20 năm đồng hành với tài năng trẻ lĩnh vực công nghệ thông tin
Năm 2003, 'Giải thưởng Công nghệ thông tin thanh niên mang tên Quả cầu vàng' ra đời với ý nghĩa đặc biệt: không có lĩnh vực hay nơi nào trên thế giới thiếu đi sự hiện diện của công nghệ thông tin. 20 năm qua, Giải thưởng đã tìm kiếm, tôn vinh 204 tài năng trẻ, góp phần thiết thực vào bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Theo TS Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng: Vào những năm 90 của thế kỷ 20, Đảng, Nhà nước ta đưa ra chủ trương về phát triển nền kinh tế tri thức ở Việt Nam, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 49/CP ngày 4/8/1993 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta.
Khởi động tìm kiếm tài năng trẻ lĩnh vực công nghệ thông tin
Năm 2003, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng Đề án "Giải thưởng Công nghệ thông tin thanh niên mang tên Quả cầu vàng” nhằm tôn vinh các tài năng trẻ tiêu biểu của đất nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lấy tên là Giải thưởng Công nghệ thông tin thanh niên mang tên Quả cầu vàng (sau này là Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng).
Chỉ sau thời gian ngắn, Giải thưởng đã góp phần đẩy mạnh phong trào học tập, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh thiếu niên, đồng thời truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên sau này.
Nhiều cá nhân sau khi giành Giải thưởng trong giai đoạn 2003-2010 đã có sự trưởng thành, phát triển, được giao trọng trách tại các bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, tiêu biểu có thể kể đến PGS, TS Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ (giành Giải thưởng năm 2006); TS Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông (năm 2010); PGS, TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (năm 2007); TS Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng (năm 2004)...
Bước sang giai đoạn 2011-2015, trước thực tiễn phát triển mạnh mẽ và vai trò quan trọng của các lĩnh vực khoa học công nghệ khác, từ sự gợi ý của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Giải thưởng Khoa học kỹ thuật thanh niên Quả cầu vàng được triển khai theo quy chế mới với việc mở rộng thêm các lĩnh vực xét chọn: Công nghệ thông tin và truyền thông; Công nghệ y - dược; Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường.
Để tiếp tục mở rộng các lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên và đề cao tính ứng dụng của những công trình nghiên cứu, sản phẩm khoa học công nghệ được áp dụng trong thực tiễn cuộc sống, đồng thời phát hiện thêm các cá nhân vừa là nhà khoa học công nghệ, vừa là lãnh đạo chủ chốt của các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ, năm 2016, Giải thưởng Khoa học kỹ thuật thanh niên mang tên Quả cầu vàng chính thức đổi tên thành Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng.
Chính vì vậy, giai đoạn 2016-2020, hàng loạt cá nhân giành Giải thưởng đã nhanh chóng trở thành các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học tiêu biểu ở không chỉ các trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu, cơ quan, bộ, ngành hay tỉnh, thành phố trên cả nước, mà còn đóng góp nhiều công trình khoa học uy tín, công bố ở quy mô quốc tế, thiết thực nâng cao vị thế khoa học VIệt Nam trên thế giới.
Không ngừng đổi mới
Từ năm 2021 đến nay, Giải thưởng tiếp tục mở rộng quy mô xét chọn ra 5 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; Công nghệ y - dược; Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường; Công nghệ vật liệu mới.
Đồng thời, tập trung hơn vào phát hiện, tôn vinh các nhà khoa học trẻ xuất sắc với nhiều công trình khoa học công bố quốc tế xuất sắc, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học trên trường quốc tế.
Cùng với đó, trên cơ sở bổ sung, sửa đổi quy chế Giải thưởng, cách thức kê khai đăng ký trên hệ thống trực tuyến đã được cụ thể hóa chi tiết, khoa học, nhất là những thông tin, hạng mục về thành tích khoa học công nghệ của ứng viên... đã góp phần tăng cường tính chính xác, minh bạch và hệ thống hóa việc đăng ký hồ sơ xét chọn Giải thưởng.
Đặc biệt, từ năm 2021, tiêu chí xét chọn của từng lĩnh vực được lượng hóa chi tiết, dễ kiểm chứng, đề cao các phát minh, sáng chế, sản phẩm khoa học công nghệ cũng như tính ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, vừa hướng đến bảo đảm các chuẩn quốc tế về khoa học công nghệ, vừa đánh giá toàn diện hơn người làm khoa học cả về thành tích và đóng góp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, tinh thần cống hiến cho xã hội.
Thống kê của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho biết: sau 20 năm, Giải thưởng đã vinh danh tổng cộng 204 cá nhân xuất sắc.
Trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa là nhiều nhất với 109 tài năng trẻ. Xếp sau đó lần lượt là các lĩnh vực y-dược, môi trường, sinh học và vật liệu mới.
Xét về đơn vị công tác, các tài năng trẻ từng giành Giải thưởng làm việc nhiều nhất ở cơ quan Nhà nước (125 cá nhân), sau đó là trường đại học (86 cá nhân), viện nghiên cứu (24 cá nhân) và ít nhất là trong doanh nghiệp (23 cá nhân). Xét về nơi công tác, các tài năng trẻ Quả cầu vàng làm việc trong nước chiếm phần đông với 185 trường hợp.
Tìm kiếm hướng đi bền vững
Bên cạnh những thành công đã đạt được, Giải thưởng đã bộc lộ một số hạn chế trong công tác tổ chức.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Tài năng trẻ (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), việc nắm bắt thông tin, kết nối, phát huy các thế hệ tài năng trẻ giành Giải thưởng gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu.
Trong đó, các thế hệ Quả cầu vàng giai đoạn đầu (từ năm 2003 đến 2010) là đặc biệt khó kết nối do thời điểm đó internet, điện thoại chưa phổ biến.
Ngoài ra, từ lâu nay, nguồn lực tài chính để mở rộng, nâng tầm Giải thưởng cũng gặp không ít khó khăn, nhất là công tác xã hội hóa nguồn lực phục vụ triển khai Giải thưởng.
Tại Tọa đàm "20 năm Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng - Hình thành, phát triển và lan tỏa", do Trung ương Đoàn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức chiều 26/10 tại Hà Nội, đại biểu Quả cầu vàng các thời kỳ đã đóng góp nhiều ý kiến tìm kiếm hướng đi bền vững cho Giải thưởng nói riêng, tham gia tạo môi trường phát triển nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, kết nối, và phát huy trí tuệ, trách nhiệm các thế hệ tài năng trẻ khoa học Việt Nam trong và ngoài nước nói chung.
Theo đó, các giải pháp tập trung vào 4 mũi nhọn: Hỗ trợ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu và mạng lưới các tài năng trẻ khoa học công nghệ; Hỗ trợ các tài năng trẻ khoa học công nghệ; Tăng cường cơ hội giao lưu, hợp tác quốc tế cho các tài năng trẻ khoa học công nghệ; Tạo môi trường phát huy các tài năng trẻ khoa học công nghệ.
TS Phạm Huy Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe thông minh (Đại học VinUni) cho rằng, cần tạo thêm diễn đàn để các nhà khoa trẻ Việt Nam trên khắp thế giới với các mối quan tâm chung có thể tiếp xúc, kết nối và hợp tác để thử nghiệm những ý tưởng mới.
Cùng với đó, cần xem xét thiết lập mạng lưới các nhà khoa học trẻ của từng chuyên ngành và liên ngành nhằm chia sẻ và hợp tác trong nghiên cứu, từ đây hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh để đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng các trung tâm khoa học xuất sắc, có khả năng sản sinh ra các tri thức và giá trị mới để dẫn dắt sự phát triển của xã hội.