20 năm tình làng nghĩa xóm
Qua 20 năm, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành truyền thống, nét đẹp văn hóa, là cầu nối giữa tổ chức Đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân tại TPHCM. Từ đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; củng cố tình làng, nghĩa xóm và phát huy sức mạnh của cộng đồng để thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa.
Ngày hội của toàn dân tộc Hơn 3 tuần trước, bà Trần Kim Ngọc (ngụ tỉnh Hậu Giang) lên TPHCM thăm gia đình con gái (ngụ phường 5, quận 8). Trong thời gian bà ở lại chơi cùng con cháu, Ban Công tác Mặt trận khu chung cư Giai Việt - nơi con gái bà Ngọc đang sinh sống - tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Bà Ngọc và con gái cùng đông đảo người dân dự ngày hội đã tham gia nhiều hoạt động vui tươi, nhiều ý nghĩa. Niềm vui của người mẹ quê hôm ấy chính là được nghe về các công trình, hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, chăm lo tốt người dân có hoàn cảnh khó khăn của cư dân nơi đây. Bà cũng thấy con gái vinh dự lên sân khấu nhận bằng khen “Gia đình văn hóa tiêu biểu”. Bà Ngọc chia sẻ, ngày gia đình con gái dắt tay nhau lên TPHCM lập nghiệp, bà vừa mừng vừa lo.
“Mừng vì thấy con biết nghĩ tới tương lai, nhưng lo nơi đất khách quê người, các con không có người thân san sẻ khó khăn, vui buồn. Hôm nay được dự ngày hội, hiểu về nơi con mình sinh sống, biết tình làng nghĩa xóm luôn gắn kết, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn, tôi an tâm khi con mình được sống ở thành phố đầy nghĩa tình này”, bà Ngọc nói.
Tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại chung cư Giai Việt, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê bày tỏ niềm vui khi thấy không gian sống của người dân tại chung cư Giai Việt khang trang, sạch đẹp. Nhiều hoạt động chăm lo người khó khăn, yếu thế; hoạt động văn hóa tinh thần cũng được Ban công tác Mặt trận chung cư thực hiện.
Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, điều này cho thấy nghĩa tình, sự chung sức của toàn thể cư dân trong đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đó là điều vô cùng đáng quý. 20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu phố 7, phường Đa Kao (quận 1) luôn là ngày hội lớn của người dân toàn khu phố.
Ông Phạm Quang Đạo, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố 7, cho biết, để ngày hội diễn ra ấm cúng, năm nào cũng vậy, công tác chuẩn bị luôn thật chu đáo và làm trước cả tháng. Từ sự chung sức của toàn dân, 19 năm qua, khu phố 7, phường Đa Kao (quận 1) luôn đạt danh hiệu “Khu phố văn hóa”. Người dân trong khu phố đã chung sức để hỗ trợ 30 hộ thoát nghèo, 22 hộ thoát cận nghèo. Đến nay, khu phố chỉ còn 1 hộ cận nghèo.
Cũng từ sự tin tưởng, gắn kết cùng nhau, người dân nơi đây đã cùng xây dựng 11 mảng xanh tại các cụm dân cư, trồng mới hơn 2.300 cây xanh, sửa chữa, cải tạo nhiều con hẻm xuống cấp, lắp đặt nhiều camera an ninh. Đặc biệt là 120 hộ dân đồng thuận cùng treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ, tết, giúp khu phố thêm rực rỡ và xanh sạch đẹp.
Những cầu nối nghĩa tình Đi trên tuyến đường gần 300m đầy hoa nở rộ ở quốc lộ 1A, khu phố 5 (phường Linh Trung, TP Thủ Đức), nhiều người không ngờ thời gian trước, đây là con đường ngập rác thải hôi thối suốt nhiều năm liền. Tháng 12-2022, con đường hoa được khánh thành với sự trầm trồ của nhiều người. Rồi dụng cụ tập thể dục được lắp đặt dọc con đường đã biến nơi đây thành nơi chạy bộ, tập thể dục của người dân.
Để có con đường sạch đẹp này, có công sức vô cùng lớn của bà Phạm Thị Nhàn, Trưởng khu phố 5, trong vận động, kêu gọi hỗ trợ từ người dân và doanh nghiệp. Không chỉ có con đường hoa, gần 20 năm qua, với vai trò Trưởng khu phố 5, bà Nhàn đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia đóng góp kinh phí, hiến đất thực hiện hơn 25 tuyến hẻm, đường, trong đó có nhiều con hẻm từ đường đất lồi lõm, ngập nước nay đã bê tông hóa sạch đẹp. Bà cũng vận động các chủ nhà trọ, các hộ dân lắp đặt 900 camera, 1.088 cột để treo cờ Tổ quốc ở các hộ, khu dân cư; cùng với đó là nhiều hoạt động chăm lo an sinh xã hội. Ở khu phố 5 có đông đồng bào các dân tộc cùng sinh sống, bà Nhàn hiểu rõ hoàn cảnh từng hộ để có cách hỗ trợ khi hộ nào cần giúp đỡ. Nhờ vậy, nhiều gia đình đồng bào dân tộc có phương tiện đi lại, con em được nhận học bổng, người già có BHYT… Đặc biệt, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của khu phố 5 luôn đông đủ người dân với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa.
“Mình cứ nghĩ đến cái chung, cái được cho mọi người thì sẽ bắt tay vào làm mà không suy tính. Nhưng để nhiều công trình hình thành như thế này, chính là từ sự chung sức, đoàn kết của toàn dân, chứ bản thân tôi chỉ là cầu nối”, bà Nhàn khiêm tốn nói.
30 năm gắn với công tác mặt trận, trong đó có hơn 10 năm làm Trưởng Ban Công tác mật trận khu phố 2, phường 4 (quận Phú Nhuận), nên gia đình nào gặp khó khăn ra sao ông Nguyễn Ngọc Hai đều nắm rõ. Chính từ sự gần gũi, hiểu cuộc sống của người dân, ông Hai luôn có hướng hỗ trợ kịp thời. Ở khu phố có 2 khu đất trống, nếu để không thì người dân sẽ đổ rác, lấn chiếm. Vậy là Ban Công tác mặt trận khu phố phối hợp UBND phường cùng với sự đóng góp của người dân đã cải tạo, biến 2 khu đất thành khu vui chơi, tập thể dục, sinh hoạt văn hóa. Nhiều năm nay, từ sự chung tay của người dân trong dọn vệ sinh, chăm sóc, tưới cây, khu vực chung này trở thành nơi vui chơi, nghỉ mát của người già, trẻ nhỏ.
Đưa chúng tôi đến con hẻm lô E, F cư xá Nguyễn Đình Chiểu đang được thi công sửa chữa, ông Nguyễn Ngọc Hai nói trong niềm vui: “Công trình này Nhà nước và nhân dân cùng làm. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm nay. Đây cũng là công trình người dân nêu ý kiến tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm trước”. Theo ông Hai, nhiều con hẻm, công trình công cộng, mảng xanh tại khu phố được hình thành, khang trang sạch đẹp cũng từ tiếp thu ý kiến người dân trong ngày hội.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến, qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các khu dân cư trên địa bàn thành phố đều tổ chức ngày hội trong không khí vui tươi, phấn khởi, trang trọng. Ngày hội đã trở thành nơi trao truyền tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng trong mọi tầng lớp nhân dân; là diễn đàn trao đổi, đối thoại giữa các thành viên trong địa bàn dân cư về xây dựng tình đoàn kết, củng cố nghĩa đồng bào, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, tăng hộ khá, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, chủ động tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng khu dân cư văn minh, sạch đẹp. Ngày hội càng trở nên ý nghĩa khi người dân cùng tổ chức bữa cơm “Đại đoàn kết” gắn với các hoạt động thăm hỏi các gia đình người có công với đất nước, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Từ đó thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương cũng như trên toàn thành phố để góp phần xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/20-nam-tinh-lang-nghia-xom-post714463.html