2019, một năm đầy biến động, lao đao của Boeing
Hãng sản xuất máy bay lớn nhất của Mỹ Boeing đã phải trải qua một năm không thể tệ hại hơn.
Một năm trước, ban Giám đốc Boeing thuyết phục các nhà đầu tư phố Wall rằng họ có thể tăng cường sản xuất máy bay bán chạy nhất thế giới Boeing 737 MAX lên tới mức kỷ lục vì nhu cầu cho dòng máy bay này tăng mạnh. Nhưng cho đến cuối năm nay, họ phải ra quyết định dừng sản xuất dòng máy bay đầy kỳ vọng này. Rốt cuộc, hãng sản xuất máy bay lớn nhất của Mỹ đã phải trải qua một năm không thể tệ hại hơn.
Khủng hoảng
Khủng hoảng mà Boeing đang phải hứng chịu xuất phát từ hai vụ tai nạn máy bay chết người liên quan tới dòng 737 MAX. Trong đó, vụ tai nạn thứ hai và được coi là bước ngoặt khiến Boeing gặp khó khăn, xảy ra vào đầu năm 2019. Bởi vì nó xảy ra chỉ cách vụ đầu tiên trong vòng vài tháng, trên chuyến bay mang số hiệu 302 của Ethiopian Airlines.
Chiếc 737 MAX 8 bị rơi 6 phút sau khi cất cánh, khiến 157 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, nâng tổng số người tử vong vì tai nạn liên quan tới 737 MAX lên 346 người.
Hai vụ tai nạn thảm khốc, đẩy Boeing rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử hơn 100 năm qua, làm nảy sinh nghi ngờ về mức độ an toàn của dòng máy bay hái ra tiền cho Boeing.
Khoảng trung tuần tháng 12 vừa rồi, Boeing đã thay thế người đứng đầu đơn vị máy bay thương mại phụ trách hoạt động sản xuất 737 MAX. Ông Kevin McAllister là Giám đốc điều hành cao cấp nhất phải rời ghế lãnh đạo giữa cú sốc khủng hoảng.
Không dừng lại đó, Boeing đang đối mặt với cuộc điều tra hình sự cùng một số cuộc điều tra khác về thiết kế của 737 MAX cũng như giấy phép của Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ đối với dòng máy bay này trong năm 2017 cùng hàng loạt đơn kiện đến từ gia đình các nạn nhân trong 2 vụ tai nạn.
Cuộc khủng hoảng này đã lan tới cả các chuỗi cung cấp của Boeing như Công ty General Electric cùng khách hàng mua máy bay của Boeing là Southwest và American, thậm chí lan rộng ra cả nền kinh tế.
Sâu xa hơn, sự việc đặt ra câu hỏi về hệ thống quản lý và cấp phép hàng không lâu đời, được đánh giá là uy tín của Mỹ và cách họ cấp phép cho máy bay hoạt động.
Nhiều cơ quan quản lý tương đương Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trên thế giới bao gồm cơ quan đến từ châu Âu và Canada khẳng định, sẽ không dựa vào nhận định của FAA khi quyết định cấp phép cho Boeing 737 MAX quay trở lại bầu trời.
Lợi nhuận lao dốc 81%
“
Tương lai nào chờ Boeing trong năm 2020?
Tương lai sắp tới của Boeing có tươi sáng hay không phụ thuộc vào nỗ lực giải quyết, vá lỗi của họ. Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ tìm kiếm mọi thông tin về khả năng Boeing cải tổ, trong đó có việc “thay máu” ban lãnh đạo.
Năm 2020, có lẽ Boeing sẽ chỉ tập trung vào giải quyết triệt để và thấu đáo vấn đề an toàn liên quan đến Boeing 737 MAX (dòng máy bay từng được tin tưởng và bán chạy nhất thế giới). Bởi, chỉ khi MAX đảm bảo an toàn, họ mới có thể khai thông hoạt động sản xuất và giao máy bay này vốn đang bị đình trệ và tắc nghẽn với hơn 4.000 đơn hàng. Ngược lại, Boeing sẽ mất niềm tin trầm trọng và có thể ảnh hưởng sẽ lan sang các dòng máy bay khác trong tương lai của hãng.
”
Theo kết quả khảo sát từ Refinitiv sau khi lấy ý kiến từ nhiều nhà phân tích, khả năng cao Boeing phải chịu sụt giảm lợi nhuận gần 42% trong quý III/2019 so với cùng kỳ năm trước đồng thời giảm 23% lợi nhuận xuống còn 19,4 tỷ USD. Trong cả năm, các nhà phân tích dự đoán, lợi nhuận lao dốc 81% so với năm 2018.
Chưa kể, hai vụ tai nạn nghiêm trọng còn khiến Boeing tổn thất hơn 8 tỷ USD, theo Ngân hàng America Merrill Lynch. Thua lỗ có thể tăng nếu máy bay Boeing 737 còn tiếp tục bị “đắp chiếu”.
Trong khi doanh số và bán máy bay MAX năm nay gần như cạn khô thì Airbus - đối thủ của Boeing gần như đã và sẽ giành được ngôi vị nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới trong năm nay.
Boeing đã ngừng giao máy bay ngay sau khi dòng 737 MAX bị tạm dừng hoạt động đồng thời giảm năng xuất khoảng 20% xuống còn 42 chiếc/tháng. Sau khi hàng tồn quá nhiều, giữa tháng 12, họ buộc phải ra quyết định dừng sản xuất dòng máy bay này.
Những kỳ vọng về thời gian máy bay Boeing 737 MAX có thể quay trở lại hoạt động ngày càng nhạt nhòa - không có hãng hàng không nào của Mỹ có sử dụng MAX hy vọng có thể đưa máy bay này cất cánh trong năm sau.
Trong đó, một cựu phi công Boeing đã thể hiện lo ngại về 737 MAX sau khi điều khiển qua mô hình và cho rằng, hệ thống điều khiển của chiếc máy bay này không thể kiểm soát.
Sau khi hàng loạt tin nhắn này được công bố, cổ phiếu của Boeing đã lao dốc gần 11%, thổi bay 21 tỷ USD giá trị của công ty. Nhiều ngân hàng như UBS, BofA và Credit Suisse đều hạ thấp giá trị chứng khoán của Boeing.
Để có thể đưa Boeing 737 MAX trở lại hoạt động, Boeing phải hoàn tất bản vá lỗi của MCAS và được FAA chấp thuận rằng đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, công ty này liên tiếp không đạt thời hạn giao bản vá lỗi cuối cùng cho FAA để thông qua. Boeing cho biết, họ đã thực hiện hơn 800 chuyến bay thử với phần mềm mới.
Vấn đề đào tạo phi công
Ngoài lỗi phần mềm, một vấn đề khác của Boeing cũng nổi lên sau sự việc này đó là cách phi công được chuẩn bị để phản ứng trong các trường hợp máy bay tự động cao như vậy.
Cơ quan Điều tra giao thông Quốc gia Mỹ cho biết, Boeing đã chủ quan về mức độ phi công có thể phản ứng trước những cảnh báo hàng loạt trong trường hợp xảy ra lỗi hệ thống.
Cơ quan này khuyến nghị Boeing phải nghiên cứu lại khả năng hàng loạt cảnh báo đưa ra cùng lúc khi máy bay gặp sự cố vì điều này có thể khiến phi công giật mình. Bên cạnh đó, Boeing cũng phải cung cấp cho phi công cách xử lý để giành lại kiểm soát máy bay.
Theo quy định hiện nay, Mỹ yêu cầu phi công phải có 1.500 giờ kinh nghiệm bay, trừ một số trường hợp được đào tạo đặc biệt hoặc qua đào tạo quân đội trước khi có thể phục vụ một hãng hàng không thương mại. Trong khi ở một số nước khác trên thế giới yêu cầu này lại thấp hơn, chỉ khoảng 500 giờ bay. Do đó, sự chênh lệch về trình độ khi điều khiển máy bay Boeing 737 MAX có thể khiến những phi công ở các nước có điều kiện thấp không kịp xử lý tình huống.