20 năm sự kiện 11/9: Cuộc chiến không hồi kết
Taliban năm nay quan sát sự kiện tưởng niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9 với tâm trạng hoàn toàn khác. Và Mỹ cũng lần đầu nhớ lại ký ức kinh hoàng đó khi không còn binh lính nào ở Afghanistan.
Hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới (New York, Mỹ) bốc cháy sau khi bị 2 máy bay đâm vào ngày 11/9/2001 Ảnh: AP
Quá trình Mỹ rút quân và Kabul sụp đổ diễn ra nhanh với tốc độ đáng kinh ngạc. Cuộc chiến suốt 20 năm ở Afghanistan gói lại bằng một tuần, khi quân đội do Mỹ lập ra nhanh chóng tan rã, tổng thống được Mỹ hậu thuẫn bắt trực thăng sang Uzbekistan rồi sang UAE. Những sự thật cay đắng trên là đòn giáng mạnh vào niềm kiêu hãnh của nước Mỹ.
Cảnh báo
Hơn 1 năm trước vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, Chalmers Johnson, nhà sử học Mỹ đồng thời là cố vấn của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ra mắt cuốn sách “Phản đòn: Tổn thất và hậu quả của Đế quốc Mỹ”. Cuốn này gần như không được ai để ý khi mới xuất bản, nhưng sau đó lại trở thành một trong những sách bán chạy nhất. “Một quốc gia sẽ gặt hái từ những gì họ gieo trồng, ngay cả khi họ không biết hoặc không hiểu họ đã gieo cái gì. Với sự giàu có và quyền lực của mình, Mỹ sẽ nhận lại tất cả những kiểu phản đòn, nhất là những cuộc tấn công khủng bố chống lại người Mỹ ở bất kỳ đâu trên Trái đất, thậm chí cả trong lòng nước Mỹ”, tác giả viết.
20 năm mới xét xử chủ mưu khủng bố
20 năm sau cuộc tấn công khủng bố 11/9, phiên tòa xét xử Khalid Sheikh Mohammed, đối tượng bị cho là kẻ lên kế hoạch vụ tấn công khủng bố 11/9, chỉ mới bắt đầu, và một trong những nguyên nhân là đại dịch COVID-19. Mohammed cùng 4 bị cáo khác hầu tòa từ ngày 7/9, gần 20 năm sau khi 2.977 người thiệt mạng ở Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm Góc và thành phố Shanksville, bang Pennsylvania.
Lo ngại về nguy cơ lộ thông tin mật, Mỹ hạn chế công bố hình ảnh và băng ghi âm trong phòng xử án, và quá trình xét xử cũng có thể phải dừng vì lý do an ninh quốc gia. Phiên xét xử đầu tiên diễn ra từ ngày 7-17/9, sau đó tiếp tục từ ngày 1-19/11, ABC News đưa tin.
24 giờ sau vụ tấn công rung chuyển thế giới vào ngày 11/9/2001, hàng loạt bức điện chia buồn được các quốc gia gửi đến, kể cả nhiều nước kẻ thù của Mỹ. Thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld tuyên bố tại cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia rằng, những nhà nước ngoan cố, dù có dính dáng đến vụ 11/9 hay không, cũng sẽ phải trả giá. Ông gợi ý: “Vì sao chúng ta không tấn công cả Iraq chứ không chỉ al-Qaeda?”. Ngày hôm sau, Paul Wolfowitz, nhân vật số 2 trong Bộ Quốc phòng Mỹ, nhấn mạnh thông điệp này bằng cách thúc giục triển khai một “chiến dịch rộng khắp và lâu bền” để bao gồm cả “những quốc gia tài trợ khủng bố”. Chỉ trong 1 tuần, Tổng thống George W. Bush bật đèn xanh cho một cuộc chiến toàn diện: “Hãy tấn công chúng thật mạnh. Chúng ta phải gửi thông điệp rằng đây là sự thay đổi. Chúng ta muốn những nước khác như Syria và Iran phải thay đổi quan điểm”.
Báo thù
Hồi đó, trả lời phỏng vấn báo The New Yorker, Dennis Ross, người phụ trách tiến trình hòa bình Israel - Palestine, nói: “Chúng ta không thể chỉ làm những việc bình thường như đánh bom một vài mục tiêu nghi ngờ Osama bin Laden ẩn náu. Nếu chúng ta đáp trả theo cách cũ thì không có gì thay đổi”. Trong bài đăng trên chuyên mục của Washington Post, cây viết Charles Krauthammer nhấn mạnh: “Chúng ta chiến đấu vì những tên khốn đã giết chết 5.000 người của chúng ta, và nếu chúng ta không giết chúng, chúng lại giết chúng ta nữa. Đây là cuộc chiến để trả thù và răn đe”. Nhưng “những tên khốn đó” không bao gồm Ả-rập Xê-út và Ai Cập, hai quốc gia mà hầu hết những kẻ gây ra vụ khủng bố 11/9 tung hô. Trong nhiều năm, những người Ả-rập Xê-út giàu có đã cung cấp “mảnh đất gây quỹ màu mỡ” cho al-Qaeda, theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về cuộc tấn công khủng bố 11/9 của Mỹ. Một số người còn lớn lên cùng bin Laden, vì bố của trùm khủng bố này là người quen trong các cung điện Ả-rập Xê-út và đã thành lập một công ty xây dựng ở đó. Trong cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia, một vụ tấn công Iraq được tính đến, nhưng các ông Bush, Rumsfeld và Phó tổng thống Dick Cheney cuối cùng chọn thực hiện một cuộc tấn công trả thù Afghanistan, nơi bin Laden và những thủ lĩnh khác của al-Qaeda đang được chính phủ Taliban che chở.
Taliban đã chuẩn bị “trao những vị khách của mình cho Mỹ”, nhưng họ cần lý do nên nhẹ nhàng yêu cầu bằng chứng để khẳng định al-Qaeda dính líu, theo CNN. Nhà Trắng không có tâm trạng nào cho sự thiện chí như vậy. Chiến dịch “Tự do bền vững” được phát động vào tháng 10/2001.
Nhà lãnh đạo chột mắt Mullah Omar của Taliban khi đó đã chạy khỏi một ngôi làng ở miền trung Afghanistan bằng xe máy. Khi quân Mỹ đến được nơi ẩn náu của al-Qaeda trong hang động ở Tora Bora, các lãnh đạo Taliban đã đi hết. Omar và bin Laden cùng cấp dưới chạy sang Pakistan, và các lãnh đạo Pakistan khuyên họ nên câu giờ.
Kết cục
Theo giới quan sát, hậu quả của những cuộc chiến không hồi kết ở Afghanistan và Iraq là hàng triệu người chết, hàng ngàn tỷ đô ném qua cửa sổ, nhiều khổ đau cho thế giới Hồi giáo và làn sóng người tị nạn khiến châu Âu hoảng sợ. Tư tưởng ám ảnh với Hồi giáo giờ ăn sâu vào văn hóa phương Tây, một phần vì sự nhấn mạnh và cách nói của các chính trị gia. Mỹ và phương Tây hiện nay phải chấp nhận thực tế rằng Taliban đã trở lại cầm quyền ở Afghanistan. Cuộc chiến 2 thập kỷ trở thành thảm họa quân sự và chính trị với cả Mỹ và các đồng minh trong NATO. “Tự do” không lâu bền. Trước khi Mỹ tấn công, Taliban chỉ kiểm soát 3/4 đất nước, nhưng giờ kiểm soát hoàn toàn Afghanistan.
Bài viết của báo The Nation cho rằng lịch sử có thể giúp dự đoán những gì sẽ diễn ra tiếp theo, nhất là những lần Anh và Liên Xô phải rút khỏi Afghanistan. Taliban từng là bạn của Washington, sau đó thành kẻ thù, giờ lại muốn làm bạn.
Hồi tháng 7/2021, một phái đoàn của Taliban thăm Trung Quốc để cam kết rằng đất của Afghanistan sẽ không bao giờ bị dùng làm căn cứ tấn công Trung Quốc, đồng thời để bàn về các kế hoạch thương mại và đầu tư trong tương lai. Trung Quốc có thể thay Mỹ trở thành nước có ảnh hưởng lớn nhất ở Afghanistan. Không cường quốc bên ngoài nào có vẻ muốn lặp lại những thất bại trước đây. Mỹ giờ muốn giám sát bằng máy bay không người lái và ném bom, như cách họ làm sau khi trả đũa ISIS-K tấn công sân bay Kabul vừa qua.
Di sản không mong muốn
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chuyển sang một trang mới cho cuộc chiến ở Afghanistan, nhưng còn một việc chưa làm được: đóng cửa nhà tù trên vịnh Guantanamo. Nhà Trắng cho biết họ định đóng cửa nhà tù trong căn cứ của Mỹ ở Cuba, nơi được mở cửa vào tháng 1/2002 và giam hầu hết trong số 39 đối tượng không qua xét xử. Chưa rõ khi nào và bằng cách nào chính quyền Mỹ sẽ thực hiện kế hoạch này, dù đã có một số bước đi đầu tiên.
Giống như với Afghanistan, ông Biden gặp khó khi đóng cửa Guantanamo. Đó cũng là lời hứa mà người tiền nhiệm Barack Obama đưa ra nhưng không thực hiện được. Vấn đề là chính phủ Mỹ nên làm gì với những người đang bị giam ở đó. Khalid Sheikh Mohammed, thành viên cấp cao của Taliban bị cho là kẻ chủ mưu vụ 11/9, đang bị giam ở Guantanamo. Nhiều năm trôi qua, sức khỏe của nhiều tù nhân ở đây đã xấu đi nhiều. Tù nhân già nhất người Pakistan năm nay 74 tuổi, bị bệnh tim và một số bệnh khác. Từ khi Guantanamo được mở, 9 tù nhân đã chết vì nguyên nhân tự nhiên hoặc tự sát, AP đưa tin.
Theo dự án Tổn thất chiến tranh của ĐH Brown (Mỹ), “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” khiến Mỹ tiêu tốn 6.400 tỷ USD và hơn 7.000 quân nhân thiệt mạng. Nhưng sau 20 năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận khủng bố đã “di căn khắp thế giới”. Thay vì tập trung vào một căn cứ, thế giới giờ đã có nhiều al-Qaeda.
Nếu những kẻ cực đoan hay các nhóm khủng bố khác có thể tấn công Mỹ một lần nữa, liệu Mỹ có thể tránh bị kéo vào một cuộc chiến không thể chiến thắng khác hay không? Nếu không, một cuộc tấn công vào một nước có sự hiện diện đáng kể của các tay súng thánh chiến như Yemen, Somalia hay Libya, sẽ lại dẫn đến cuộc tấn công và can thiệp toàn diện của Mỹ, tạo ra vòng luẩn quẩn nữa.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/20-nam-su-kien-11-9-cuoc-chien-khong-hoi-ket-post1374872.tpo