20 năm sáng kiến Geneva: Chỉ còn mang giá trị tinh thần

Tháng 10/2003, Sáng kiến Geneva được ký kết, là kết quả của 2 năm rưỡi đàm phán bí mật giữa cựu Bộ trưởng Tư pháp Israel Yossi Beilin và cựu Bộ trưởng Thông tin Palestine Yasser Abed Rabbo.

Không có sự đồng tình chính thức của chính phủ (khi Israel thẳng thừng bác bỏ, còn Chủ tịch Palestine Yasser Arafat không công khai ủng hộ dù phái cố vấn an ninh cao cấp tới tham dự buổi lễ ở Geneva) nhưng ít nhiều sáng kiến này cũng đã giúp phác họa một bức tranh rõ ràng về một thỏa thuận hòa bình toàn diện, cơ hội đưa cuộc xung đột ở Trung Đông đến hồi kết hòa bình. Tuy nhiên, con đường đưa đến sáng kiến không bằng phẳng và cả lộ trình hiện thực giấc mơ của những người yêu chuộng hòa bình cũng chung số phận ấy.

Anwar Sadat, Jimmy Carter và Menachem Begin tại Nhà Trắng sau khi ký Hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel, năm 1979.

Anwar Sadat, Jimmy Carter và Menachem Begin tại Nhà Trắng sau khi ký Hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel, năm 1979.

Đường đến Sáng kiến Geneva

Sáng kiến Geneva thực tế được thúc đẩy ngay sau khi kết thúc các cuộc đàm phán ở Taba năm 2001 - sự kiện được đánh giá là đã đạt được một số tiến bộ, nhất là về vấn đề người tị nạn, nhưng vì cuộc bầu cử ở Israel thời điểm đó, hai nhà lãnh đạo Barak và Arafat không có mặt và đàm phán không tiếp tục diễn ra sau khi Barak thất bại trong cuộc bầu cử. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Yossi Beilin và Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Abed Rabbo tiến hành theo Kênh 2 (kênh ngoại giao không chính thức), với mục tiêu đánh giá liệu có khả thi hay không việc đạt được một thỏa thuận chi tiết về tình trạng cuối cùng.

Các nỗ lực này từng nhận được nhiều sự khích lệ mạnh mẽ nhưng cũng lắm gập ghềnh. Năm 2002, Thái tử Saudi Arabia Abdullah bin Abdulaziz đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab một sáng kiến hòa bình, kêu gọi chấm dứt xung đột Palestine-Israel, Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ và thành lập một nhà nước Palestine với thủ đô ở Đông Jerusalem. Đổi lại, tất cả các quốc gia Arab sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel. Sáng kiến được các thành viên của Liên đoàn Arab thông qua và trở thành Sáng kiến Hòa bình Arab, với sự ủng hộ của cả các thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo.

Cùng trong năm này, Tổng thống Mỹ George Bush công bố Lộ trình vì Hòa bình dựa trên giải pháp hai nhà nước, thúc đẩy sự công nhận lẫn nhau của hai dân tộc về một nhà nước, đóng băng hoạt động xây dựng khu định cư và chấm dứt chiến dịch chiếm đóng bắt đầu từ năm 1967. Chính quyền Palestine ủng hộ mạnh mẽ đề xuất, song Israel lại nêu tới 14 kiến nghị bác bỏ.

Khó khăn ở chỗ khi đó Israel muốn thâu tóm Gaza và các vùng xa xôi của Bờ Tây; trong khi Palestine đòi hỏi điều kiện tiên quyết là việc xóa sổ toàn bộ các khu định cư của Israel, quay trở lại biên giới trước năm 1967 và trao quyền hồi hương không giới hạn cho những người tị nạn từ năm 1948 và sau cuộc chiến năm 1967.

Thực tế Sáng kiến Geneva được nhìn nhận như giải pháp thay thế cho lộ trình "Bốn bên" mà Mỹ, EU, Liên hợp quốc và Nga vạch ra. Kế hoạch "Bốn bên" khi đó được cho là đã quá lạc hậu trong khi các cuộc tấn công bạo lực liên tục của các nhóm khủng bố người Palestine và sự trả đũa ngày càng gay gắt từ Israel khiến tình hình ngày càng nóng. Thêm vào đó, nhiều nhà quan sát cho rằng với sự ngầm chấp thuận rõ ràng từ chính quyền Bush, Thủ tướng Israel Ariel Sharon khi đó tỏ ra khá quyết đoán với việc xây dựng, củng cố các khu định cư và thậm chí là bức tường ngăn cách. Nhiều người chỉ trích lập trường ủng hộ những chính sách này của Mỹ là điều tồi tệ đối với cả những người Israel mong muốn hòa bình, chứ chưa nói đến người Palestine. Những cơn gió ngược, cùng việc thiếu nỗ lực thực sự rõ ràng để giải quyết vấn đề Palestine là nguồn gốc chủ yếu của tình cảm chống Mỹ trên khắp Trung Đông và cũng là thứ ươm mầm cho các hoạt động khủng bố. Trong 2 năm đàm phán, các chuyên gia hàng đầu và nhân vật nhiều ảnh hưởng từ cả hai bên - bao gồm các bộ trưởng, thành viên quốc hội, cựu quan chức an ninh cấp cao, thị trưởng, học giả... - đã làm việc rất tích cực. Hai bên đã kiến nghị và đề xuất những nhượng bộ mang tính xây dựng nhưng không mâu thuẫn với các khái niệm hay chi tiết được đề ra trong Hiệp định Oslo năm 1993, cũng như các đề xuất của ông Clinton và thậm chí là cả lộ trình "Bốn bên".

Cuối cùng, một tài liệu chi tiết đã thành hình, bao gồm các giải pháp đầy đủ cho tất cả các vấn đề khúc mắc nhiều năm, bao gồm cả sự công nhận lẫn nhau về quyền của 2 quốc gia đối với một quốc gia độc lập, thành lập một nhà nước Palestine phi quân sự, duy trì các khu định cư lớn. thuộc chủ quyền của Israel, hai thủ đô ở Jerusalem, dàn xếp toàn diện để giải quyết vấn đề người tị nạn, tuyên bố chấm dứt xung đột và chấm dứt mọi yêu sách.

Kỳ vọng lớn

Toàn văn Sáng kiến Geneva dài khoảng 50 trang không kể các phụ lục và các nội dung chưa được công bố.

Theo sáng kiến, mục tiêu xác lập một Nhà nước Palestine phi quân sự hóa, nhưng vẫn có sự hiện diện của một lực lượng an ninh đảm bảo trật tự, ngăn chặn khủng bố và bảo vệ biên giới.

Về lãnh thổ, Nhà nước Palestine sẽ được thành lập trong phạm vi biên giới tính tới ngày 4/6/1967, bao phủ toàn bộ Dải Gaza và 97,5% Bờ Tây. Phần 2,5% còn lại sẽ được Israel sáp nhập để tập hợp các khu định cư Do Thái lớn nhất ở vùng lân cận Jerusalem, bao gồm các khu định cư Gush Etzion xa hơn về phía Nam. Các khu định cư Ariel, Efrat và Har Homa sẽ được sáp nhập vào Nhà nước Palestine. Israel sẽ bàn giao cho Palestine một lượng lãnh thổ tương đương để mở rộng Dải Gaza. Một hành lang thuộc chủ quyền của Israel nhưng dưới sự kiểm soát của Palestine sẽ nối Dải Gaza với Bờ Tây.

Về thủ đô, Đông Jerusalem sẽ là thủ đô của Nhà nước Palestine. Các khu Do Thái ở phía Đông thành phố (bao gồm Givat Zeev và một phần Maale Adumim) sẽ vẫn thuộc chủ quyền của Israel. Thành phố Cổ (The Old City) sẽ được chuyển giao thuộc chủ quyền của Palestine với 2 ngoại lệ: Bức tường Than khóc (Wailing Wall) và khu phố người Do Thái (Jewish quarter). Hoạt động tín ngưỡng của người Do Thái và các cuộc khai quật khảo cổ bị cấm ở Núi Đền. Lực lượng quốc tế sẽ đảm bảo quyền đi lại, tham quan miễn phí các khu vực linh thiêng. Núi Ô_liu, thành phố David và thung lũng Kivron được đặt dưới sự giám sát quốc tế. Hai hội đồng thành phố sẽ thành lập một ủy ban điều phối, với một cơ quan cố vấn được thành lập để đại diện cho các cộng đồng tôn giáo Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo.

Về các khu định cư, ngoại trừ cư dân của các khu định cư trên lãnh thổ bị Israel sáp nhập, Israel cam kết hồi hương tất cả những người định cư ở Bờ Tây và Dải Gaza. Tài sản như cơ sở hạ tầng sẽ được bàn giao cho chính quyền Palestine trong một khung thời gian được quyết định bởi thỏa thuận chung.

Israel cam kết rút quân khỏi toàn bộ Bờ Tây và Dải Gaza theo 3 giai đoạn 9, 21 và 30 tháng. Quân đội Israel sẽ giữ nguyên vị trí ở thung lũng Jordan trong 3 năm và giữ lại các khu định cư của họ, theo thỏa thuận hồi hương.

Khát khao hòa bình cho Trung Đông.

Khát khao hòa bình cho Trung Đông.

Về người tị nạn, theo Nghị quyết 194 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (1948) và Nghị quyết 242 (1967) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, những người tị nạn Palestine có thể nhận được tiền bồi thường, các quốc gia nơi họ định cư cũng nhận được phần tương tự. Tất cả những ai muốn sẽ có thể chuyển đến nhà nước mới của Palestine. Nhưng, những người tị nạn sẽ chỉ có thể quay trở lại Israel với sự chấp thuận của chính quyền nước này.

Liên hợp quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga cùng các lực lượng khác muốn tham gia sẽ chỉ định một đại diện đặc biệt và thành lập một lực lượng đa quốc gia để giám sát việc thực hiện các thỏa thuận.

Cần sự thức thời

Năm 2003 cũng là năm Mỹ đưa quân vào Iraq, cùng thời điểm cuộc nổi dậy Intifada lần thứ 2 đang lên cao ở Palestine. Sáng kiến Geneva được ký có ý nghĩa biểu tượng quan trọng trong bối cảnh căng thẳng ngập tràn ở khu vực Trung Đông. Những "nhân chứng lịch sử" từng mô tả sự kiện này đầy xúc động rằng: "Trong bầu không khí tôn trọng và thừa nhận lẫn nhau, họ hướng đến những điều thực sự tích cực và cảm giác kiến tạo lịch sử".

Tuy nhiên, 20 năm sau, văn kiện này đang được cho là không còn ảnh hưởng trên thực địa. Các khu định cư của Israel vẫn đang triển khai, đụng độ giữa Israel và Palestine diễn ra liên tục. Đáng nói hơn, năm 2022, Thụy Sĩ tuyên bố dừng tài trợ sáng kiến này khi tới hạn vào cuối năm nay.

Năm 2020, Thụy Sĩ đã đánh giá lại Sáng kiến Geneva và đi đến kết luận rằng văn kiện này không hiệu quả vì thiếu sự ủng hộ chính trị từ cả Israel và Palestine cũng như các bên liên quan. Tuy nhiên, cùng thời điểm thông báo đình chỉ tài trợ, Thụy Sĩ năm 2022 đã hé lộ chiến lược mới nhằm thúc đẩy hòa bình và phát triển ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, bao gồm cả các kế hoạch chuyển văn phòng cơ quan phụ trách phát triển và hợp tác của Thụy Sĩ từ Jerusalem tới Ramallah. Thụy Sĩ cũng đã bổ nhiệm 1 đặc phái viên về Trung Đông với trọng thâm thúc đẩy những giải pháp cụ thể cho khu vực.

Có thể việc "dừng" Sáng kiến Geneva không đồng nghĩa với việc từ bỏ mục tiêu hòa bình mà chỉ phản ánh những điều chỉnh của quốc gia luôn đi đầu trong các sáng kiến hòa bình này, thậm chí có thể là trở lại tập trung cho viện trợ nhân đạo và phát triển, con đường đã chọn trước khi Sáng kiến Geneva thành hình. Những điều chỉnh có thể không phải là điều tồi tệ, nhất là trong một khu vực nơi mọi thứ đều là chính trị như Trung Đông.

Thái Hân

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/20-nam-sang-kien-geneva-chi-con-mang-gia-tri-tinh-than-i705116/