2 phương án sửa chữa cầu Lùng
Ban Quản lý dự án 5 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã đưa ra 2 phương án để sửa chữa cầu Lùng (huyện Diên Khánh). Dự kiến trong năm 2020, dự án sẽ được triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện tham gia giao thông.
Cầu Lùng nằm trên Quốc lộ 1, qua địa bàn huyện Diên Khánh hiện nay được cắm biển hạn chế tải trọng 23 tấn đến 45 tấn, tương ứng với các loại xe hợp pháp theo quy chuẩn của Bộ Giao thông vận tải. Bề rộng mặt cầu 7,5m, lề mỗi bên 1,1m, gồm 5 nhịp có kết cấu bê tông cốt thép. Cầu đã được sửa chữa vào năm 1999, thay bản mặt cầu bị hư hỏng, bơm keo các vết nứt cục bộ, trám vá lại các vết nứt mố trụ. Đến tháng 7-2008, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cho nhà thầu thi công bọc bê tông cốt thép toàn bộ cọc thép, trám vá lại các vết vỡ bê tông dầm chủ, bản mặt cầu và sửa chữa lan can.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, các dầm chủ của cầu xuất hiện nhiều vết nứt lớn, nứt xiên, các vết nứt từ đáy dầm vòng qua sườn dầm. Phần lớn vết nứt xiên kéo dài. Hiện tại, bề rộng cầu hẹp hơn phần đường đầu cầu, bề rộng phần đường trung bình từ 10 đến 11m. Như vậy, tại khu vực này đã tạo ra nút thắt, điểm nghẽn có nguy cơ mất an toàn giao thông.
Người dân ở khu vực này cho biết, tại khu vực cầu Lùng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, nguyên nhân chính là do mặt cầu hẹp hơn so với đường, một số phương tiện khi chạy vào ban đêm không lường trước được đã tung vào lan can và lao xuống vệ đường. “Mới đây, khoảng 22 giờ, một chiếc xe tải biển kiểm soát tỉnh Đồng Nai chạy hướng nam - bắc với tốc độ cao khi lưu thông qua cầu Lùng do không quan sát, tránh lan can cầu, mất lái nên đã lao xuống ruộng. Vụ tai nạn khiến tài xế và phụ lái bị thương nhẹ, nhưng chiếc xe bị hư hỏng nặng”, bà Hương - người bán quán nước ở khu vực gần cầu Lùng cho biết.
Với tình trạng hư hỏng, xuống cấp của cầu Lùng, Ban Quản lý dự án 5 đã đưa ra 2 phương án sửa chữa. Theo đó, phương án 1 là gia cường cầu để khai thác với biển hạn chế tải trọng từ 25 đến 45 tấn, mở rộng phần đường xe chạy từ 7,5m lên 9m. Nhà thầu sẽ phá dỡ lề đi bộ, thay thế bản mặt cầu hư hỏng hiện tại để mở rộng phần đường xe chạy. Với phương án này dự kiến kinh phí khoảng 5,5 tỷ đồng. Phương án 2 là sửa chữa để bỏ biển hạn chế tải trọng, bề rộng cầu sau khi sửa chữa sẽ là 11m. Nhà thầu sẽ thay thế toàn bộ dầm bê tông cốt thép hiện trạng bằng nhịp dầm thép mới có chiều dài tương đương, gia cường mố, trụ cầu bằng cách bổ sung thêm cọc khoan nhồi. Kinh phí dự kiến sửa chữa khoảng 25 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 5, nếu thực hiện phương án 1 có thể đảm bảo triển khai ngay trong thời điểm hiện tại. Còn phương án 2 phải báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, điều chuyển và chờ đợi bố trí vốn do nguồn vốn dự án thành phần 2 (thành phần bổ sung thuộc dự án sửa chữa, gia cường các cầu trên quốc lộ, đảm bảo đồng bộ tải trọng khai thác trên tuyến) không đủ để thực hiện. Hiện nay, ban đã gửi văn bản đến Sở Giao thông vận tải và Cục Quản lý đường bộ III để xin ý kiến về phương án sửa chữa cầu Lùng.
Ông Nguyễn Thanh Hiến - Trưởng phòng Quản lý chất lượng và an toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải cho biết, việc sửa chữa cầu Lùng nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện là rất cần thiết. Trong khi đó, mặt cầu Lùng hiện nay không đồng bộ với mặt đường Quốc lộ 1. Như vậy, quan điểm của sở là sửa chữa theo phương án 2 để mở rộng mặt cầu, thay dầm bê tông cốt thép mới sẽ vừa bảo đảm khai thác lâu dài, lại không hạn chế tải trọng phương tiện khi qua cầu. Hơn nữa, cầu Lùng nằm trên tuyến Quốc lộ 1 - tuyến đường huyết mạch qua địa bàn tỉnh nên cần sửa chữa có tính bền vững.
THÀNH NAM
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201912/2-phuong-an-sua-chua-cau-lung-8141004/