20 năm đã qua từ ngày 11/9/2001

Nước Mỹ có hai thế hệ: Thế hệ đã sống qua vụ khủng bố ngày 11/9/2001, và thế hệ lớn lên trong một thế giới được định hình bởi ngày hôm đó.

“Có cuộc sống khác hẳn nhau… ‘sau 11/9’ và ‘trước 11/9’”, bà Trisha Franckowiak, một người dẫn tour tại bảo tàng 11/9 ở New York, ngay cạnh đài tưởng niệm vụ tấn công, nói với Zing.

20 năm sau vụ khủng bố 11/9 ở New York, khoảng đất từng có hai tòa tháp cao nhất thế giới ngự trị giờ là hai bể nước sâu xuống lòng đất - nơi tưởng niệm gần 3.000 người thiệt mạng.

Lúc này, nhìn từ trên cao, hai đài tưởng niệm như những “lỗ thủng” khổng lồ, nổi bật giữa công viên xanh tươi và các tòa tháp kính hiện đại, vốn đại diện cho sự tái thiết của New York. Hai “lỗ thủng” sâu và khó nhìn tận đáy, chỉ thấy một màu đen - thiết kế tượng trưng cho sự vắng bóng, mất mát.

Tại đây, quá khứ không hề qua đi. Vụ tấn công đã chia lịch sử Mỹ và cuộc đời nhiều người làm đôi, trước - sau.

Càng gần đến ngày 11/9 mỗi năm, càng nhiều gia đình mất người thân tới đài tưởng niệm. Không khó phân biệt họ với đám đông khách du lịch đang chụp ảnh. Họ tới thành bể và chạm tay hồi lâu vào tên của người thân được khắc chìm lên đó.

Những cái tên được khắc chìm, như sự thiếu vắng không thể mất đi. Những người viếng thăm để lại hoa, ảnh, kỷ vật, tờ giấy có viết bài thơ.

Ban ngày, có thể nhìn rõ các bông hoa trắng được nhân viên cắm vào một số cái tên - tức người đó sinh nhật vào hôm nay.

Đến tối, khách du lịch đã vãn, nhưng người thân tới nhiều hơn, ngọn nến làm sáng tỏ những khuôn mặt đang cầu nguyện. Đứng tại đây, sự ồn ào của New York tan biến, tất cả bị át đi bởi tiếng thác nước dưới thành bể.

Sáng ngày 11/9 này, như mọi năm, tên của 2.983 người thiệt mạng đúng 20 năm trước sẽ lại được đọc lên tại đài tưởng niệm. Cuộc chiến được mở ra sau vụ khủng bố - chiến tranh Afghanistan - cũng vừa kết thúc.

Trong mọi lời kể lại về sáng ngày 11/9/2001, không một ai là không mô tả một sáng nắng đẹp, trời trong xanh, không một gợn mây. Nhưng buổi sáng đó nhanh chóng trở thành cú sốc lớn đến mức mọi người ở Mỹ đều nhớ như in mình đang ở đâu, làm gì khi nghe tin.

Bà Trisha Franckowiak, khi đó là người buôn chứng khoán, đang ở trong văn phòng tại phố 53 (cách tháp đôi 8 km) và nói chuyện điện thoại với anh bạn làm ở tầng 104 tòa Bắc của tháp đôi Trung tâm Thương Mại Thế giới (WTC).

Còn Huyền Trần, khi đó là sinh viên năm nhất Đại học New York (NYU), đi tàu tới lớp học ở Brooklyn.

Sau 8h, tiếp viên trên chuyến bay American Airlines 11 (từ Boston đi Los Angeles) báo động với hãng rằng có kẻ đã chiếm buồng lái. Kiểm soát không lưu cũng vô tình nghe được giọng của một trong các tên cướp, Mohammed Atta, đang ra lệnh cho các phi công.

Hai chiến đấu cơ được điều động nhằm bám đuổi máy bay bị cướp, nhưng chưa kịp cất cánh thì máy bay đã đâm vào tầng 93-99 tòa tháp Bắc lúc 8h46 - giết chết 65 người trên máy bay và hàng trăm người tại các tầng này.

Cuộc gọi của bà Franckowiak mất tín hiệu. Đó là lần cuối bà được nghe giọng của bạn - họ đã hẹn gặp nhau vào ngày 13/9, và bà Franckowiak đang háo hức chuẩn bị báo tin vui rằng mình mới có bầu.

Chưa đầy 20 phút sau, vào 9h03, máy bay thứ hai đâm vào tầng 75-85 của tòa Tháp Nam. Lúc này, các kênh truyền hình đang quay trực tiếp “vụ nổ” trên tòa tháp đôi lần lượt kết luận nước Mỹ đang bị “tấn công khủng bố”.

Khoảng 10.000-14.000 người trong hai tòa tháp được lệnh sơ tán. Nhưng người ở các tầng trên chỗ máy bay đâm không có cách thoát thân. Có người gọi số khẩn cấp, và được bảo “Chúng tôi đang tới đây”. Có những người phải trèo ra ngoài cửa sổ ở độ cao 90-100 tầng, có lẽ để tránh đám cháy đang tạo nhiệt độ lên tới 1.000 độ C. Có những người đã nhảy xuống.

Bên ngoài, người New York đồng loạt di tản trong sợ hãi ra xa khu vực tháp đôi, lên phía bắc, tìm mọi ngả để ra khỏi thành phố. Không ai liên lạc được với người thân hay đồng nghiệp.

Nhiều người bật khóc khi nhìn cột khói đen, khổng lồ bốc lên từ tòa tháp biểu tượng cao nhất thành phố - là “kim chỉ nam” luôn giúp cư dân nhận biết phương hướng.

Đến 9h59 và 10h28, lần lượt Tháp Nam và Tháp Bắc - vốn mất 10 năm để xây dựng - sụp đổ trong vòng 10 giây, chôn vùi những người còn lại và hàng trăm lính cứu hỏa. Tro bụi bao phủ phía nam Manhattan, lan xa nhiều km.

Lớp học ở Brooklyn của Huyền, sinh viên năm nhất ở NYU, bị hủy khi vừa bắt đầu được hai phút. Mọi người phải sơ tán ra ngoài đường. Không ai về nhà được khi tàu điện ngầm ngừng chạy.

Nhưng chỉ sau 30 phút, cô bắt đầu thấy dòng người từ Manhattan sang tới Brooklyn qua cây cầu Manhattan.

“Họ bị bụi trắng bao phủ, họ ho và khó thở - trông y như những bóng ma”, Huyền nói với Zing. Cô cùng các giáo viên, sinh viên của trường phát nước uống cho những người đổ về, liên tục trong nhiều giờ sau đó.

Bà Franckowiak cũng được lệnh sơ tán, vì không ai biết tòa văn phòng nào sẽ bị tấn công nữa.

“Tôi không quên được hình ảnh một phụ nữ vừa đẩy xe đẩy em bé, vừa cầm điện thoại hét và khóc - tôi luôn tự hỏi có phải cô ta vừa mất chồng hay ai đó không?”, bà kể lại với Zing. Lúc này, nhìn về hướng tháp đôi chỉ còn là đám mây khói bụi khổng lồ.

Lần đầu tiên trong lịch sử, giới chức hàng không ra lệnh hạ cánh hàng nghìn chuyến bay đang qua Mỹ hoặc đến Mỹ.

Nhưng bi kịch chưa chấm dứt khi lần lượt hai máy bay khác đâm xuống Lầu Năm Góc ở Washington, D.C. lúc 9h37 và xuống Shanksville, Pennsyvania lúc 10h07 (sau khi hành khách chống trả nhóm cướp). Toàn bộ người trên các máy bay và 125 nhân viên Lầu Năm Góc thiệt mạng.

Sáu mốc thời gian trên - khi bốn máy bay đâm xuống và khi hai tòa tháp sụp đổ - trở thành 6 lần mặc niệm vào sáng 11/9 mỗi năm. Hầu hết người New York mất đi ai đó họ từng biết vì vụ 11/9.

“Tôi nổi da gà khi xem cảnh trên TV… Tôi thấy cảnh máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp… Tôi cứ thế hét lên”, Sathya, một chuyên viên IT làm việc ở tòa tháp đôi, nói với Zing. “Một người chồng của bạn tôi đi bộ 8 giờ từ cơ quan ở New York để về nhà”.

Vào buổi sáng định mệnh mà máy bay lao đúng tầng làm việc của cô, Sathya bị sốt và đã ở nhà - cơn sốt cứu mạng cô. Cô đề nghị dùng tên ở Mỹ của mình, thay vì tên thật, và giải thích rằng những tin tức gần đây về Taliban giành kiểm soát ở Afghanistan khiến cô bất an.

Cô nhớ tivi đưa tin những cuộc gọi cuối của nạn nhân để nói lời yêu thương hoặc tạm biệt gia đình, hay hình ảnh người bị bỏng khi chạy khỏi tòa tháp.

Một số người đang ở trong thang máy bị bỏng toàn thân do xăng máy bay, một số nhân chứng sau này kể lại.

“Tôi bị sốc và nghĩ mọi chuyện không có thật”, Phan Tâm, khi đó là sinh viên, kể lại lúc nhìn thấy tòa tháp đôi từ thị trấn Edgewater bên kia sông. “Buổi sáng đó, cả thị trấn của tôi gần như im lặng. Mọi người đều ở nhà theo dõi tivi. Thậm chí xe cộ lái chậm lại. Mọi thứ đều chậm lại”.

Đối diện căn hộ của bà Franckowiak khi đó chính là điểm hỗ trợ người thân (vì khu tháp đôi bị phong tỏa). Chiều 11/9/2001, nhiều người đến giơ ảnh của người thân, dán các poster mất tích.

“Nhiều người kêu khóc và hỏi người thân ở đâu. Thực sự rất buồn khi thấy mọi người đau đớn, thương tiếc như vậy”, bà nói. “Tôi mua thêm đồ ăn cho mọi người, và tôi muốn hiến máu, nhưng không cần thiết, vì không có mấy người sống sót”.

Những ngày sau đó là các đám tang liên tiếp. Bà chỉ có thể dự đám tang thứ 7. “Sau đấy tôi không đi nổi nữa, vì rất kinh khủng về tinh thần”, bà nói. “Lẽ ra tôi có thể đi thêm 10-15 đám nữa”.

Tháng 2/2002, bà chuyển chỗ ở mới, gần khu hiện trường hơn, vẫn thấy có khói từ đó.

Huyền, sinh viên năm nhất NYU, không về được nhà cho tới đêm ngày 11/9 năm đó, và lúc xem tivi cô mới thực sự sốc về ngày mình vừa trải qua.

“Tivi chiếu cảnh người nhảy khỏi tòa nhà… như một cơn ác mộng”, cô nói.

Cô cùng một người bạn tham gia tình nguyện trong một tuần sau. Họ đi bộ rất xa để mang nước uống tới các lều hỗ trợ lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ.

“Chúng tôi vừa đi, vừa nghĩ biết đâu vụ tấn công chưa kết thúc và sẽ lại có vụ khác. Tâm lý sắp có chiến tranh”, Huyền nói.

Cha của Huyền còn buồn hơn cô, khi ông tận mắt thấy từ xa giây phút máy bay đâm vào tháp đôi. Là một người nhập cư, ông đặc biệt yêu mến nước Mỹ và tòa tháp đôi. Mỗi khi có người thân từ nước khác tới chơi, ông đều dẫn họ lên đài quan sát trên đó, uống cà phê, chụp ảnh.

Trong trí nhớ của Huyền, tâm lý lo lắng bao trùm lên toàn bộ New York suốt một năm sau. Mọi dấu hiệu lạ trên tàu điện ngầm đều có thể khiến mọi người sợ hãi.

“Tàu điện ngầm cũng có thể bị tấn công, mọi chuyện đều có thể xảy ra”, cô nói. Một lần trên tàu, một người đàn ông lên cơn co giật, ngã vào sau Huyền. Cô quật ngã người đàn ông xuống sàn, vì tưởng đang bị tấn công.

“Thời đó không có nhiều thứ trên Internet hay có Facebook để bạn quên đi, không có smartphone… bạn chỉ có thể xem thời sự. Và mọi kênh đều đưa tin 11/9, ngày lẫn đêm - đó là cuộc sống của bạn trong cả một năm sau đó”, cô nói thêm.

Sathya, chuyên viên IT sống sót vì đã không tới WTC ngày 11/9, không tìm được việc mới trong hai năm sau đó, do kinh tế New York đi xuống.

“Đó là hai năm tồi tệ đối với tôi… 11/9 gây kinh hoàng khi cướp đi sinh mạng, công việc của nhiều người, tàn phá tinh thần của họ”, cô nói.

Câu chuyện sống sót nhờ một cơn sốt của Sathya là một trong nhiều chuyện sống chết chỉ do ngẫu nhiên của ngày 11/9.

Nhiều năm sau 11/9, “nâng cao cảnh giác” là thông điệp ở khắp New York, yêu cầu mọi người nếu thấy đồ đạc không rõ của ai, thì phải báo cảnh sát. Hình ảnh cảnh sát kiểm tra đồ cá nhân hay dắt chó ngửi bom trở nên phổ biến, nhất là ở nơi đông người.

Mối nguy khủng bố vẫn ở trong tiềm thức của cư dân, nhất là khi đã có một số âm mưu bị chặn đứng. Các khối đá lớn được đặt ở mép vỉa hè để phòng nguy cơ xe hơi tấn công người đi bộ.

“Trước 11/9, điều đó không nằm trong đời sống New York. Khi lớn lên, tôi không phải lo nghĩ gì”, Huyền nói. “Còn trong 20 năm qua, luôn thường trực suy nghĩ - ở đây có an toàn không”.

Sau 20 năm, tuần đầu tháng 9 vẫn đầy khó khăn đối với các gia đình mất người thân.

B.M., một phụ nữ mất đi người chồng do 11/9, nói bà luôn dằn vặt vì không biết phải làm gì - hay không nên làm gì - vào ngày này.

“Tôi vẫn khổ tâm về nhiều mặt… trong thời gian này, có lúc tôi không phải cố vượt qua từng ngày, mà cố vượt qua từng giờ”, bà chia sẻ. “Tôi muốn ngày 12/9 đến”.

Tiến sĩ Leo Flanagan, người tổ chức buổi trò chuyện, nói với các gia đình: “PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn) có thể không biến mất, nhưng có thể đó cũng là bình thường… chưa kể đến việc 18 tháng qua chúng ta bị virus hoành hành, luôn trong trạng thái căng thẳng”.

“Tòa tháp có thể xây lại được, nhưng con người thì không thể thay thế… dù có cố gắng ‘xây lại’ đến thế nào”, bà Franckowiak nói. “Tôi đã thấy những gia đình bị hủy hoại vì 11/9, những người phải tìm đến rượu, chất kích thích, thậm chí tự sát”.

Sau 20 năm, đã có một thế hệ thanh niên Mỹ tuy không trải qua 11/9, nhưng lớn lên trong một thế giới được định hình bởi ngày hôm đó.

Một trong những hệ quả lớn nhất lên nước Mỹ là cuộc chiến chống khủng bố. Tổng thống George Bush lập luận rằng phản ứng của Mỹ không thể chỉ là một cuộc trả đũa, mà là chiến dịch toàn cầu.

“Cuộc chiến chống khủng bố của chúng ta sẽ bắt đầu với al-Qaeda, nhưng sẽ không dừng ở đó”, ông phát biểu trước Quốc hội ngày 20/9/2001. “Sẽ không kết thúc cho tới khi tìm ra, ngăn chặn và đánh bại mọi nhóm khủng bố có tầm với toàn cầu”.

Giới chuyên gia cho rằng cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan đã làm suy yếu các nhóm khủng bố, tiêu diệt nhiều thủ lĩnh của al-Qaeda, và ngăn được các vụ tấn công lớn kiểu 11/9.

Nhưng họ cũng chỉ ra sai lầm của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, là cuộc xâm lược Iraq năm 2003 - mà sau này tạo nên bối cảnh để nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), vốn tàn bạo hơn al-Qaeda, lớn mạnh. IS sau này bị quân liên minh do Mỹ dẫn đầu đánh bại.

Mối lo khủng bố cũng khiến giới chức Mỹ theo đuổi các chính sách bị lên án là lạm dụng. Việc giam giữ nghi phạm vô thời hạn và tra tấn, ở các nhà tù tai tiếng như ở vịnh Guantanamo hay ở Abu Ghraib (Iraq) gây tổn hại lâu dài cho uy tín của Washington.

Ngoài ra còn có tranh cãi giữa tự do cá nhân và việc theo dõi, nghe lén với mục tiêu chống khủng bố.

Tháng 8 vừa qua, sau khi Mỹ rút quân, lực lượng Taliban đánh chiếm lại gần như toàn bộ Afghanistan, sau khi quân đội và chính phủ nước này - vốn do Mỹ hậu thuẫn - nhanh chóng tan rã.

Giờ đây, Huyền làm trên tầng 35 trong một tòa tháp, bàn của cô nhìn ra đài tưởng niệm 11/9. Cô thường nghĩ các nạn nhân của hôm đó cũng giống mình bây giờ.

“Với những gì diễn ra ở Afghanistan, mọi người ở New York từng trải qua 11/9 đều sống lại 11/9, đều nghĩ liệu họ có nhắm đến chúng ta nữa không”, Huyền nói.

Sathya, chuyên viên IT sống sót vì đã không tới WTC làm việc, nói rằng dù có gặp những người trải qua 11/9, cô cũng không muốn hỏi gì với họ để tránh gây đau buồn. Cô nói chưa bao giờ tới đài tưởng niệm.

Nhưng đó lại là lý do khiến bà Franckowiak, người buôn chứng khoán, quyết định đăng ký làm tình nguyện viên dẫn tour cho Bảo tàng 11/9, sau nhiều năm quên đi 11/9 để tập trung cho sự nghiệp, con cái.

Khi Bảo tàng 11/9 mới mở cửa vào năm 2014, bà từng nghĩ sẽ không bao giờ đặt chân vào đây, để không sống lại ký ức đau buồn. Sau này, dù đổi ý và muốn trở thành tình nguyện viên, bà vẫn phải đắn đo mất hai ngày trước khi điền đơn.

“Không có nhiều người New York đến đây, và tôi thấy cần phải đóng góp… việc lưu truyền lại những ký ức là rất quan trọng”, bà Franckowiak nói lý do tình nguyện dẫn tour.

“Người ta hay nói ‘mỗi người đều chết hai lần - khi họ trút hơi thở cuối cùng và khi tên của họ không được nhắc đến nữa”, bà nói.

Đối với những đứa trẻ sinh ra sau 11/9/2001, hoặc quá nhỏ để hiểu sự rúng động của nó, tháng 9 năm nay hẳn sẽ là năm học mới, dịch bệnh, hoặc tình hình Afghanistan. Nhưng nước Mỹ cuối cùng đã rút khỏi Afghanistan, có thể một kỷ nguyên nữa cũng vừa kết thúc.

Trọng Thuấn - Thảo Hương

Đồ họa: Như Ý

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/20-nam-da-qua-tu-ngay-1192001-post1261268.html