Hành tinh nào giống trái đất nhất: Xuất hiện 2 hành tinh rất gần và có thể ở được

Nhờ sự tiến bộ của công nghệ kính thiên văn mà ngày càng nhiều hành tinh giống với Trái đất được phát hiện.

Trái Đất còn được biết tên với tên gọi "hành tinh xanh", là mái nhà của hàng triệu loài sinh vật, trong đó có con người. Cho đến nay, Trái Đất vẫn là nơi duy nhất trong vũ trụ được biết đến là có sự sống.

Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm những hành tinh gần giống với Trái Đất để làm nơi thay thế trong tương lai.

Nhờ các kỹ thuật săn lùng hành tinh tiên tiến, chúng ta đã định vị được hàng ngàn ứng cử viên bên ngoài Hệ Mặt Trời. Đa số chúng là những hành tinh quay quanh các ngôi sao giống như Mặt Trời - được gọi là ngoại hành tinh.

Phát hiện 2 hành tinh giống Trái Đất, rất gần và có thể ở được

Ảnh đồ họa mô tả hai "bản sao Trái Đất" vừa được phát hiện - Ảnh: IAC

Ảnh đồ họa mô tả hai "bản sao Trái Đất" vừa được phát hiện - Ảnh: IAC

Theo Sci-News, các cuộc khảo sát dựa trên vận tốc xuyên tâm và sự quá cảnh hành tinh đã tìm ra hơn 5.000 ngoại hành tinh, trong đó có những cái giống Trái Đất và ở rất xa xôi.

Thế nhưng, ở một thế giới cách chúng ta chỉ 16 năm ánh sáng - xung quanh ngôi sao lùn đỏ ánh sáng yếu Gliese 1002 thuộc chòm sao Kình Ngư - là một không gian khá tối nên các biện pháp nói trên kém hiệu quả.

Trong cuộc khảo sát mới dẫn đầu bởi Tiến sĩ Alejandro Súarez Mascarenõ từ Viện Vật lý thiên văn Canarias (IAC - Tây Ban Nha), hai thiết bị tối tân là máy quang phổ ESPRESSO và CARMENES, lần lượt đặt tại hai đài thiên văn Canarias và Calar Alto của Tây Ban Nha đã nỗ lực khai phá vùng tối quanh ngôi sao lùn đỏ ấy.

Họ tập trung vào khu vực gần ngôi sao, bởi sao lùn đỏ là loại sao mát hơn Mặt Trời rất nhiều, nên vùng sự sống Goldilocks cũng được kéo gần lại về phía sao mẹ.

Kết quả hết sức bất ngờ: Họ tìm được không chỉ một mà là 2 hành tinh, lần lượt được đặt lên là Gliese 1002b và Gliese 1002c, nằm bình yên trong vùng sự sống này.

Không chỉ vậy, đó là những hành tinh cùng loại với Trái Đất, kích thước chỉ xê xích một chút, nặng hơn địa cầu lần lượt 1,08 và 1,36 lần.

Đối chiếu các dữ liệu khác, các nhà khoa học chỉ ra rằng khí hậu trên các hành tinh này là khí hậu ôn đới, tức hoàn toàn có thể ở được và có khả năng sự sống tồn tại trên đó!

Cũng có một lý thuyết phản bác lại khả năng sinh sống của các hành tinh này đó là sao lùn đỏ thường có bức xạ cao, sẽ gây khó khăn cho sinh vật. Tuy nhiên cũng có nhiều bằng chứng chỉ ra các dạng sống chịu được bức xạ hoặc trốn tránh bức xạ - ví dụ sống trong các túi nước ngầm hay dưới lòng đất, như nhiều sinh vật cực đoan của Trái Đất.

Các nhà thiên văn hy vọng vào một số thiết bị đang được chế tạo cho tương lai như máy quang phổ ANDES hay sứ mệnh LIFE mà các nhà khoa học châu Âu đang nỗ lực cho ngày ra mắt.

Gliese 667Cc

Hình ảnh so sánh giữa Gliese 667Cc và Trái đất. Ảnh chụp màn hình

Hình ảnh so sánh giữa Gliese 667Cc và Trái đất. Ảnh chụp màn hình

Hành tinh này nằm cách Trái đất chỉ 22 năm ánh sáng, nặng gấp ít nhất 4,5 lần Trái đất, và các nhà nghiên cứu không chắc liệu nó có cấu tạo từ đá hay không.

Gliese 667Cc hoàn thành một quỹ đạo quanh ngôi sao mẹ của nó chỉ trong vòng 28 ngày, nhưng do đó là một ngôi sao lùn đỏ mát hơn nhiều so với Mặt trời, hành tinh này vẫn được cho là nằm trong vùng có thể có sự sống. Tuy nhiên, quỹ đạo của hành tinh này lại ở gần ngôi sao mẹ đến mức nó có nguy cơ bị đốt cháy bất cứ lúc nào.

Kepler-69c

Hành tinh Kepler-69c. Ảnh: NASA

Hành tinh Kepler-69c. Ảnh: NASA

Kepler-69c nằm cách chúng ta khoảng 2.700 năm ánh sáng, lớn hơn Trái đất khoảng 70%. Vì vậy, các nhà nghiên cứu không chắc chắn về thành phần cấu tạo của nó là đá hay ở dạng khí.

Một vòng quỹ đạo của hành tinh này kéo dài 242 ngày, khiến vị trí trong hệ sao của nó giống với vị trí của sao Kim trong hệ Mặt trời của chúng ta. Tuy nhiên, ngôi sao mẹ của Kepler-69c chỉ phát sáng bằng khoảng 80% so với Mặt trời, vì vậy hành tinh này dường như vẫn nằm trong vùng có thể có sự sống.

Kepler-62f

Hành tinh Kepler-62f. Ảnh: NASA

Hành tinh Kepler-62f. Ảnh: NASA

Kepler-62f nằm cách Trái đất khoảng 1.200 năm ánh sáng. Hành tinh này lớn hơn Trái đất khoảng 40% và quay quanh một ngôi sao mát hơn nhiều so với Mặt trời của chúng ta. Tuy nhiên, quỹ đạo dài 267 ngày của nó đặt Kepler-62f nằm trong vùng có thể sinh sống được.

Kepler-186f

Hình ảnh so sánh Kepler-186f và Trái đất. Ảnh: NASA

Hình ảnh so sánh Kepler-186f và Trái đất. Ảnh: NASA

Hành tinh này lớn hơn Trái đất khoảng 10%, và nó dường như cũng nằm trong vùng có thể sinh sống được trong hệ sao của nó, dù nằm ở rìa ngoài cùng. Ngôi sao mẹ của Kepler-186f, một ngôi sao lùn đỏ, chỉ cung cấp cho nó khoảng một phần ba năng lượng mà Trái đất nhận được từ Mặt trời. Hành tinh này nằm cách Trái đất khoảng 500 năm ánh sáng.

Kepler-452b

Hình minh họa hành tinh Kepler-452b của NASA. Ảnh: NASA

Hình minh họa hành tinh Kepler-452b của NASA. Ảnh: NASA

Các quan chức NASA cho biết đây là hành tinh giống Trái đất nhất từng được tìm thấy cho đến nay. Hành tinh này quay xung quanh một ngôi sao rất giống với Mặt trời của chúng ta, ở một khoảng cách đủ để có thể hỗ trợ sự sống. Với kích thước gấp 1,6 lần Trái đất, Kepler-452b có cấu tạo từ đá, là "cơ hội lớn" để sự sống có thể tồn tại trên hành tinh này.

Top 10 chung cư tại Hà Nội được quan tâm nhiều nhất nửa đầu năm 2024

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/hanh-tinh-nao-giong-trai-dat-nhat-xuat-hien-2-hanh-tinh-rat-gan-va-co-the-o-duoc-17224061008382027.htm