20 tập thể, 15 cá nhân được trao Giải thưởng phát triển văn hóa đọc lần thứ VII

Sáng 7.5 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Lễ Tổng kết và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VII. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm dự và phát biểu tại buổi Lễ.

Cùng dự có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; đại diện một số ban, bộ, ngành trung ương; thư viện tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, thư viện chuyên ngành và các tập thể, cá nhân đạt Giải thưởng lần này…

Xây dựng môi trường đọc tại cơ sở

Giải thưởng phát triển văn hóa đọc được Bộ VHTTDL tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh đóng góp của các tổ chức, cá nhân đối với phát triển văn hóa đọc; động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực phát triển văn hóa đọc tại bộ, ngành, địa phương, các vùng miền và trong cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm cùng các đại biểu tham quan triển lãm về một số hình ảnh hoạt động khuyến đọc của các tổ chức, cá nhân

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm cùng các đại biểu tham quan triển lãm về một số hình ảnh hoạt động khuyến đọc của các tổ chức, cá nhân

Trình bày báo cáo công tác xét tặng Giải thưởng phát triển văn hóa đọc lần thứ VII, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (VHCS, GĐ&TV – Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, năm 2024, Bộ VHTTDL đã có văn bản hướng dẫn xét tặng Giải thưởng phát triển văn hóa đọc gửi tới các bộ, ngành, địa phương từ tháng 11.

Sau đó, BTC đã nhận được 118 hồ sơ của các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng. Trong đó, có 69 hồ sơ tập thể và 49 hồ sơ cá nhân.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền đánh giá, cơ bản các tập thể, cá nhân đã bám sát các tiêu chí của Quy chế và hướng dẫn của Bộ, chú trọng đánh giá thành tích của các tập thể, cá nhân thông qua các số liệu. Thông tin thể hiện tính hiệu quả, thiết thực của hoạt động khuyến đọc.

Các sáng kiến đề xuất mô hình cũng được đánh giá thông qua việc triển khai thực tiễn. Các dịch vụ, sản phẩm thông tin - thư viện được minh chứng bằng hình ảnh, video cụ thể.

Về số lượng, năm nay, số lượng hồ sơ đề xuất nhiều hơn so với các năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ sức lan tỏa và sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài lĩnh vực thư viện đối với Giải thưởng.

Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại buổi Lễ

Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại buổi Lễ

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền tiếp tục cho biết, các sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện thời gian qua đã bám sát, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người sử dụng, phục vụ từ đối tượng bạn đọc phổ thông, có sự đa dạng; đáp ứng nhu cầu nghiên cứu chuyên biệt đòi hỏi chất lượng cao.

Các hoạt động khuyến đọc đã chuyển từ phong trào bề nổi nhằm nâng cao nhận thức của xã hội sang các hoạt động gắn với việc trang bị kỹ năng thông tin và trải nghiệm cho người sử dụng. Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo với những phương thức hoạt động mới đã hướng tới xây dựng môi trường đọc ngay tại cơ sở, phục vụ trực tiếp cho người sử dụng.

Các hoạt động phát triển văn hóa đọc hướng tới nhiều đối tượng người yếu thế (người khuyết tật, trẻ em - đặc biệt trẻ em mầm non, người dân tộc, người ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, biên giới, hải đảo…) và tiếp tục ghi nhận sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đoàn thể, cộng đồng người dân tham gia quản lý, vận hành thư viện tại cơ sở thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tích đạt được, BTC nhận thấy vẫn còn một số tập thể, các nhân chuẩn bị hồ sơ chưa mang tính thuyết phục, số liệu báo cáo chung chung, chỉ mang tính định tính mà chưa có định lượng rõ ràng, báo cáo cá nhân còn lẫn với thành tích hoạt động của đơn vị, không có sự so sánh các chỉ số đạt được của năm trước và năm sau.

Phó Cục trưởng Cục VHCS,GĐ&TV Nguyễn Thị Thu Hiền trình bày báo cáo công tác xét tặng giải thưởng

Phó Cục trưởng Cục VHCS,GĐ&TV Nguyễn Thị Thu Hiền trình bày báo cáo công tác xét tặng giải thưởng

Đối tượng đề nghị xét tặng Giải thưởng còn thiếu vắng khối thư viện chuyên ngành - lực lượng tiên phong trong thời kì chuyển đổi số; vắng sự đồng hành của các nhà xuất bản, các tổ chức, các liên hiệp, hội, các cá nhân, tập thể ngoài công lập vẫn âm thầm lặng lẽ đồng hành phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Căn cứ vào Quy chế Giải thưởng phát triển văn hóa đọc và thành tích đạt được của các tập thể và cá nhân, Hội đồng xét tặng Giải thưởng đã lựa chọn, trao tặng giải thưởng cho 20 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển văn hóa đọc.

Những “bông hoa” trong “vườn hoa” văn hóa đọc

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm nhấn mạnh, thực hiện Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, từ năm 2018, Bộ VHTTDL đã tổ chức trao tặng Giải thưởng phát triển văn hóa đọc.

Qua 6 năm tổ chức, Bộ VHTTDL đã vinh danh được 151 tập thể, cá nhân trên toàn quốc đã có những đóng góp sáng tạo, tích cực cho phát triển văn hóa đọc. Đây là những “bông hoa” tươi đẹp trong “vườn hoa” văn hóa đọc.

Thứ trưởng Phan Tâm, Cục trưởng Cục VHCS,GĐ&TV Ninh Thị Thu Hương trao giải cho đại diện các tập thể

Thứ trưởng Phan Tâm, Cục trưởng Cục VHCS,GĐ&TV Ninh Thị Thu Hương trao giải cho đại diện các tập thể

Nhiều tập thể, cá nhân sau khi được nhận Giải thưởng vẫn tiếp tục tâm huyết, miệt mài, tích cực tìm tòi những cách làm hiệu quả để đóng góp cho công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và tiếp tục được nhận Giải thưởng lần thứ 2.

Cũng theo Thứ trưởng Phan Tâm, thời gian qua, văn hóa đọc tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng với nhiều mô hình thư viện sáng tạo, các CLB sách, hoạt động tuyên truyền được triển khai hiệu quả từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các giáo viên, cán bộ thư viện, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục chung tay thắp sáng ngọn lửa yêu sách trong cộng đồng.

“Đặc biệt, năm nay, số lượng hồ sơ đề cử tăng tới 33% so với năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng, minh chứng cho sức lan tỏa, sự quan tâm, đón nhận của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thư viện cho hoạt động phát triển văn hóa đọc.

Cộng đồng nỗ lực chung tay xây dựng, phát triển văn hóa đọc. Người dân, những chủ thể thụ hưởng các giá trị của văn hóa đọc cũng đã tham gia tích cực công tác này”, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết.

Thứ trưởng tiếp tục nêu rõ, đọc sách là con đường ngắn nhất để tiếp cận tri thức nhân loại, là nền tảng để khai mở tư duy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực bản thân và nuôi dưỡng tinh thần dân tộc. Một dân tộc có văn hóa đọc sâu rộng là một dân tộc có nội lực phát triển mạnh mẽ, có khả năng đổi mới sáng tạo bền vững, và có bản lĩnh để thích ứng và vươn lên trong một thế giới đầy biến động.

BTC trao giải cho các cá nhân

BTC trao giải cho các cá nhân

Vì thế, phát triển văn hóa đọc không chỉ là công việc của ngành văn hóa hay thư viện. Đó là sứ mệnh chung của cả xã hội, là nền móng cho quá trình xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong thời đại mới.

Trong giai đoạn đất nước tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Thứ trưởng nhấn mạnh, việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện – nguồn lực nội sinh quan trọng nhất đã trở thành yêu cầu cấp thiết.

Để con người Việt Nam đủ năng lực làm chủ tương lai, đủ bản lĩnh trước biến động toàn cầu, cần nuôi dưỡng một thế hệ ham đọc sách hơn. Điều đó phải bắt đầu từ văn hóa đọc.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc trong điều kiện mới, Thứ trưởng đề nghị các thư viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị… cần tiếp tục tăng cường hơn nữa trong sáng tạo các mô hình, cách làm hay về phát triển văn hóa đọc; tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn để đưa sách đến gần hơn với công chúng như hội sách, triển lãm sách, tiết học đọc sách, gia đình đọc sách, thư viện lưu động…

Ngoài ra, cần đổi mới phương thức hoạt động theo hướng quản trị tri thức, quản trị dữ liệu, tổ chức các hoạt động thư viện số… để đáp ứng nhu cầu tiếp cận tri thức của bạn đọc.

Để hiệu ứng của Giải thưởng phát triển văn hóa đọc tiếp tục lan tỏa sâu rộng, Thứ trưởng yêu cầu Cục VHCS,GĐ&TV với vai trò là cơ quan thường trực tổng hợp các ý kiến đóng góp, đề xuất của các cơ quan, tổ chức… để tham mưu, ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho công tác phát triển văn hóa đọc.

Đồng thời, đề xuất các chính sách, chỉ đạo hệ thống thư viện công lập, nhất là các thư viện công cộng có các giải pháp hỗ trợ, duy trì, phát triển mô hình thư viện cấp cơ sở, thư viện do cộng đồng, người dân chung tay đóng góp.

Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông, lan tỏa ý nghĩa, giá trị của Giải thưởng.

BTC Giải thưởng phải tăng cường, chủ động phát hiện những mô hình của các tập thể, cá nhân có đóng góp tiêu biểu cho phát triển văn hóa đọc.

ĐÌNH TOÁN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/xuat-ban/20-tap-the-15-ca-nhan-duoc-trao-giai-thuong-phat-trien-van-hoa-doc-lan-thu-vii-131366.html