Lần đầu tiên, một lễ trưng bày không kể về chiến công của người đã mất mà kể về day dứt của người còn sống khi ký ức về người thân ngày càng nhạt nhòa theo năm tháng.
20 liệt sĩ Lai Xá trong trưng bày Ký ức liệt sĩ làng Lai ( sáng 25/7 tại Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá) là những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người trong số đó còn chưa lập gia đình. Mất mát và đau đớn ập về chỉ sau vài tháng hay một năm họ ra chiến trường khiến gia đình họ không dám tin đó là sự thật. Người ta giấu hay hủy đi các bức thư, bức ảnh để trốn tránh sự đau thương, mất mát quá lớn. Thời gian trôi, bố mẹ các liệt sĩ lần lượt qua đời, các anh chị hay đàn em lớn lên nhớ về các anh trong một ký ức mờ nhạt. Những tấm ảnh ngày một hoen ố và cũng dần thất lạc. Nhiều liệt sĩ không thể tìm thấy hài cốt, nỗi niềm chồng chất mỗi khi tháng 7 về.
Triển lãm được bố cục gồm 3 phần: Những dòng ký ức đậm sâu, Day dứt nỗi đau, Những ký ức mong manh. Ký ức liệt sĩ làng Lai do một nhóm sinh viên của khoa Di sản văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội, trong suốt một tháng hè đến từng gia đình liệt sĩ ghi chép lại những câu chuyện. Đặc biệt có người con xa quê, từ nước Đức xa xôi, thông qua mạng xã hội, đã chia sẻ câu chuyện cảm động về người anh liệt sĩ cùng những tấm ảnh, kỷ vật chiến trường may mắn được đồng đội mang về.
Nỗi niềm của người em trai. “Năm 1966, tôi và Liệt sĩ Đỗ Bản cùng nhập ngũ và cùng đi B một ngày. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, thì mỗi người một đơn vị. Tháng 6/1972, chúng tôi lại cùng chiến đấu tại mặt trận phía Tây Thừa Thiên Huế. Tháng 8/1972, tôi đang chuẩn bị đến thăm Bản, thì được tin anh hy sinh tại mặt trận phía Tây Hương Thủy. Cách đây hơn chục năm, ông Nguyễn Văn Vũ, đã vào Nam tìm mộ em trai nhưng không thấy nên rất day dứt. Tôi khuyên ông Vũ nên vào gặp tỉnh đội Thừa Thiên Huế nhờ giúp đỡ. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên đến khi ông Vũ qua đời vẫn không thực hiện được mong muốn. Chưa tìm thấy mộ, đưa hài cốt Liệt sĩ Đỗ Bản về quê hương không chỉ là trăn trở của gia đình mà của cả những người đồng đội như chúng tôi” (Theo ông Nguyễn Thắng, bạn chiến đấu).
Ngôi mộ gió. Liệt sĩ, Phạm Văn Lợi nhập ngũ năm 1962, hy sinh năm 1966, chưa lập gia đình. Gia đình đi tìm mộ nhiều năm nhưng không tìm được. Cách đây chục năm, gia đình đi gọi hồn liệt sĩ và được nói rằng “Bom đạn nổ tung nên không thể tìm thấy xác, có hai người - một người đàn ông và một người phụ nữ - đã được chôn cất dưới gốc cây ba ngạc, nhưng giờ nơi đó đã làm thành đường”. Gia đình xin với chính quyền làm một ngôi mộ tưởng niệm ở nghĩa trang liệt sĩ của xã. Khi làm lễ cúng nhập mộ, hương hồn liệt sĩ cũng về nói lời cảm ơn gia đình. Kể từ đó gia đình không đi tìm mộ liệt sĩ nữa mà thờ cúng tại nhà. (Theo bà Trần Thị Ngọ, xóm 1, em dâu liệt sĩ).
Liệt sĩ Nguyễn Văn Thành (1953-1972). Nhập ngũ đầu năm 1972, khi đang là sinh viên năm thứ nhất của Đại học Sư phạm Hà Nội. Cuối năm, đại hội H70, tiểu đoàn D33, trinh sát quân khu V của ông tham gia chiến đấu tại điểm cao đồi 10 thuộc địa bàn Gia An, nay là Xã Hoài Châu Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định. Ông bị pháo của địch bắn đứt cánh tay trái và nhiều vết thương khác trên người. Vòng vây của địch khép lại, ông Thành dùng quả lựu đạn cuối cùng của mình hy sinh cùng với 3 tên địch, khi ấy là 6 giờ sáng ngày 25/12/1972. (Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Trường, em trai liệt sĩ).
Lính nghĩa vụ quân sự đầu tiên. Anh Phạm Uy (1941-1972) tốt nghiệp loại giỏi Trường Sĩ quan Pháo binh, được phong thiếu úy và giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Khi Trường Sĩ quan Cao xạ tên lửa thành lập, anh được điều động sang. Tháng 4/1971, anh lại được biệt phái theo đoàn sĩ quan 17 người của Quân chủng Phòng không không quân vào khảo sát cách đánh B52 trên đường mòn Hồ Chí Minh. Ngày 15/5/1972, anh Uy trúng bom bi. Sau 4 ngày hôn mê , anh đã hy sinh”. (Phạm Cường, em trai liệt sĩ, Facebook).
Nhà có 2 anh em liệt sĩ. Gia đình ông Phạm Như Liên, bà Nguyễn Thị Năm có 2 con trai. Liệt sĩ Phạm Như Hạnh (1943-1968) hy sinh lúc 23 tuổi tại cuộc tấn công và nổi dậy Mậu Thân (ảnh bên trái). Liệt sĩ Phạm Như Bảy (1944-1986), em trai của liệt sĩ Phạm Như Hạnh, hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc.
Liệt sĩ Trần Ngọc Dem. Đây là bức ảnh cưới của ông Trần Ngọc Dem và bà Nguyễn Thị Bích, chụp vào tháng 7 (âm lịch) năm 1969 tại Lai Xá. Năm đó, bà Bích 22 tuổi, còn ông Dem 25 tuổi. Bà Bích kể, ông Dem là người Campuchia, 13 tuổi ông ra Bắc theo diện học sinh miền Nam tập kết. Hết lớp 9 ông nhập ngũ. Chúng tôi quen nhau khoảng năm 1967-1968, khi đơn vị ông đóng quân ở Làng Lai Xá. Quen nhau 1 năm là cưới. Ông Dem sau về Campuchia chiến đấu và hy sinh. Bà Bích sang tận Campuchia tìm mộ chồng, nhưng không tìm thấy. Bức ảnh là bảo vật quý giá nhất của bà.
Ảnh 4 mẹ con và cháu gái do một người họ hàng từ Hà Nội về thăm có máy ảnh đã chụp làm kỷ niệm. Ngoài cùng bên trái là liệt sĩ Phạm Ngọc Minh. Anh nhập ngũ năm 1967, hy sinh tại Quảng Trị năm 1968. Ngoài cùng là anh lớn Phạm Ngọc Kinh. Hiện tại gia đình chỉ còn tấm ảnh duy nhất của liệt sĩ Phạm Ngọc Minh. (Theo lời kể của ông Phạm Ngọc Kinh).