20 năm lời hứa 'rút quân khỏi Afghanistan' của các đời tổng thống Mỹ
Quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Biden không chỉ hiện thực hóa cam kết tranh cử của ông mà còn giúp những người tiền nhiệm thực hiện lời hứa bỏ dở của họ.
Sau gần hai thập kỷ, Tổng thống Biden hôm 14/4 thông báo điều mà không ai trong số ba người tiền nhiệm của ông làm được: Rút toàn bộ binh sỹ Mỹ khỏi Afghanistan.
Quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến kéo dài 20 năm ở quốc gia Tây Á khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Bush tham chiến ở Afghanistan
Vài ngày sau vụ khủng bố đẫm máu 11/9, Tổng thống George W. Bush tuyên bố khởi động một “cuộc chiến chống khủng bố” nhắm vào al Qaeda và Osama bin Laden ở Afghanistan. Tuyên bố này mở ra cuộc chiến kéo dài và gây tốn kém bậc nhất trong lịch sử Mỹ.
"Chúng ta không mong muốn sứ mệnh này, nhưng chúng ta sẽ hoàn tất nó", ông Bush tuyên bố ngày 7/10/2001 khi ra lệnh tiến hành đợt không kích đầu tiên trên lãnh thổ đất nước Tây Á.
Mục tiêu ban đầu của Mỹ nhanh chóng đạt được sau 6 tháng. Các thủ lĩnh của al-Qaeda bị tiêu diệt, bị bắt giữ hoặc phải tháo chạy khỏi Afghanistan.
Nhưng thay vì tuyên bố kết thúc chiến tranh, Bush vẽ thêm sứ mệnh mới cho cuộc chiến là giúp đồng minh tại Afghanistan xây dựng một quốc gia hiện đại với một nền dân chủ ổn định.
Khi công bố về mục tiêu đó, nhà lãnh đạo Mỹ không hề đề cập tới thời gian quân đội Mỹ lưu lại Afghanistan. Ông chỉ nói rằng họ sẽ ở lại tới khi hoàn thành nhiệm vụ.
Khi Obama lên nắm quyền năm 2009, al-Qaeda biến mất khỏi Afghanistan nhưng Taliban quay trở lại. Chính quyền Obama quyết định xé bỏ chiến lược của người tiền nhiệm, phê chuẩn một kế hoạch hoàn toàn đối lập - một chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn, được hỗ trợ bởi 150.000 binh sỹ Mỹ và NATO.
Xuyên suốt nhiệm kỳ, chính quyền Obama lên kế hoạch đào tạo 352.000 binh sỹ và cảnh sát bán quân sự trong lực lượng an ninh Afghanistan để giúp họ đánh bại Taliban dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.
Trái ngược với ông Bush, ông Obama đặt ra thời hạn nghiêm ngặt và cam kết sẽ đưa tất cả các binh sỹ Mỹ về nước vào cuối nhiệm kỳ tổng thống.
Nhưng sau đó ông lật lại lời hứa này, giữ lại 8.400 binh sỹ ở lại với lý do lực lượng an ninh Afghanistan không đủ mạnh để chống lại các cuộc tấn công của Taliban.
Tới thời điểm Trump nhậm chức, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn. Taliban phát triển mạnh hơn trong 8 năm Obama cầm quyền, chiêu mộ được thêm 60.000 tay súng. Trong khi đó, quân đội Afghanistan hứng chịu nhiều tổn thất đến nỗi chính phủ Kabul phải giữ bí mật về con số thương vong để tránh làm mất tinh thần chiến đấu của binh sỹ.
Tháng 8/2017, Trump công bố kế hoạch cho cuộc chiến mới ở vũng lầy Mỹ sa chân trong gần hai thập kỷ. Trong bài phát biểu tại căn cứ Fort Myer, ông cam kết chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 16 năm tại Afghanistan, đồng thời giúp Mỹ giành lại thắng lợi một cách toàn diện.
“Quân đội của chúng ta sẽ chiến đấu để giành chiến thắng", ông nhấn mạnh.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Trump tăng quân số của Mỹ tại Afghanistan lên 14.000. Đi kèm với đó là số lượng kỷ lục các trận không kích.
Nhưng những gì mà Trump làm chỉ là cố khiến Taliban suy yếu để tìm kiếm đòn bẩy chính trị cho các cuộc đàm phán hòa bình. Tới tháng 2/2020, Washington đạt được một thỏa thuận với Taliban, mở đường cho tiến trình rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi quốc gia Tây Á.
Tới tháng 7 năm đó, Mỹ hoàn thành giai đoạn đầu trong thỏa thuận rút quân, theo đó giảm xuống còn 8.600 binh sĩ trong vòng 135 ngày.
Trong những tháng cuối nhiệm kỳ, Trump ra lệnh cắt giảm quân số Mỹ tại Afghanistan xuống mức thấp nhất trong gần hai thập niên kể từ khi Washington đưa quân vào chiến trường này. Tới giữa tháng 1/2021, quân số của Mỹ chỉ tại Afghanistan chỉ còn 2.500.
Quyết định này đưa Trump tiến gần hơn tới cam kết khi tranh cử của ông là chấm dứt cuộc chiến “bất tận” của Mỹ ở nước ngoài. Đồng thời theo các chuyên gia, chiến lược rút quân và tránh can thiệp ở nước ngoài có thể giúp Trump ghi điểm với người dân Mỹ trước thềm cuộc bầu cử.
Tiếc rằng chừng đó không đủ thuyết phục người dân Mỹ giữ ông tại vị.
Biden kết thúc
Ngày 14/4, Tổng thống Biden giúp người tiền nhiệm của mình hoàn thành lời hứa còn dang dở. Từ Nhà Trắng, ông thừa nhận các mục tiêu của Mỹ ở Afghanistan ngày càng trở nên "không rõ ràng" và đặt thời hạn rút toàn bộ 2.500 binh sĩ Mỹ còn lại ở Afghanistan vào ngày 11/ 9.
“Quân đội Mỹ không nên được sử dụng như một quân bài thương lượng giữa các bên tham chiến ở các quốc gia khác. Điều đó không khác gì một công thức để giữ quân đội Mỹ ở Afghanistan vô thời hạn”, ông Biden nói.
Theo các quan chức cấp cao trong chính quyền, quyết định rút quân được ông Biden đưa ra sau nhiều tháng nhóm họp với các quan chức an ninh và quân đội trong chính quyền.
Bất chấp những lo ngại của các quan chức về an ninh của các nhà ngoại giao Mỹ tại Afghanistan cũng như khả năng Taliban trỗi dậy mạnh mẽ khi quân đội Mỹ rời đi, ông Biden vẫn giữ nguyên quan điểm và thực hiện lời hứa với cử tri là chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ.
Một số nguồn thạo tin khẳng định sau một chiến dịch quân sự kéo dài 20 năm tiêu tốn một núi tiền bạc, ông Biden cho rằng việc đổ thêm thời gian và giữ lại lính Mỹ ở Afghanistan sẽ không mang lại lợi ích.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhìn thấy rõ thất bại của hai người tiền nhiệm trong nỗ lực kết thúc cuộc xung đột ở quốc gia Tây Á và tin rằng việc kéo dài cuộc chiến sẽ không giúp được gì trong việc giải quyết các vấn đề của Afghanistan.