20 năm - một chặng đường đào tạo sau đại học của Học viện Biên phòng

Trước yêu cầu đặt ra ngày càng cao của nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng BĐBP, đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ, ngày 17-5-2000, Học viện Biên phòng được giao nhiệm vụ đào tạo cao học theo Quyết định số 1973/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với 3 chuyên ngành: Quản lý biên giới, Quản lý cửa khẩu và Trinh sát biên phòng và ngày 1-12-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2006/QĐ-TTg về giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ cho Học viện Biên phòng và ngày 21-12-2009, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 8895/QĐ-BGDĐT về việc giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ cho Học viện Biên phòng, chuyên ngành Quản lý biên giới.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp, Giám đốc Học viện Biên phòng chủ trì Hội thảo điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo các đối tượng năm 2020. Ảnh: Hà Long

Thiếu tướng, Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp, Giám đốc Học viện Biên phòng chủ trì Hội thảo điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo các đối tượng năm 2020. Ảnh: Hà Long

Đến nay, sau 20 năm đào tạo trình độ thạc sĩ, 10 năm đào tạo trình độ tiến sĩ, Học viện Biên phòng đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức chuyên sâu cho BĐBP, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Với sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, giảng viên, Học viện Biên phòng đã được giao nhiệm vụ đào tạo cao học theo Quyết định số 1973/QĐ BGDĐT ngày 17-5-2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm ba chuyên ngành: Quản lý biên giới, Quản lý cửa khẩu và Trinh sát biên phòng. Sau 10 năm đào tạo cao học, Học viện Biên phòng đã tích cực chuẩn bị cơ sở, vật chất, giáo trình, tài liệu, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, những nhà khoa học đủ điều kiện để đào tạo trình độ tiến sĩ. Ngày 1-12-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2006/QĐ-TTg về giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ cho Học viện Biên phòng; ngày 21-12-2009, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 8895/QĐ-BGDĐT về việc giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ cho Học viện Biên phòng, chuyên ngành Quản lý biên giới; từ năm học 2010-2011, Học viện Biên phòng bắt đầu tuyển sinh Khóa 1, đào tạo trình độ tiến sĩ.

Trải qua 20 năm đào tạo trình độ thạc sĩ, 10 năm đào tạo trình độ tiến sĩ; đến nay, Học viện Biên phòng đã đào tạo 20 khóa cao học với 461 học viên tốt nghiệp, 42 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án cấp học viện và được công nhận học vị tiến sĩ. Các đồng chí thạc sĩ, tiến sĩ sau khi tốt nghiệp đã vận dụng tốt lý luận vào thực tiễn công tác; nhiều đồng chí đã phát triển giữ cương vị chủ chốt của các đơn vị trong BĐBP; xứng đáng là những cán bộ nòng cốt trong công tác nghiên cứu khoa học và lãnh đạo, chỉ huy trong các đơn vị.

Để đánh giá những kết quả đã đạt được, đúc rút kinh nghiệm, chỉ ra những hạn chế, tồn tại; đồng thời, đề ra phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học những năm tiếp theo; được sự đồng ý của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, Học viện Biên phòng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm đào tạo sau đại học. Hội nghị đã tập trung đánh giá một cách toàn diện, từ công tác tạo nguồn, tuyển sinh, xét tuyển; xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn; nội dung, chương trình đào tạo đến tổ chức giảng dạy, đánh giá luận văn, luận án; quản lý, rèn luyện học viên, nghiên cứu sinh.

Kết quả 20 năm đào tạo sau đại học của Học viện Biên phòng một lần nữa khẳng định sự phát triển, trưởng thành về mọi mặt của Học viện; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức chuyên sâu về công tác biên phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Để ghi nhận những thành tích của các tập thể và cá nhân có những đóng góp to lớn trong 20 năm đào tạo thạc sĩ, 10 năm đào tạo tiến sĩ; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng Bằng khen cho tập thể Học viện Biên phòng và 4 cá nhân; Bộ Tư lệnh BĐBP đã tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 11 cá nhân; Học viện Biên phòng đã tặng Giấy khen cho 5 tập thể và 2 cá nhân.

Những thành tích trên của Học viện Biên phòng đạt được là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam và trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP. Công tác xây dựng, bổ sung và ban hành các văn bản quy chế, quy định đào tạo sau đại học; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, khoa giáo viên quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Học viện luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm tốt công tác bồi dưỡng tạo nguồn, tổ chức thi tuyển sinh sau đại học nghiêm túc, đúng quy chế. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài lực lượng để trao đổi kinh nghiệm tổ chức, quản lý đào tạo; nhất là các tỉnh (thành) biên giới, hải đảo; thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, hiện đại, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo và tình hình, nhiệm vụ công tác biên phòng trên các tuyến biên giới, vùng biển.

Từ thực tiễn, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội và BĐBP đang đặt ra những vấn đề lý luận và thực tiễn mới. Vì vậy, Học viện Biên phòng tiếp tục thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương về đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo trong Quân đội. Nghiên cứu đổi mới, bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo sau đại học theo hướng tăng kiến thức thực tiễn và kiến thức chỉ huy tham mưu cho các chuyên ngành; chủ động đổi mới phương pháp tổ chức đào tạo sau đại học.

Chú trọng bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng; trong đó, đẩy mạnh bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đảm bảo có đủ tiêu chuẩn chức danh: Giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư. Đồng thời, bảo đảm giảng viên tham gia giảng dạy sau đại học có đủ điều kiện về trình độ học vấn theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học về những vấn đề mới đã và đang đặt ra trên các tuyến biên giới, vùng biển; nhất là công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong giai đoạn hội nhập và những tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác biên soạn, nâng cấp giáo trình, tài liệu, sách chuyên khảo; coi trọng tổng kết thực tiễn; đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tổ chức, đào tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo sau đại học.

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng trong tình hình mới, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao là vấn đề chiến lược, là đòi hỏi khách quan, cấp thiết. Mỗi cán bộ, giảng viên Học viện Biên phòng tiếp tục phấn đấu với nỗ lực quyết tâm cao nhất; góp phần xây dựng Học viện Biên phòng thực sự là “cái nôi” đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, có kiến thức chuyên sâu về công tác biên phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình tình mới.

Tiến sĩ Hà Văn Long

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/20-nam-mot-chang-duong-dao-tao-sau-dai-hoc-cua-hoc-vien-bien-phong-post435432.html