20 năm sau vụ 11-9 và di sản chống khủng bố của Mỹ

20 năm, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu quy mô lớn mà Washington tiến hành sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công ngày 11-9-2001 đã để lại những di sản gì?

Đã 20 năm trôi qua nhưng có lẽ không có sự kiện nào để lại nỗi đau sâu sắc cho người dân Mỹ như vụ tấn công khủng bố của nhóm Hồi giáo cực đoan Al Qaeda vào lãnh thổ nước này ngày 11-9-2001. Chỉ trong một buổi sáng, vụ khủng bố đã làm 2.996 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương, thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ước tính khoảng 10 tỉ USD.

Từ đó trở đi, bộ mặt nước Mỹ đã vĩnh viễn thay đổi khi nước này công khai phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, sử dụng sức mạnh quân sự để loại bỏ phần tử ủng hộ chủ nghĩa này và đơn phương gây chiến với mọi quốc gia bị cáo buộc tài trợ khủng bố. Dù vậy, sau gần 20 năm triển khai thì di sản của cuộc chiến này còn lại gì?

Dang dở mục tiêu chống khủng bố

Nhìn chung, theo một số chuyên gia thì cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ về cơ bản không đi tới đâu, hãng tin Al Jazeera cho biết. Dù không thể phủ nhận quân đội Mỹ đã thành công tiêu diệt nhiều thủ lĩnh cộm cán của nhiều tổ chức khủng bố khác nhau như Osama bin Laden của Al Qaeda hay Abu Bakr al-Baghdadi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, song các tổ chức này không vì thế mà suy yếu đi mà có vẻ còn hoạt động mạnh hơn.

Binh sĩ Lục quân Mỹ trong một đợt diễn tập bắn đạn thật tại căn cứ không quân Al Asad Air Base thuộc tỉnh Anbar, miền Bắc Iraq hồi tháng 10-2018. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Binh sĩ Lục quân Mỹ trong một đợt diễn tập bắn đạn thật tại căn cứ không quân Al Asad Air Base thuộc tỉnh Anbar, miền Bắc Iraq hồi tháng 10-2018. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

8.000 tỉ USD là tổng chi phí mà Mỹ đã tiêu tốn cho 20 năm chống khủng bố trên toàn cầu, theo báo cáo của ĐH Brown (Mỹ) mới đây. Khoảng 900.000 binh sĩ và nhà thầu quân sự của Mỹ cũng thiệt mạng trên các chiến trường Trung Đông, chưa kể hàng triệu thường dân ở khu vực này thiệt mạng.

Chuyên gia Bruce Hoffman thuộc tổ chức Hội đồng Nghiên cứu quan hệ quốc tế (Mỹ) chỉ ra hiện Al Qaeda đã mở rộng chi nhánh ra tới 14 nước. Dù bị liên quân phương Tây phá hủy căn cứ chủ lực ở Iraq và Syria hồi năm 2019, IS vẫn tiếp tục bám rễ và tổ chức các đợt đánh bom thường xuyên cho đến nay. Một số chi nhánh như ISIS-K ở Afghanistan thậm chí còn trở nên lớn mạnh trước cục diện an ninh mới.

“Các lực lượng Mỹ 20 năm qua cứ tập trung chống khủng bố ở một khu vực là chúng sẽ trỗi dậy ở một khu vực khác và lần lượt lợi dụng thời cơ để chiếm thêm lãnh thổ. Đến khi chúng ta bình định xong khu vực nói trên thì toàn bộ vùng xung quanh đã rơi vào tay khủng bố rồi” - theo ông Hoffman.

Chuyên gia này cũng cho rằng rất khó loại bỏ chủ nghĩa khủng bố chỉ bằng sức mạnh quân sự bởi đây là một ý thức hệ ăn sâu vào văn hóa - chính trị của những nước xuất hiện khủng bố, thường là các nước theo Hồi giáo.

Việc các nhóm khủng bố bị tiêu diệt hàng chục, hàng trăm thành viên thật sự không phải là vấn đề lớn bởi chúng hoàn toàn có thể tuyển mộ thêm từ chính những người dân mà các lực lượng Mỹ cố sức bảo vệ. Hơn nữa, chính vì là ý thức hệ nên chủ nghĩa khủng bố không có một tổng hành dinh hay một căn cứ chủ lực cố định mà xuất hiện ở khắp nơi theo chân các nhóm khủng bố.

Theo ông Hoffman, “thất bại của Mỹ ở Afghanistan là minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này”. Các diễn biến ở Afghanistan trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ gây các tác động tiêu cực hơn nữa tới cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, khi các nhóm cực đoan khác thấy chiến thắng của Taliban như một cơ hội để tập hợp lực lượng và trỗi dậy, xây dựng lại mạng lưới khủng bố cực đoan từng tồn tại trước khi Mỹ phát động chiến tranh. Trên thực tế, chi nhánh của Taliban ở Pakistan là Tehrik-i-Taliban Pakistan, từ sau khi Afghanistan thất thủ, đã ngày càng trở nên manh động hơn với các vụ đánh bom liều chết khiến hàng chục binh sĩ Pakistan thiệt mạng trong những tuần gần đây. Đáng chú ý Pakistan lâu nay được xem là đồng minh lớn của Mỹ và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Trung Đông.

Nhiều cơ hội bị bỏ lỡ

Trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã, Hiệu trưởng danh dự của Trường Quản lý nhà nước John F.Kennedy thuộc ĐH Harvard (Mỹ) - GS Joseph Nye nhận định giới lãnh đạo Mỹ có lẽ cũng đã rút ra nhiều bài học quan trọng trong hoạch định chính sách ngoại giao sau gần 20 năm chìm trong nỗ lực chống khủng bố. Đầu tiên, việc lún sâu tại Trung Đông đã khiến Mỹ mất đi những cơ hội khác.

Đó là khi Tổng thống Barack Obama muốn xoay trục chiến lược sang châu Á nhưng không thể thực hiện vì cam kết với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu khiến Mỹ mắc kẹt ở Trung Đông. Trong lúc Mỹ sa lầy thì Trung Quốc lại tận dụng thời cơ trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức lợi ích và vai trò toàn cầu của Mỹ, đẩy nước này vào thế phải tương đối bị động đối phó như hiện nay.

Hơn nữa, việc duy trì quá lâu cuộc chiến chống khủng bố khiến hình ảnh của Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên cộng đồng quốc tế. Ngày càng nổi lên nhiều ý kiến cho rằng Mỹ không thực tâm chống khủng bố mà chỉ có ý định xây dựng ảnh hưởng chính trị - quân sự ở Trung Đông. Và sự sụp đổ của Afghanistan gần đây khiến Mỹ bị dán thêm mác là không giữ cam kết an ninh với đồng minh nếu nó không phù hợp với lợi ích của Mỹ. Đây là điều bất lợi đối với nước này bởi Mỹ sẽ cần thuyết phục các nước trong khu vực ở châu Á về phe mình cho trọng tâm chính sách sắp tới là Trung Quốc.

Tiếng nói của Mỹ trên trường quốc tế, đặc biệt là tại các tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)… có dấu hiệu bị giảm sút. Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), với Mỹ là trung tâm, đang gặp thách thức từ công thức mới là Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Những thay đổi đó trong đời sống chính trị - kinh tế thế giới góp phần hình thành nên trật tự thế giới mới: “Nhất siêu, đa cường”.

“Thế giới có thể đã khác nếu như sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, thay vì phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố thì Mỹ thực hiện các vụ không kích quân sự có chọn lọc, kết hợp với các chiến lược tình báo, ngoại giao và hỗ trợ các nước ở Trung Đông từ xa thay vì trực tiếp tham chiến. Mỹ có thể đã là một cường quốc vừa trách nhiệm vừa hiệu quả và có nhiều lựa chọn để ảnh hưởng lên hệ thống chính trị quốc tế hơn” - ông Nye nêu ý kiến.

Không thể làm ngoại giao chạy đuổi đối nội

Theo tạp chí The Economist, một bài học quan trọng khác có thể nhận thấy rõ qua việc rút quân ở Afghanistan đó là chính sách ngoại giao của Mỹ, dù là để đảm bảo lợi ích của nước này trên toàn cầu nhưng lại quá phụ thuộc vào phản ứng của cử tri trong nước. Tổng thống Joe Biden trong một bài phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 2 từng tuyên bố: “Mọi quyết sách ở nước ngoài của chúng ta đều phải được đưa ra với việc lợi ích của người lao động Mỹ đặt lên hàng đầu”.

The Economist cho rằng hai mặt đối nội và đối ngoại phải hòa hợp với nhau, mỗi bên giải quyết một vấn đề riêng của mình. Chỉ cần một bên bắt đầu có sức tác động lên bên còn lại cũng khiến tư duy chính sách của lãnh đạo gặp vấn đề. Đợt rút quân khỏi Afghanistan, việc Mỹ chậm triển khai các đợt viện trợ vaccine ngừa COVID-19 nhân đạo cho quốc tế, thậm chí ngay cả việc xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược xét cho cùng cũng đều là các quyết định đến từ nguyện vọng của cử tri Mỹ. Tuy nhiên, hậu quả của các quyết định này để lại đối với uy tín và hình ảnh của Mỹ thì hoàn toàn là mặt đối ngoại.

“Làm ngoại giao phải bao gồm hai yếu tố quan trọng là diễn biến thực tế và chiến lược vạch sẵn. Mỹ lúc này dường như chỉ mới làm ngoại giao dựa trên các diễn biến và phản ứng tức thời chứ không bám theo những giá trị và chiến lược họ đã đặt ra. Ông Biden không thể cứ tiếp tục cho ngoại giao chạy đuổi đối nội và cứ thế hy vọng rằng có thể gầy dựng lại vị thế siêu cường của Mỹ. Sẽ tới một lúc Mỹ cần phải sử dụng lại sức mạnh quân sự để làm ngoại giao nhưng quyết định đó cần phải đi tới từ thực tiễn chiến lược có tính toán, chứ không thể chỉ dựa hoàn toàn vào tỉ lệ ủng hộ của cử tri” - The Economist nhận định.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/20-nam-sau-vu-119-va-di-san-chong-khung-bo-cua-my-1014611.html