20 sản phẩm của các nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội được cấp bằng sở hữu trí tuệ

Ngày 29/08/2024, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-CSK) tổ chức chương trình Kết nối các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu và Doanh nghiệp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, tạo ra nhiều startup mới và giải quyết các vấn đề thực tế của xã hội.

Chương trình có sự tham gia của các đại biểu đến từ các Bộ/ngành Trung ương, các doanh nghiệp hiệp hội doanh nghiệp, lãnh đạo ĐHQGHN và các trường đại học, viện nghiên cứu cùng các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu trong và ngoài ĐHQGHN.

PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp ĐHQGHN, phát biểu khai mạc chương trình cho biết việc hợp tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp là chìa khóa để đưa nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. Trung tâm Chuyển giao Tri thức ĐHQGHN đã hỗ trợ thành công nhiều dự án, tạo ra các startup sáng tạo và góp phần nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ và chuyển giao công nghệ, nhằm xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.

PGS.TS. Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc ĐHQGHN khẳng định các trường đại học cần là hạt nhân thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Việc phát triển các doanh nghiệp spin-off/startup từ các trường đại học không chỉ đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong đời sống mà còn tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới giải quyết các bài toán từ thực tiễn góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ý tưởng thành sản phẩm còn nhiều rào cản. Để giải quyết vấn đề này, cần có những chính sách hỗ trợ đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi để các startup từ trường đại học phát triển, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm: "Việc tăng cường hợp tác giữa nhà khoa học/nhóm nghiên cứu với các doanh nghiệp rất quan trọng, là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của các quốc gia đề gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn".

PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm: "Việc tăng cường hợp tác giữa nhà khoa học/nhóm nghiên cứu với các doanh nghiệp rất quan trọng, là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của các quốc gia đề gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn".

Về phía doanh nghiệp, anh hùng lao động Trương Văn Hiền, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An cho biết việc hợp tác với các nhà khoa học đã giúp doanh nghiệp giải quyết nhiều bài toán trong sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm CSK, doanh nghiệp đã hợp tác thành công với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng lợi nhuận.

"Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học đã đem lại giá trị gia tăng và góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp chúng tôi. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động hợp tác nghiên cứu theo đặt hàng để tiếp tục đưa ra những sản phẩm tốt, chất lượng phục vụ nhân dân".

Chia sẻ đến từ những nhà khoa học, TS. Hoàng Văn Hà, Khoa Hóa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN chia sẻ: "Các nhà khoa học như chúng tôi rất muốn thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học của mình. Không có gì hạnh phúc hơn khi được thấy sản phẩm do mình nghiên cứu được phục vụ cộng đồng và người dân. Tuy nhiên, chúng tôi gặp nhiều khó khăn và hạn chế trong việc kinh doanh, gọi vốn, bán hàng. Đó là những hạn chế rất cần nhận được sự hỗ trợ từ đơn vị ươm tạo hỗ trợ để thương mại hóa đứa con tinh thần là sản phẩm của mình tạo ra và thành lập doanh nghiệp để đưa sản phẩm đó vào thị trường".

 Ban tổ chức trao chứng nhận sở hữu trí tuệ cho các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu.

Ban tổ chức trao chứng nhận sở hữu trí tuệ cho các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu.

Trong khuôn khổ chương trình, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, ĐHQGHN đã tiến hành trao kết quả đăng ký sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích, bản quyền) cho 20 sản phẩm của các nhà khoa học ĐHQGHN, ký kết hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học giữa doanh nghiệp với các đơn vị, nhà khoa học trong ĐHQGHN, ký kết hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học giữa doanh nghiệp với các đơn vị, nhà khoa học trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh đó, 5 dự án đã được ký kết hợp đồng ươm tạo để hoàn thiện công nghệ và có thể trở thành các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Vườn ươm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (Vườn ươm ĐHQGHN) được thành lập theo mô hình doanh nghiệp trực thuộc Trung tâm Chuyên giao tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (VNU - CSK) với sứ mệnh hỗ trợ các nhà khoa học, sinh viên trong và ngoài ĐHQGHN khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Vườn ươm ĐHQGHN cung cấp các dịch vụ đa dạng nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại ĐHQGHN nói riêng và Việt Nam nói chung.

Một số hoạt động chính bao gồm: Hỗ trợ Khởi nghiệp, Ươm tạo công nghệ, Ươm tạo doanh nghiệp. Kết nối các nguồn lực và cung cấp các dịch vụ khác. Ngoài ra, Vườn ươm ĐHQGHN còn hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước để tạo dựng môi trường thuận lợi cho phát triển khởi nghiệp.

Vườn ươm ĐHQGHN sở hữu lợi thế cạnh tranh vượt trội nhờ vào mạng lưới đối tác rộng lớn cùng tiềm lực KHCN mạnh mẽ của ĐHQGHN. Đây là nền tảng vững chắc cho Vườn ươm ĐHQGHN trong hành trình trở thành đơn vị ươm tạo hàng đầu khu vực phía Bắc trong 3 đến 5 năm tới.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/20-san-pham-cua-cac-nha-khoa-hoc-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-duoc-cap-bang-so-huu-tri-tue-post1668055.tpo