đầu, được chẩn đoán có u nhầy mũi xoang rất hiếm gặp.
Theo đó, hai nữ bệnh nhân đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM kiểm tra sau khi có triệu chứng đau đầu trong thời gian dài. Kết quả chụp CT cho thấy cả hai đều có tổn thương dạng nang trong xoang, chứa đầy dịch mủ, nghi do nấm.
Người bệnh sau đó được phẫu thuật nội soi xử lý khối nang. Sau mổ, sức khỏe các bệnh nhân đều cải thiện tốt, được xuất viện sau 5 ngày.
Kết quả giải phẫu bệnh sau đó xác định, bệnh nhân bị u nhầy xương bản vuông.
Bác sĩ Hớn phân tích, ban đầu, xương bản vuông thông với xoang bướm. Khi tình trạng viêm do nấm xảy ra, lỗ thông bị tắc và gây nên u nhầy.
Theo bác sĩ, u nhầy xương bản vuông là một bệnh cảnh lâm sàng rất hiếm gặp, chỉ mới được báo cáo trong y văn một vài trường hợp. U nhầy xương bản vuông là một bệnh cảnh lâm sàng cực kỳ hiếm gặp, chỉ mới được báo cáo trong y văn một vài trường hợp.
Đặc biệt, trước đây, chưa có báo cáo nào ghi nhận có đồng mắc nấm cục và u nhầy vùng xương bản vuông.
Theo những báo cáo trước đó trên thế giới, các bệnh nhân đều đi khám vì các triệu chứng liên quan đến chèn ép cấu trúc xung quanh u nhầy, bao gồm đau đầu, được mô tả là đau sau mắt, thái dương, vùng trán và vùng trên của mặt, song thị, tê mặt.
U nhầy vùng mũi xoang là các khối nang lành tính, chứa đầy dịch nhầy, hình thành do tắc nghẽn đường dẫn lưu xoang, thường gặp ở vùng sàng trán.
Tác giả Fujimoto cho rằng, nguyên nhân gây bệnh có thể do xương bản vuông được khí hóa trong quá trình phát triển và có thông thương với xoang bướm qua một vị trí khuyết xương, viêm xoang bướm, sau đó gây nên tắc lỗ thông. Từ đó, tình trạng này làm dịch ứ đọng trong xương bản vuông, tạo thành u nhầy.
"Cả hai bệnh nhân của chúng tôi đều nhập viện vì bệnh cảnh đau đầu kéo dài, kém đáp ứng điều trị nội khoa. Ở bệnh nhân thứ hai ghi nhận u nhầy đè ép, hủy xương và chèn ép một phần cấu trúc nội sọ vùng thành ngoài, gây nên triệu chứng nhìn đôi cho người bệnh", thành viên nhóm báo cáo chia sẻ.
Phẫu thuật nội soi mũi xoang dẫn lưu u nhầy vùng xương bản vuông là chọn lựa điều trị với hiệu quả cao, xâm lấn tối thiểu, tránh sẹo đường ngoài và giảm thời gian hồi phục cho người bệnh, đã được ghi nhận không có biến chứng nào.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, cần phân biệt u nhầy xương bản vuông với các bệnh lý khác vùng này, như u tân sinh, cholesterol granuloma, cốt tủy viêm sàn sọ, thoát vị não màng não, phình động mạch cảnh… để có hướng can thiệp điều trị phù hợp.
Cẩn thận u nhầy xoang trán ở mọi lứa tuổi
ThS.BSCKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cảnh báo, người dân nên cảnh giác u nhầy mũi xoang. Khoảng 60 – 89% u nhầy xảy ra ở xoang trán được gọi là u nhầy xoang trán, 8–30% ở xoang sàng và dưới 5% ở xoang hàm. Các u nhầy xoang bướm rất hiếm.
U nhầy xoang trán có thể hình thành ở mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn được chẩn đoán ở bệnh nhân từ 40 đến 60 tuổi. Nam và nữ bị ảnh hưởng như nhau.
Bác sĩ Hằng phân tích, u nhầy là tập hợp chất nhầy được bao bọc trong một túi biểu mô xoang lót bên trong xoang khí do sự tắc nghẽn lỗ thông xoang. Nhưng nguyên nhân cũng có thể là do nhiễm trùng, xơ hóa, viêm nhiễm, chấn thương, phẫu thuật hoặc tắc nghẽn bởi các khối u như u xương.
U nhầy là những tổn thương lành tính, phát triển chậm, thường xảy ra ở nhóm xoang trán hoặc xoang sàng và hiếm khi xuất hiện ở xoang hàm và xoang bướm. U có thể chứa đầy mủ do nhiễm trùng mạn tính, trong trường hợp đó, nó được gọi là u nhầy mủ mạn tính.
Nguyên nhân gây u nhầy xoang trán đến nay vẫn chưa được xác định, nhưng các nghiên cứu cho thấy, u nhầy có thể hình thành do các yếu tố sau:
- Do tình trạng tắc nghẽn lỗ thông mũi xoang.
- Bất thường cấu trúc hay viêm xoang mạn tính.
- Xạ trị vùng đầu mặt gây xơ sẹo.
- Các khối u trong xoang lâu ngày.
- Sang chấn do chấn thương.
- Biến chứng sau phẫu thuật xoang.
- Loạn sản xơ.
- U xương hoặc u xơ hóa.
Biểu hiện lâm sàng của u nhầy xoang trán thay đổi tùy theo vị trí giải phẫu của chúng. Các triệu chứng ban đầu thường âm thầm. Bệnh nhân có u nhầy vùng sàng trán có thể phát triển đau đầu phía trước, lệch mặt hoặc sưng tấy. Các biểu hiện về mắt cũng có thể được tìm thấy, chẳng hạn như suy giảm thị lực, giảm khả năng di chuyển của mắt hoặc bị lồi mắt.
Biểu hiện lâm sàng thay đổi từ không có triệu chứng đến nhức đầu mất khả năng hoạt động và rối loạn thị giác. Chứng rối loạn thị giác (83%) và nhìn đôi (45%) là những phàn nàn phổ biến nhất.
Khi khám sức khỏe, bác sĩ có thể xác định được tình trạng đau quanh hốc mắt, sưng tấy, nhiễm khuẩn, giảm thị lực và hạn chế các cử động vận nhãn.
Sự xâm lấn nội sọ do ăn mòn thành sau của xoang trán có thể dẫn đến viêm màng não hoặc rò dịch não tủy. Thành sau xoang trán đặc biệt dễ bị ăn mòn vì vốn dĩ rất mỏng. Xu hướng ăn mòn xương và xâm lấn nội sọ được thấy thường xuyên hơn khi có nhiễm trùng.
Sự hiện diện và hướng của lồi mắt có thể giúp ích đáng kể trong việc xác định vị trí tổn thương. Một khối ở đỉnh ổ mắt có xu hướng tạo ra lồi mắt trực tiếp về phía trước, trong khi các tổn thương hướng về phía trước vùng tiền đình mắt tạo ra bệnh lồi mắt bên, tổn thương hướng xuống và về phía trước, tương tự như do tổn thương xâm lấn ổ mắt từ xoang trán.
Bác sĩ Thúy Hằng cho biết, việc chẩn đoán u nhầy xoang trán sẽ dựa trên tiền sử, khám sức khỏe và hình ảnh học: CT, MRI.
Các u nhầy thường hoạt động giống như các tổn thương xâm lấn gây ra ăn mòn xương và đẩy lệch các cấu trúc xung quanh. Sự liên quan của u nhầy xoang trán với não có thể gây ra biến chứng và khả năng tử vong nếu không được can thiệp.
Các biến chứng thường gặp nhất của u nhầy xoang trán:
Bệnh lồi mắt một bên: U nhầy xoang trán chèn ép hốc mắt là một biến chứng nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến thị lực, nhìn đôi, nhức mắt, lồi mắt và nguy cơ mù lòa.
Viêm não, màng não: Nếu u chèn ép não có thể gây viêm não và màng não. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Liệt mặt: Nếu u nhầy gây chèn ép thần kinh mặt có thể dẫn đến lệch mặt, liệt mặt.
Động kinh: Tình trạng động kinh và yếu liệt một vài cơ quan có thể xảy ra nếu u nhầy chèn ép vào các cấu trúc thần kinh trung ương.
“U nhầy xoang trán có thể có các biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào mức độ và độ phức tạp của tổn thương. Do đó, các phương pháp phẫu thuật thông thường có thể không giải quyết được tất cả các trường hợp.
Mỗi trường hợp u nhầy xoang trán phải được lập kế hoạch tùy theo mức độ nghiêm trọng và mức độ lan rộng của tổn thương cũng như phương pháp tiếp cận đã được sử dụng trong phẫu thuật trước đó, trong các trường hợp tái phát.
Điều này chỉ có các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm mới có thể thực hiện được. Và vì vậy, người bệnh nên tìm đến các bệnh viện uy tín có chuyên khoa tai mũi họng, thần kinh với đội ngũ các bác sĩ tay nghề cao để được điều trị hiệu quả, tránh biến chứng và tái phát”, BS Thúy Hằng khuyến cáo.