20 năm sau vụ khủng bố 11/9 và cái kết của cuộc chiến 'sa lầy' 2 thập kỷ ở Afghanistan
Vụ khủng bố 11/9 cách đây 20 năm đã kéo nước Mỹ và đồng minh 'sa lầy' vào cuộc chiến tại Afghanistan và cũng chừng ấy năm, Mỹ và đồng minh mới có thể rút chân ra khỏi vũng lầy chiến tranh này trước dấu mốc tưởng niệm 20 năm.
“Hôm nay chúng ta đã gặp phải một thảm kịch quốc gia. Tôi ra lệnh chính quyền liên bang dồn toàn lực để hỗ trợ các nạn nhân và gia đình của họ; đồng thời tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ và truy lùng những kẻ đứng đằng sau vụ việc này. Chủ nghĩa khủng bố chống lại đất nước chúng ta sẽ không có chỗ đứng”.
Đây là phát biểu đầu tiên của Tổng thống Mỹ George W Bush lúc bấy giờ, đưa ra ngay sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9. Chưa đầy 1 tháng sau đó, cũng chính ông cho phép khởi động Chiến dịch Tự do Bền vững, bắt đầu cuộc chiến tại Afghanisan vào ngày 7/10/2001. Chính quyền Afghanistan do Taliban lãnh đạo nhanh chóng sụp đổ.
10 năm sau đó, Mỹ cũng đã tiêu diệt được trùm khủng bố của Al-Qaeda là Osama Bin Laden tại quốc gia láng giềng của Afghanistan là Pakistan. Dẫu vậy, Mỹ vẫn phải mất thêm 10 năm nữa mới có thể thoát hoàn toàn ra khỏi cuộc chiến Afghanistan, theo cách không hề như ý. Đó là chính quyền Afghanistan mà Mỹ và phương Tây hậu thuẫn sụp đổ; Taliban lại giành quyết kiểm soát đất nước.
Tuy nhiên, với đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden, nước Mỹ đã hoàn thành mục tiêu đề ra: “Chúng ta tới Afghanistan 20 năm trước với các mục đích rõ ràng: Tìm những kẻ đã tấn công Mỹ ngày 11/09/2001 và đảm bảo rằng Al Qaeda sẽ không thể sử dụng Afghanistan làm căn cứ để tấn công Mỹ. Chúng ta đã thực hiện điều này”.
Trong bài phát biểu của ông cách đây vài giờ, dù cuộc chiến Afghanistan “hao công tốn của” đã khép lại, nhưng cuộc chiến chống khủng bố của nước Mỹ sẽ không bao giờ dừng lại: “Chúng tôi sẽ tiếp tục truy lùng những kẻ khủng bố và chúng tôi sẽ bắt chúng phải trả giá. Điều đó sẽ không bao giờ dừng lại hôm nay, ngày mai và mãi mãi cho việc bảo vệ nước Mỹ".
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua (10/9) cũng khẳng định, dù mối đe dọa khủng bố vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, song niềm tin của con người vào tự do và dân chủ sẽ không bao giờ bị lung lay: “Mối đe dọa khủng bố vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng chúng không thể làm lay chuyển được niềm tin của chúng ta vào tự do và dân chủ. Chúng đã thất bại trong việc đẩy các quốc gia ra xa nhau hay khiến chúng ta phải từ bỏ các giá trị của mình và sống trong sự sợ hãi thường trực”.
20 năm sau khi nước Mỹ bị tấn công là 20 năm Mỹ và đồng minh can dự vào nhiều cuộc chiến, với danh nghĩa chống khủng bố. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự chỉ nên mang tính chất răn đe bởi sự ngăn chặn việc truyền bá các tư tưởng cực đoan có lẽ mới có thể chặn tận gốc các vụ tấn công khủng bố. Dẫu vậy, đây là điều không hề dễ dàng cho một thế giới phức tạp ngày nay./.