2 vấn đề TikTok chưa thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam
Về việc nền tảng TikTok thực hiện yêu cầu theo kết luận thanh tra của Bộ TT&TT (tháng 9/2023), nền tảng này đã xử lý 4 trong 9 yêu cầu của cơ quan chức năng. Trong đó, 2 nội dung TikTok chưa chấp thuận triển khai.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 12/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - đã trao đổi về việc khắc phục các sai phạm của TikTok theo kết luận kiểm tra được Bộ TT&TT công bố hồi đầu tháng 10/2023.
Theo bà Huyền, đến thời điểm hiện nay, Bộ đã nhận được phản hồi ban đầu của TikTok Singapore. Trong 9 yêu cầu của cơ quan chức năng, nền tảng này đang thực hiện 4 nội dung, 3 nội dung đang thảo luận cách thức triển khai với cơ quan chức năng Việt Nam và chưa chấp nhận 2 nội dung khác.
Nền tảng này đã thực hiện 4 nội dung trong kết luận thanh tra từ tháng 10/2023, bao gồm: tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em; các vấn đề liên quan bản quyền (trong đó, một số nội dung TikTok đã triển khai, một số nội dung đang tiếp tục triển khai như bổ sung đầu mối giải quyết vấn đề bản quyền, rút ngắn thời gian giải quyết...); các vấn đề phối hợp thực hiện truyền thông chính sách với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể với Bộ TT&TT; phối hợp với Bộ TT&TT triển khai các chiến dịch truyền thông để nâng cao ứng xử người dùng trên mạng thông qua các chiến dịch mà Bộ TT&TT phát động, kêu gọi các nhà sáng tạo nội dung tham gia quảng bá và lan tỏa nội dung, kêu gọi người dùng trên mạng chống lại tin giả.
Có 3 nội dung TikTok đang triển khai và đang trao đổi, thảo luận với Bộ TT&TT để triển khai hiệu quả, đó là ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật, nâng cấp công cụ tìm kiếm rà quét hiệu quả hơn cho Bộ TT&TT, cải thiện hệ thống hiện diện nội dung, nhất là hình thức livestream.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, TikTok đã xử lý trên nền tảng đạt 94 - 95% trong việc xử lý thông tin vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng cho biết, còn 2 vấn đề TikTok chưa chấp thuận triển khai. Nội dung thứ nhất là ủy quyền cho pháp nhân tại Việt Nam để thực hiện quản lý và xử lý các vi phạm theo yêu cầu của cơ quan quản lý của Việt Nam. Tiktok đưa ra lý do quy định pháp luật chưa có nên chưa có cơ sở thực hiện.
Nội dung thứ 2 nền tảng này chưa chấp thuận thực hiện là có thỏa thuận với cơ quan báo chí về triển khai các bản quyền các nội dung báo chí đưa lên TikTok.
Với 2 nội dung này, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục yêu cầu Tiktok phải thực hiện. Vì Tiktok đã thành lập công ty và có văn phòng đại diện tại Việt Nam, có bộ phận nhân sự hàng trăm người đánh giá các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và chuyển về Tiktok Singapore để ngăn chặn, gỡ bỏ, nhưng lại không có quyền xử lý trực tiếp các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, gây ra chậm trễ…
Như VietTimes đã thông tin, vào đầu tháng 10/2023, Bộ TT&TT công bố kết quả kiểm tra hoạt động của TikTok tại Việt Nam sau hơn 4 tháng triển khai kiểm tra toàn diện. Lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết đã làm việc với đại diện TikTok Singapore, đại diện TikTok Việt Nam và Công ty TikTok Việt Nam sau cuộc kiểm tra toàn diện của Bộ Thông tin và Truyền thông với nền tảng mạng xã hội này.
TikTok đã gửi văn bản cam kết thực hiện tới Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng Bộ yêu cầu bổ sung thêm phụ lục, có thời gian, tiến độ triển khai thực hiện. TikTok cam kết tuân thủ theo các yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý nội dung.
Thông qua các công cụ giám sát, Cục phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử xác định nền tảng TikTok đã có chuyển biến tích cực về nội dung, các nội dung độc hại đã giảm nhiều.
"Khi Bộ Thông tin và Truyền thông gửi yêu cầu xóa thì xử lý rất nhanh, tập trung vào việc chặn tài khoản chứ không chỉ còn xóa video clip đơn lẻ như trước đây" - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết./.